Đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), ông Dương Văn Phó (58 tuổi, ở Phú Lương, Thái Nguyên) vẫn chưa quên sự việc xảy ra với mình 6 tháng trước. Người đàn ông không hề mắc bệnh tim mạch, huyết áp, mỡ máu gì nhưng bỗng một ngày khi cả nhà đang nói chuyện, ông vừa đứng dậy khỏi bàn thì bị co giật, méo miệng, rụt lưỡi không nói được mà chỉ ú ớ trong miệng.
Người thân thấy vậy đều hốt hoảng, người lo gọi xe đưa ông đi viện cấp cứu, người thì giúp ông sơ cứu tại chỗ. “Ai cũng lo lắng, hô hoán nói tôi đột quỵ rồi, đi viện nhanh không chết”, ông Phó nhớ lại.
Tại bệnh viện, sau khi chụp chiếu não, bác sĩ phát hiện có nhiều tổn thương, có cả những tổn thương đã cũ nên nghi ngờ không phải do đột quỵ, tổn thương có thể là do ký sinh trùng ở trong não. Ông Phó sau đó được chuyển xuống BV Đặng Văn Ngữ để kiểm tra.
Nam bệnh nhân nghĩ mình bị đột quỵ, không ngờ đến viện bác sĩ khẳng định mắc bệnh do thói quen ăn uống. Ảnh: Lê Phương.
Tại đây, các bác sĩ làm xét nghiệm, chụp chiếu và đánh giá tổng thể. Kết quả thể hiện, ông Phó bị sán lợn ký sinh ở não và khi khai thác tiền sử, bác sĩ khẳng định, bệnh của ông là do thói quen ăn uống.
Ông Phó cho biết, từ trước đến nay ông ít ăn quán xá, nhưng có ăn tiết canh tự đánh tại nhà. Tiết canh thường ăn nhất là ngan, vịt nhà nuôi. Thi thoảng có con lợn sạch, ông cùng mọi người giết thịt, rồi đánh tiết canh ăn. “Tôi chỉ ăn tiết canh do tự tay mình làm, từ con lợn do chính tay mình nuôi, không ngờ cũng mắc bệnh”, ông Phó nói.
Bác sĩ Tạ Huy Hải (BV Đặng Văn Ngữ) cho biết, tính đến nay bệnh nhân Dương Văn Phó đã điều trị đợt thứ 3 tại viện, các triệu chứng đã đỡ hơn nhưng vẫn cần theo dõi thêm, đồng thời sẽ chụp CT để đánh giá lại tổn thương. “Bệnh nhân này nếu không có cơn co giật thì sẽ không phát hiện bị sán não, đây là trường hợp rất điển hình về biến chứng do mắc sán ký sinh trong cơ thể. Do vậy, người dân cần lưu ý trong vấn đề phòng và phát hiện sớm bệnh”, bác sĩ Hải cho hay.
GS.TS. Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng - Trường đại học Y Hà Nội cho biết, sán lợn là bệnh do ký sinh trùng thường gặp, do thói quen ăn uống mất vệ sinh, thiếu khoa học của nhiều người. Theo GS Đề, khi ăn tiết canh hay thịt lợn tái sống có chứa trứng sán dây lợn, trứng vào cơ thể sẽ nở ra ấu trùng rồi đi đến ruột non, ấu trùng này sẽ xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt...
Ăn tiết canh, thịt lợn tái sống là nguyên nhân bị sán lợn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Ảnh minh họa.
Một trường hợp khác là người bệnh có sẵn sán trưởng thành ở trong ruột và bị nhiễm ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm thì số lượng ấu trùng sẽ rất lớn trong cơ thể. Các đốt sán khi rụng có thể theo phản ứng của nhu động ruột và ngược lên dạ dày. Khi đó, dưới tác dụng của dịch dạ dày, đốt sán vỡ ra giải phóng hàng nghìn trứng và trứng nở ấu trùng rồi theo máu đến ký sinh ở cơ, não và một số bộ phận khác. “Tôi từng gặp bệnh nhân nhiễm tới 300 ấu trùng trong não và 300 ấu trùng dưới da”, GS Đề thông tin.
GS Đề cảnh báo, khi nhiễm sán lợn, tùy vào nơi nó ký sinh nó mà có thể tác động tới các bệnh lý như động kinh, nói ngọng, liệt... làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người bệnh. Để phòng bệnh sán lợn/ấu trùng sán lợn, mọi người cần thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ, không nên ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín và các loại rau sống không đảm bảo vệ sinh. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị sớm, không phóng uế bừa bãi.
LÊ PHƯƠNG.