Nghệ sĩ Nguyễn Tiến tại một sự kiện ở Miền Trung
Tiến sinh ra tại vùng quê ven biển Hải Hậu ( Nam Định), nhà chỉ cách biển một con đê nhỏ. Tuổi thơ của anh gắn liền với cát, những trò chơi vẽ lên nền cát quê nhà trắng mịn.
Năm 2010, anh bắt đầu tìm hiểu về tranh cát thông qua các clip tranh cát nước ngoài. “Khi xem clip, mình bỗng thấy trong người phấn khích và rạo rực, ngay lập tức trong đầu mình suy nghĩ xem nên làm gì?” Tiến bày tỏ cảm xúc khi hoài niệm về ngày đầu đến với tranh cát
Nguyễn Tiến vẽ tranh cát về nghề dệt Cẩm Nê tại Đà Nẵng
Chàng trai xứ thành Nam đã “tận dụng” lợi thế gia đình có truyền thống làm nghề quảng cáo hộp đèn, biển hiệu để tạo bộ dụng cụ vẽ. Sau đó anh tiếp tục có nhiều “cải tiến” để hoàn thiện hơn.
Năm 2012, do thầm thương một cô gái , anh đã vẽ hình ảnh cô gái bằng cát rồi quay lại clip đăng tải lên mạng xã hội với mục đích tỏ tình người thương. Ngờ đâu clip bất ngờ được cộng đồng mạng yêu thích và ủng hộ với hàng nghìn lượt thích và chia sẻ.
Tác phẩm tranh cát về tình mẹ
Anh liên tục được các cặp đôi sắp cưới liên hệ làm clip để chiếu trong buổi lễ. “Mình không ngờ bộ môn này có thể trình diễn khắp nơi. Sau đó các cặp đôi khác lại liên hệ mời mình đi vẽ trực tiếp tại lễ cưới của họ. Lúc đó mình khá bất ngờ và lúng túng nhưng vẫn vui vẻ nhận lời. Dần dần các đơn vị tổ chức sự kiện biết tới và mời mình biểu diễn ngoài Hà Nội, Đà Nẵng...”, nghệ sĩ tranh cát chia sẻ.
Năm 2015, Tiến có cơ hội được hợp tác với đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh trên kênh HTV4 về chủ đề Bác Hồ được phát sóng hàng tuần lúc 18h55 thứ 2,4,6 và phát lại 12h30 trên HTV9. “Ngồi xem lại những tác phẩm mình vẽ trên tivi mà vừa vui vừa lo lắng”- anh chia sẻ.
Nghệ sĩ Nguyễn Tiến họp thường niên trong hội vẽ tranh trình diễn tại thành phố Hồ Chí Minh
Nhờ tình yêu nghề cùng thái độ luôn trau dồi kiến thức mới, Tiến đã trở thành một trong những nghệ sĩ vẽ tranh cát HOT nhất nhì Việt Nam. Anh đã có những trải nghiệm tại vùng sâu vùng xa - nơi đồng bào chưa bao giờ nghe đến hay tận mắt xem tranh cát. Anh kể rằng bản thân không ngại khó khăn, thậm chí đường bùn lầy, hiểm trở đành phải thuê người chở bộ đồ nghề đến điểm diễn. Anh muốn trẻ nhỏ, đồng bào một lần được thấy tranh vẽ cát ra sao, có khác gì với thước phim trên tivi hay không?
Nguyễn Tiến biểu diễn tranh cát trước tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc
Nhắc đến bộ môn tranh cát động, nam nghệ sĩ trăn trở: “Bộ môn tranh cát động vẫn rất ít người theo học, một phần vì sự khó tính của nghề, phần vì bộ môn này kết hợp quá nhiều thứ để triển khai, hiện tại cũng có người rời đi và không quay lại với cát, cũng có người còn hoạt động nhưng không còn thiết tha. Vì thế mình luôn muốn thổi hồn, thổi ngọn lửa đam mê vào cát để thế hệ trẻ nuôi dưỡng ý chí đến và gắn bó với bộ môn này. Mình dự định trong tương lai gần sẽ làm liveshow đầu tiên biểu diễn tranh cát trong sự nghiệp”.
Nguyễn Tiến trình diễn vẽ tranh bằng kim tuyến
Ngoài vẽ tranh cát động, Tiến là hoạ sĩ tiên phong theo đuổi và tìm tòi nhiều loại hình vẽ tranh lên sân khấu để trình diễn như: tranh nước, tranh lửa, vẽ tranh bằng dao cắt giấy, tranh kim tuyến, vẽ tranh bằng bình sơn xịt,... Khác với tranh cát động được vẽ trên mặt kính, bức tranh trình diễn được hoạ sĩ vẽ trực tiếp trên sân khấu kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng, những nét cọ đưa qua kéo lại hoà vào ngôn ngữ cơ thể. Người xem sẽ khó biết trước bức tranh vẽ gì khi hoạ sĩ chưa buông cọ kết thúc nó.
Nguyễn Tiến mong muốn bộ môn nghệ thuật vẽ tranh trình diễn này sẽ được mọi người đón nhận như là một hình thức giải trí đơn thuần. Mong tranh cát cũng như tranh trình diễn sẽ phát triển hơn và có nhiều đóng góp lưu giữ giá trị văn hoá, con người bản sắc dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới.