Ninh Thuận vốn là mảnh đất đầy nắng và gió cùng bao hoàn cảnh khó khăn cần mạnh thường quân chung tay giúp đỡ. Song nơi đây cũng có những cặp đôi “đũa lệch” giống như cặp đôi vợ 52 tuổi chồng 25 tuổi hoặc vợ 51 tuổi chồng 24 tuổi ở Hà Giang.
Đó là cặp vợ chồng chênh lệch nhau 15 tuổi sống ở vùng núi xa xôi và nghèo đói của Ninh Thuận. “Họ sống trong ngôi nhà được đắp bằng đất, diện tích chỉ vỏn vẹn vài mét vuông. Họ không có nương rẫy để canh tác, sống bằng nghề làm mướn và nhặt vỏ hạt điều cho công ty với mức lương bèo bọt.
Mình không rõ họ từng có gia đình trước khi đến với nhau hay không nhưng thấy có 3 người con, đứa lớn nhất đã 16 tuổi rồi. Cuộc sống của họ dù rất khó khăn nhưng luôn hạnh phúc và hoà thuận. Ở đây nhiều người sung túc khi biết họ cũng phải bày tỏ sự ngưỡng mộ về cách yêu thương và sự quan tâm nhau”, một người sống trong vùng cho biết.
Nói rồi, người phụ nữ dắt chúng tôi đến nhà của cặp đôi “đũa lệch”. Căn nhà tranh rách nát, chẳng có thứ gì đáng giá bên trong, thậm chí chiếc giường nằm ngủ cũng không hề tử tế chút nào. Trước nhà dựng 2 chiếc xe đạp cũ kỹ - có lẽ là tài sản quý giá nhất của gia đình.
Thấy người lạ ghé thăm, người đàn ông sở hữu khuôn mặt khắc khổ vội vã giới thiệu: “Em là Tiên, năm nay 27 tuổi. Còn đây là vợ em, tên Khăm, hơn em 15 tuổi. Chúng em là vợ chồng, không phải chị em đâu.
Vợ chồng em đang nhặt vỏ hạt điều để kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Công việc này không khó, không mệt nhưng cần sự tỉ mẩn và kiên trì. Hơn nữa nó không cho lợi nhuận cao, tức tiền công ít lắm”.
Căn nhà tranh rách nát của cặp đôi "đũa lệch".
Ngoài công việc nhặt vỏ hạt điều, Tiên còn đi mần mướn cho người ta những lúc vào vụ nông. Song việc không nhiều, ai thuê mới đi làm. Do đó anh rất muốn xuống thành phố tìm việc làm để đỡ đần vợ con.
“Em rất muốn đi xa tìm việc làm hoặc đi công ty như người ta. Nhưng để xuống đó tìm việc phải có xe máy, chứ đi xe đạp không nổi. Em cũng chẳng có đủ tiền để bắt xe đò nữa.
Có thể em nói mọi người không tin, thắc mắc tại sao có vài trăm nghìn mà không xoay sở nổi. Mọi người cứ hình dung quanh đây toàn núi rừng, nhà nào cũng nghèo đói thì lấy đâu tiền mà cho em vay. Tiền công nhặt vỏ hạt điều chỉ đủ đóng tiền học, mua sữa, cái ăn thức uống cho lũ trẻ. Vợ chồng em không dư giả nghìn nào cả”, Tiên thành thật.
Chồng trẻ vừa dứt lời, chị Khăm đang nhặt dở rổ hạt điều bỗng dưng lên tiếng giải thích cụ thể về công việc và mức lương. Chị bảo đây công việc chính của hai vợ chồng với mức lương ăn theo sản phẩm. Có nghĩa phía công ty sẽ cung cấp hạt điều cho chị mỗi tuần, sau đó thu mua bằng cân đã nhặt vỏ với số tiền chỉ vài ba trăm nghìn/tuần.
“Với số tiền đó, mình phải dành để mua gạo, mua cá thịt đổi bữa cho đám trẻ và đóng tiền học nữa. Có đợt công ty không có hàng, vợ chồng mình phải vào rừng tìm rau dại hoặc đào củ khoai cho con ăn. Mình buồn lắm mà không còn cách nào để giúp cuộc sống khấm khá hơn”, chị Khăm tâm sự.
Nhắc đến cơ duyên hai vợ chồng đến với nhau, người phụ nữ 41 tuổi không ngần ngại cho biết chị từng có một đời chồng và con riêng. Sau đó chị đi làm thuê làm mướn cho người ta rồi vô tình gặp gỡ chàng trai trẻ đáng tuổi con.
Cả hai có nhiều điểm chung trong suy nghĩ, nhất là cùng nghèo đói nên rất nhanh bén duyên và nên nghĩa vợ chồng. Họ đã về sống chung với nhau bất chấp lời cản ngăn, bàn ra tán vào của thiên hạ.
“Cách đây 1.5 năm, vợ chồng mình đã xây dựng được một căn nhà nhỏ ở dưới làng nhưng không có nhà vệ sinh. Mỗi lần cần đi, cả gia đình phải vào tận rừng sâu… Vì thế mình quyết định đưa chồng con lên núi ở, vừa thuận lợi cho việc sinh hoạt vừa thuận tiện công việc”, chị Khăm lý giải lý do vì sao có nhà vững chãi không ở.
Hiện tại, cặp đôi có 3 người con: chung lẫn riêng. Bé Liên Thiên (16 tuổi) – con trai riêng của chị Khăm chia sẻ: “Con đã nghỉ học, chưa đi làm ở đâu. Con chỉ loanh quẩn ở nhà đỡ đần cha mẹ. Con chỉ kém cha dượng hơn 10 tuổi nhưng luôn cảm nhận được tình yêu thương của cha dượng. Con cũng biết cha dượng yêu và thương mẹ con thật lòng. Con luôn mong cha mẹ mãi hạnh phúc, sống hoà thuận”.
Chia sẻ nguyện ước của bản thân, Tiên thẳng thắn cho biết anh luôn mong ngôi nhà dưới làng có thêm một phòng vệ sinh, căn nhà bếp. Khi ấy gia đình anh có thể xuống đó sinh sống như bao người, không phải chui trong căn nhà tranh rách nát này.
NGỌC HÀ