Bà D.T.H (60 tuổi, ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đang nằm điều trị (đợt 2) tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) vì nhiễm hai loại ký sinh trùng là sán não và giun đũa chó mèo. Bà H cho biết, do mắc ký sinh trùng nhưng không phát hiện ra, khiến bà phải chịu nhiều phiền toái, thậm chí cả những lời đồn thổi làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.
12 năm trước, bà H bắt đầu có biểu hiện bị ngứa ở nhiều bộ phận trên cơ thể, sau khi dùng thuốc nam, thuốc lá uống và tắm không đỡ, bà quyết định đi khám ở tuyến trung ương. Tại đây, các bác sĩ đều kết luận bà bị viêm da dị ứng và cho thuốc điều trị. Thế nhưng, thuốc uống hay bôi cũng chỉ đỡ được vài ngày, rồi các cơn ngứa lại hành hạ cơ thể bà H.
Một năm trở lại đây, ngoài ngứa ở tay chân, bà H còn bị đau đầu dữ dội thành cơn, mặt nổi nhiều mụn như trứng cá bọc, mắt bị ngứa dù nhỏ thuốc nhưng không khỏi. “Khi bị mụn tôi bôi thuốc không đỡ, nặn mụn ra nhiều bọc nhân màu trắng, bóp nhẹ là nhân nát hết. Tưởng khi nặn ra được như vậy sẽ hết, ai ngờ chúng xuất hiện trở lại rất nhanh. Nhìn mặt tôi lúc nào cũng nhiều mụn trắng “nở hoa” toe toét trên mặt nên nhiều người đồn thổi tôi bị HIV. Trong khi tôi và chồng suốt ngày ở quê, cam đoan không hề có quan hệ ngoài luồng. Những lời đồn thổi đó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của gia đình”, bà H tâm sự.
Bác sĩ Hách đang thăm khám cho nữ bệnh nhân mắc sán não điều trị tại viện.
Gần đây, khi những cơn đau đầu ngày càng nhiều, bà H đã đi chụp não tại bệnh viện trung ương và phát hiện có nhiều nốt vôi hóa trong não. Khi hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng, bà H được chẩn đoán bị sán não. Xét nghiệm phân, bà H còn bị dương tính với giun đũa chó mèo. Bà H được chỉ định điều trị nội trú.
Sau khi điều trị, xét nghiệm giun đũa chó mèo đã âm tính, với sán não phải điều trị thành nhiều đợt. Hiện bà H bắt đầu bước vào đợt điều trị sán não thứ hai, các triệu chứng đã được cải thiện nhưng vẫn còn tình trạng ngứa, nhưng không nhiều.
Qua khai thác tiền sử được biết, bà H có nuôi chó mèo, nhưng khẳng định không bao giờ ăn tiết canh, các loại thịt tái, sống như nem chua, nem chạo. Thi thoảng, bà cùng gia đình chỉ ăn một số loại rau sống, có thể là rau tự trồng hoặc mua ngoài chợ của người quen.
Theo các bác sĩ, hiện nhiều người dù không ăn tiết canh, thịt lợn tái sống những vẫn bị sán não do ấu trùng sán lợn có trong rau sống. Ngoài ăn tiết canh, thịt lợn tái, sống, các nhà khoa học đã xác định tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lợn chiếm khoảng từ 5 - 7% và thường xảy ra ở những người có tiền sử đã từng ăn rau sống hoặc đã bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành trước đó.
Không chỉ ăn tiết canh, thịt lợn tái-sống mà ăn các loại rau sống cũng có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn. Ảnh minh họa.
Khi bị nhiễm sán lợn, các ấu trùng này ký sinh trong cơ, não hoặc trong mắt gây nên các triệu chứng như ngứa dưới da, đau đầu, ngứa mắt. Nếu không được điều trị đúng phác đồ sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, với sán não triệu chứng rất đa dạng, tùy thuộc vào mức độ, vị trí tổn thương não mà bệnh nhân có thể có những biểu hiện khác nhau. Có những trường hợp bệnh nhân đến viện khám do có cơn co giật, có trường hợp lại bị đau đầu dữ dội như nữ bệnh nhân trên. Hoặc có trường hợp bệnh nhân lại chỉ choáng váng, đi khám thì tình cờ phát hiện ra mắc sán não.
“Do triệu chứng của bệnh đa dạng, dễ bị nhầm lẫn với động kinh, đột quỵ nên khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường, người bệnh cần khám chuyên sâu để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh”, bác sĩ Hách khuyến cáo.
Bác sĩ Hách cho biết thêm, bệnh sán não có thể điều trị khỏi nếu tuân thủ đúng phác đồ và thời gian điều trị lâu dài. Để tránh bị sán não, bác sĩ Hách cho rằng, việc thực hành ăn uống khoa học vẫn là điều quan trọng nhất. Theo đó, người dân tốt nhất không nên ăn tiết canh, thịt lợn tái sống, không ăn rau sống và dùng dụng cụ thớt sống-chín riêng. Nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh xong.
LÊ PHƯƠNG.