Những “đứa trẻ” hơn 30 tuổi tìm thấy tình yêu thương từ người mẹ chung của mình

Google News

Dù tuổi đời đã ngoài 30, nhưng những người có hạn chế về trí tuệ này vẫn như những đứa trẻ và đều yêu quý một người phụ nữ như mẹ của mình.

Tại quận Kiều Khẩu, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, có một "ngôi trường" đặc biệt dành cho người khuyết tật trí tuệ tên là Sunshine Home. Học sinh ở đây có độ tuổi trung bình trên 30, nhưng do khiếm khuyết về trí tuệ, họ vẫn sống trong thế giới riêng của mình như những đứa trẻ.

Để chăm sóc tốt cho những đứa trẻ đặc biệt này, bà Hu Chunli, người vốn bị khuyết tật về thể chất từ nhỏ đã gắn bó với Sunshine Home suốt 11 năm qua. Bà đã giúp đỡ, hướng dẫn những người khuyết tật trí tuệ hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ và hướng dẫn những đứa trẻ ở đây hòa nhập với xã hội và thậm chí là tự lập, mang ánh sáng đến hơn 100 gia đình xung quanh. Những đứa trẻ ở đây đều trìu mến gọi bà là “mẹ Hu”.

Bà Hu Chunli dạy “các con” làm đồ thủ công

Hãy coi những người khuyết tật trí tuệ như những “đứa trẻ mãi chưa lớn”

Đến lớp đúng giờ, dẫn mọi người đi ăn trưa, cùng nhau làm đồ thủ công, cùng nhau dọn dẹp vệ sinh... những việc tưởng chừng nhỏ nhặt này tạo nên một ngày bình thường của bà Hu Chunli trong việc chăm sóc người khuyết tật trí tuệ tại mái ấm này. Ngày qua ngày, bà kiên trì suốt 11 năm qua với công việc “dạy học” thậm chí khiến giọng bà trở nên khàn đặc.

Năm 2011, bà Hu, người bị liệt chân trái từ nhỏ do bệnh bại liệt, bắt đầu làm công việc giúp đỡ những người khuyết tật khác. Năm 2013, bà đã đến cộng đồng Xuetang và xây dựng Sunshine Home cho người thiểu năng trí tuệ. Không cần đóng một đồng chi phí nào, chỉ cần người giám hộ ký tên, người khuyết tật trí tuệ trong và xung quanh khu vực có thể đến đây để nhận sự giúp đỡ.

Ở đây có lớp học từ thứ 2 đến thứ 6 và nghỉ cuối tuần. Hàng ngày, các học viên sẽ học kiến ​​thức, chơi trò chơi, làm đồ thủ công theo chương trình giảng dạy. Sau khi về nhà, họ phải làm bài tập để nâng cao khả năng tự chăm sóc bản thân.

Những năm qua, bà Hu Chunli luôn chăm sóc những người thiểu năng trí tuệ có độ tuổi trung bình là 30 này như những “đứa trẻ” ở trường tiểu học. Bà cho biết:

"Đa phần những người thiểu năng trí tuệ này đều bị khuyết tật bẩm sinh và khả năng nhận thức của họ thấp hơn người bình thường. Trí tuệ của chúng dừng lại ở mức của một đứa trẻ nên chỉ có thể quan sát thế giới bằng góc nhìn của trẻ con, sống trong thế giới riêng của mình”.

Vì vậy, bà Hu không chỉ chăm sóc họ như những người khuyết tật, mà còn coi họ như những đứa trẻ mãi không lớn. Bà tin rằng, thông qua việc giáo dục và tạo điều kiện sống tốt, những “đứa trẻ” này có thể hòa nhập vào xã hội và sống một cuộc sống bình thường nhất có thể.

Gần như tất cả những “đứa trẻ" của “Sunshine Home” đều gọi bà là "Mẹ Hu”. Họ thầm biết ơn bà Hu Chunli đã đối xử tốt với mình. Mỗi khi thấy bà bị đau chân và thậm chí phải dùng xe lăn để di chuyển, “cậu bé” Xiao Kai (hơn 30 tuổi, tên đã được thay đổi) và những "đứa trẻ" khác sẽ chủ động tới đẩy xe lăn, gói đồ ăn trưa và rót nước cho bà.

Có một học viên Xiaosong (tên đã được thay đổi) sau vài năm học tại Sunshine Home đã trở về nhà giúp ông nội làm việc trong tiệm sửa xe. Đột nhiên một ngày, Xiaosong xuất hiện ở Sunshine Home. Hóa ra, vì nhớ mẹ Hu và những người bạn khác nên anh đã dùng số tiền tiêu vặt tiết kiệm được để mua trái cây và đồ ăn nhẹ để thăm mọi người.

Bà Hu Chunli chụp ảnh kỷ niệm bên những bằng khen của mình. 

Người thiểu năng trí tuệ cũng có thể tự lập

Hu Chunli năm nay đã 55 tuổi nhưng bà vẫn chưa có ý định nghỉ hưu. Bà hy vọng có thể hướng dẫn thêm nhiều “đứa trẻ” hòa nhập xã hội hơn khi còn có thể. Trong 11 năm kể từ khi thành lập, thậm chí đã từng có những học sinh lớn tuổi hơn Hu Chunli chuyển vào viện dưỡng lão sau khi rời Sunshine Home. Được biết, hơn 100 người khuyết tật trí tuệ đã hòa nhập xã hội với sự giúp đỡ của Sunshine Home và các tình nguyện viên khác, mang ánh nắng đến cho hơn 100 gia đình.

Bắt đầu từ năm ngoái, để lớp thủ công trở nên thiết thực hơn và để những “đứa trẻ” đóng góp nhiều hơn cho xã hội, Hu Chunli đã chủ động liên hệ với những người buôn bán quần áo trên phố, hướng dẫn chúng nhận đơn đặt hàng và bắt đầu sản xuất phụ kiện quần áo... Với bà, để những “đứa trẻ” tự lực cánh sinh, hòa nhập xã hội, ngoài việc rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân, các em còn phải rèn luyện khả năng lao động thực tế và được tham gia lao động.

Bà Hu có một cuốn sổ kế toán ghi lại chi tiết mỗi học sinh làm ra bao nhiêu phụ kiện và trị giá bao nhiêu. Niềm đam mê làm đồ thủ công của các học viên cũng tăng lên.

“Tất cả số tiền kiếm được từ việc làm phụ kiện sẽ trao cho các em. Chúng tôi không mong đợi các em kiếm được nhiều tiền. Mục đích chính là hình thành nhận thức về lao động và quan điểm kiếm tiền của các em để các em có thể hòa nhập xã hội trong tương lai”, bà Hu nói.

BẢO BẢO