Tình yêu vốn chẳng phân biệt hoàn cảnh, tuổi tác hay ngoại hình. Vì thế chẳng có điều gì có thể cản ngăn các cặp đôi phải chia xa, chỉ cần cả hai yêu thương nhau thì mọi vấn đề có thể giải quyết. Và không ít người bất chấp lời chê bai, chế giễu từ thiên hạ để được ở bên nhau… mãi mãi. Điển hình như cặp đôi “đũa lệch” dưới đây.
Chị Thuỷ (50 tuổi, An Giang) là người có hoàn cảnh đặc biệt: một đời chồng, 2 đứa con. Chị sinh sống bằng nghề bán vé số, rong ruổi khắp các con hẻm ở thành phố Long Xuyên để kiếm tiền nuôi các con lớn khôn. Chị luôn tâm niệm chịu khó làm lụng sẽ có ngày đổi đời, con cái thành công.
“Gần chục năm trước, tôi làm đủ nghề mưu sinh kiếm sống. Một hôm, tôi nhận được cuộc gọi của người đàn ông tự xưng tên Phong, 37 tuổi, bị tật nguyền, cần người đẩy xe lăn từ Cầu Đỏ ra trung tâm thành phố. Tôi mới hỏi đẩy ra đó làm gì, đầu dây bên kia bảo để đi bán vé số.
Tôi thấy thương nên đồng ý nhận công việc này. Sáng sớm tôi đến đúng địa chỉ để gặp “khách hàng” và ấn tượng ban đầu là người đàn ông tí hon, chân tay bị khoèo, không cử động được. Song tôi trò chuyện dăm ba câu thấy đầu óc tỉnh táo như người bình thường”, chị Thuỷ nhớ lại.
Vợ chồng chị Thuỷ anh Phong luôn "đồng kham cộng khổ" trên mọi nẻo đường.
Bộ dạng của anh Phong đã khiến chị Thuỷ nảy lòng thương xót. Chị đồng ý đẩy xe lăn cho anh ra trung tâm, ngồi bán vé số. Sau đó chị cũng hành nghề mưu sinh của chính mình ở các địa bàn khác. Chiều tối chị quay trở lại chỗ cũ đón “đồng nghiệp” trở về nhà rồi nhận thù lao.
“Dần dần tôi đã dành trọn trái tim cho người đàn ông tật nguyền này. Song tôi không dám thổ lộ hoặc nói cho bất cứ ai biết, nhất là hai đứa trẻ”, người đàn bà vừa tròn 50 tuổi nói.
Chị Thuỷ vừa dứt lời, anh Phong cười: “Ôi cái cơ duyên tôi quen cô ấy tình cờ và duyên số lắm. Hồi đó tôi muốn đi bán vé số cách xa nhà mà người quen không chịu đẩy vì quá xa. Tôi đành tìm người đẩy thuê rồi vô tình thấy số điện thoại đó dán trên tường. Tôi gọi liền và được đồng ý, dù mức lương bèo bọt. Mãi sau này tôi mới biết cô ấy thương mình phận tàn tật nên giúp đỡ”.
Có duyên lại chung nghề, cả hai đã trở thành bạn bè, cùng nhau đi mọi nẻo đường. Thậm chí họ còn thấu hiểu hết suy nghĩ của đối phương nhưng chị Thuỷ chẳng dám thổ lộ tình cảm của chính mình. Bỗng một hôm, anh Phong nói với chị rằng: “Chúng ta dọn về sống chung cho thuận lợi, chứ chị cứ đưa đón em như thế này bất tiện lắm”.
Khi đó chị Thuỷ lòng vui nhưng vẫn lăn tăn chuyện 2 đứa con riêng. Anh Phong liền mở lời đón cả 2 đứa nhỏ về ở chung và hứa sẽ coi chúng như con ruột của chính mình. “Thế là tôi có chồng, các con có cha dượng. Tuy nhiên hàng xóm dị nghị, bảo ngu mới cưới người đàn ông tật nguyền lại kém tuổi về làm chồng. Họ còn bảo anh ấy khôn, “lợi dụng” tôi để cơm nước, tắm giặt và đẩy xe đi bán vé số. Tôi bỏ ngoài tai tất cả vì xưa giờ anh ấy ở một mình, vẫn có thể làm mọi thứ. Như vậy đã quá khốn khổ rồi, tôi sẽ bù đắp cho anh ấy mọi thứ”, chị Thuỷ tâm sự.
Trở thành vợ chồng, chị Thuỷ và anh Phong đã cố gắng tạo dựng một tổ ấm nhỏ cho riêng mình. Cả hai chăm chỉ kiếm sống, nuôi dạy các con trưởng thành… Cách đây 2 năm, họ đã gom góp tiền mua mảnh đất, dựng một căn nhà nhỏ làm chỗ tránh nắng mưa. Đó chính là một thành tựu nho nhỏ của cả hai.
“Với nhiều người, căn nhà đó chẳng đáng là bao nhưng với vợ chồng tôi rất lớn. Tôi còn quan niệm an cư lạc nghiệp, phải có nhà mới làm ăn được. Hơn cả hai đứa trẻ đã lớn cả, có nhà mới dễ dựng vợ gả chồng. Hiện đứa con gái lớn của chúng tôi đã có gia đình, sinh con… Còn thằng nhỏ 16 tuổi vẫn ở cùng, chăm chỉ làm lắm”, chị Thuỷ chia sẻ.
Gần một thập kỷ nên nghĩa vợ chồng, chị Thuỷ và anh Phong không hề có con chung nhưng vẫn luôn yêu thương nhau. Họ luôn kề vai sát cánh trên mọi nẻo đường, cùng nhau đi bán vé số với ước mơ cuộc sống dư giả. Khi ấy họ sẽ “nghỉ hưu” ở nhà chăm cháu…
“Ước vậy thôi chứ chúng tôi biết rõ mình chẳng bao giờ khấm khá nổi. Đợt này tôi bán vé số ế lắm, ngày được 100 tờ và lãi chẳng đáng là bao. Tôi đang tính buôn bán cái gì đó nhưng vốn không có”, chị Thuỷ bộc bạch.
Còn anh Phong chỉ mưu cầu có sức khoẻ để được ở bên người vợ già được lâu hơn. “Đời này tôi biết ơn cô ấy nhiều vô kể. Mẹ con cô ấy cho tôi biết cảm giác có gia đình là như thế nào? Cô ấy cho tôi được cảm nhận tình yêu thương mà bấy lâu nay chẳng bao giờ có được. Cảm ơn cuộc đời đã ưu ái tôi lúc về già”.
NGỌC HÀ