Nhặt được chiếc dây chuyền vàng trong vườn, tôi bị thông gia làm cho muối mặt trước bao người

Google News

Xót con dâu đang ốm nghén nên 2 tuần sau tôi lại tranh thủ qua nhà thông gia 1 lúc.

Khi con trai lấy vợ, tôi đã rất vui vì nhà có thêm người. Càng vui hơn khi nhà thông gia cách nhà tôi chỉ 30km nên cả hai có thể đi lại thăm hỏi nhau tiện lợi khi nhà có việc hoặc cùng chăm sóc, vun vén cho 2 con.

Sau cưới mặc dù nhà tôi rất rộng rãi nhưng con dâu và con trai đều xin phép được ở bên nhà vợ để đi làm cho gần. Thương 2 con đi làm xa vất vả hay lại hay ùn tắc giao thông nên chúng tôi cũng đồng ý. Bên thông gia do còn thừa phòng ở nên rất thoải mái.

Từ ngày ở bên nhà vợ, mỗi cuối tuần con dâu, con trai được nghỉ làm thì về bên nhà nội ăn cơm. Nhiều tuần có đồ ăn ngon, tôi còn gọi điện mời cả ông bà thông gia sang ăn bữa cơm cho thân mật, gắn kết.

Tình cảm giữa 2 nhà thông gia tốt đẹp dần lên và càng vui hơn khi sau cưới 6 tháng, con dâu tôi mang bầu. (Ảnh minh họa)

Tình cảm giữa 2 nhà thông gia tốt đẹp dần lên và càng vui hơn khi sau cưới 6 tháng, con dâu tôi mang bầu. Nhưng con dâu bị ốm nghén nặng. Thương nó gầy xanh xao nên tôi thường nấu nhiều món ngon bảo con trai về lấy hoặc tranh thủ đi xe máy mang sang cho. Có hôm tôi mang sang con gặp con gái, con rể bà thông gia về chơi và còn nói chuyện với chúng 1 lúc mới cáo từ.

Xót con dâu đang ốm nghén nên 2 tuần sau tôi lại tranh thủ qua nhà thông gia 1 lúc. Lúc ấy cả nhà đã đi làm, chỉ còn mỗi con dâu tôi ở nhà. Nhìn con dâu ốm nghén mệt mỏi nằm bẹp trên giường mà tôi xót quá, muốn làm gì cho con đỡ hơn mà chẳng biết làm gì. Lúc vào nhà tắm thấy chậu quần áo của con dâu con trai chưa giặt nên tôi lấy ra sân vò tay và mang ra dây phơi ngoài vườn để phơi.

Khi phơi xong quần áo, thấy vườn nhà bà thông gia rộng quá nên tôi đi dạo xem cây cối. Đến góc vườn tôi phát hiện 1 chiếc dây chuyền vàng rơi ở gốc cây hồng xiêm. Đoán là của thành viên nào đó trong nhà đánh rơi nên tôi chẳng nghĩ gì vội nhặt lên định bụng sẽ vào đưa cho con dâu dù không biết dây chuyền vàng thật hay giả.

Đi vào đến sân cũng là lúc bà thông gia đi đâu về. Thấy tôi cầm chiếc dây chuyền lấp lánh trên tay, bà liền xông tới giựt rồi hỏi dồn dập sao tôi lại cầm dây chuyền của con gái bà đánh mất 2 tuần trước. Tôi kể đầu đuôi thì bà cứ bảo làm sao mà rơi được ở góc vườn bởi đã tìm suốt 2 tuần nay. Bà thông gia còn sỗ sàng:

“Cả nhà tôi đã tìm đi tìm lại vài lần rồi, hẳn phải có ai tắt mắt lấy đi mới không thấy như thế”.

Khỏi phải nói tôi tức giận như nào trước lời bà thông gia ẩn ý muốn vu vạ. Tôi không thể ngờ bà ấy trẻ con và cạn nghĩ nên cũng không kiêng dè to tiếng lại khiến hàng xóm bên nhà chạy sang xem làm tôi ngượng muối mặt. May có con dâu khuyên can thì mọi chuyện mới dừng lại.

Sang chăm con dâu ốm nghén tôi gặp phải sự cố muối mặt với hàng xóm láng giềng. (Ảnh minh họa)

Suốt từ đó đến nay tôi thề không bao giờ sang nhà thông gia nữa dù bà ấy đã xin lỗi và bảo đứa trẻ hàng xóm lấy trộm. Sợ bị phát giác nên hôm trước nó ném trả vào góc vườn.

Giờ con dâu đã bước sang tuần thứ 32, vì lo sợ con đầu lòng có thể sinh sớm bất cứ khi nào nên tôi nhắc con dâu về lại nhà chồng ở để khi có dấu hiệu sinh thì có thể đưa đến viện bất cứ lúc nào. Song bà thông gia cứ bảo không cần về nhà nội ở cữ, để con ở cữ bên ngoại cho thoải mái. Hơn nữa con cũng đang ở bên ngoại sẵn rồi.

Con dâu tôi thì có vẻ thích ở cữ nhà ngoại hơn mọi người ạ. Cháu cứ bảo cho ở cữ bên này, khi nào hết 3 tháng cữ rồi mẹ con cháu về nhà. Điều này làm tôi khó nghĩ quá.

Bản thân tôi không khó khăn gì chuyện cho con ở cữ nhà ngoại. Nếu cho con dâu ở cữ nhà ngoại, phận làm ông bà nội chúng tôi không thể không sang thăm và làm ngơ được. Nhưng tôi với bà thông gia đang mâu thuẫn như thế, cứ đi lại thăm cháu nội và con dâu cũng bất tiện. Tuy nhiên nếu không sang đó, tôi rất lo lắng không biết con ăn uống, kiêng khem thế nào đây... 

Sản phụ sau sinh nên ở cữ nhà nội hay nhà ngoại?

Giữa nhà nội, nhà ngoại hoặc nhà riêng, các mẹ nên ở cữ ở nơi có điều kiện tốt nhất để đảm bảo sự an toàn của bé sơ sinh. Điều kiện tốt ở đây là nhà cửa thoáng đãng, vệ sinh, lại gần trung tâm chăm sóc sức khỏe mẹ và bé (ví dụ gần bệnh viện nhi chẳng hạn). Bởi vì trong quá trình nuôi trẻ sơ sinh, có những vấn đê bạn cần phải nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhi. Hoặc những nhu cầu đơn giản như chích ngừa cho bé cũng cần thiết. Hay những khi bé lên cơn nóng lạnh cần phải nhờ đến y tế can thiệp.

Thực tế các cụ có câu “Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng”. Chị em mới sinh con lần đầu, còn trẻ người non dạ, hoặc nếu không còn trẻ thì cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn, chưa biết đi đứng, ăn uống, tắm giặt, kiêng khem ra sao…

Lại thêm khoảng 1 tháng đầu sau sinh, cơ thể yếu ớt như cua lột, có những lúc muốn nhờ vả mẹ chồng hoặc chị em nhà chồng cũng ngần ngại, mà nếu tự làm thì sinh mệt mỏi. Thành ra, sinh con đầu lòng các mẹ bỉm kháo nhau nên về nhà ngoại để thoải mái nhất. Còn những lần sinh sau đã có kinh nghiệm, có thể tự mình giải quyết được nhiều việc thì ở cữ bên nội cũng không sao.

Trong trường hợp bắt buộc phải ở cữ nhà chồng, mẹ bỉm nên lấy chồng làm điểm tựa. Chồng sẽ là người chăm sóc mình tốt nhất, lại đã gần gũi để nhờ cậy những chuyện tế nhị như vệ sinh, chăm con... Hơn nữa, chồng ở gần thấy sự vất vả của vợ, sẽ thấy có trách nhiệm với vợ con hơn; lại học được cách chăm sóc con cái để sau này hỗ trợ vợ trong chuyện nuôi con. Một yếu tố thuôc về tâm lý nữa, đó là vợ chồng thì nên ở gần nhau, cùng động viên chia sẻ để luôn giữ lửa hạnh phúc gia đình.

THẢO NGUYÊN