Trong không khí của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, dịp để thể hiện tình yêu thương, sự biết ơn, tôn vinh phái nữ, nhưng đâu đó giữa những bộn bề của cuộc sống thường ngày, nhiều người phụ nữ không biết và cũng không để tâm rằng bản thân xứng đáng được yêu thương.
Mỗi năm cứ đến dịp 8/3, nhiều chị em phụ nữ sống trong niềm vui hân hoan khi được tặng hoa, tặng quà và nhận những lời chúc yêu thương. Nhưng có những người phụ nữ, mùng 8/3 với họ cũng chỉ như một ngày bình thường, tất bật làm việc mưu sinh.
Cô Út (55 tuổi, Bình Định) lặng lẽ ngồi một góc đường nghỉ mệt giữa thời tiết nắng nóng của Sài Gòn, bên cạnh là chiếc xe hàng chở đầy những món đồ đã thu mua được. Trên tay cô Út là món quà mà theo tiết lộ là do một vị khách được tặng vì không dùng đến nên đã cho lại. Nâng niu món quà, cô Út không biết rõ về ý nghĩa ngày mùng 8/3, chỉ biết rằng nhiều người phụ nữ đến ngày này sẽ được tặng hoa, tặng quà nhưng hơn 50 năm qua cô chưa từng cảm nhận được điều đó.
Cô Út rời Bình Định vào Sài Gòn mưu sinh để chăm sóc chồng bị bệnh tâm thần hơn chục năm qua. Kể về hoàn cảnh của bản thân, cô rơm rớm nước mắt vì số phận hẩm hiu. Nơi Sài Gòn tấp nập, cô Út làm nghề thu gom ve chai sắt vụn, rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Với cô Út, ngày mùng 8/3 cũng không có gì đặc biệt hơn mọi ngày, vẫn miệt mài đi làm từ sáng đến tối mong có tiền thuốc thang cho chồng và chữa bệnh cho bản thân. Ngày mùng 8/3 trở nên xa lạ với cô Út, dường như sự vất vả của cuộc sống mưu sinh khiến người phụ nữ này không biết được rằng có một ngày dành riêng cho mình như vậy.
Trong chiếc túi đỏ với dòng chữ "Happy Women's Day" này là một chiếc ly uống nước. Đây có lẽ là món quà không mấy giá trị với nhiều người nhưng với cô Út đó là niềm vui trong ngày dành riêng cho phụ nữ, cho chính mình. Gói ghém kĩ và để một góc bên cạnh những túi hàng, đây là món quà đầy hạnh phúc mà cô Út nhận được trong ngày 8/3.
Ở một đoạn trên kênh Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chiếc ghe hàng của gia đình người phụ nữ này tấp nập người lui tới mua hàng. Ngơi tay không nghỉ, chị vừa buôn bán cho khách những sản phẩm đồ quê đem lên, vừa chăm cô con gái nhỏ. Sắp tới ngày 8/3 với chị như bao ngày bình thường, cuộc sống vẫn tiếp tục trên chiếc ghe hàng, chỉ mong sao buôn may bán đắt là được.
Người phụ nữ với gánh hủ tiếu đêm là hình ảnh quen thuộc với người dân Sài Gòn. Mở hàng từ khoảng 16h chiều, quán hủ tiếu này sáng đèn đến đêm muộn. Như bao nhiêu người lao động về đêm khác giữa thành phố, chủ hàng hủ tiếu này chỉ biết ngày, biết tháng chứ không để tâm rằng mùng 8/3 là ngày tôn vinh phụ nữ.
Sài Gòn những ngày này thời tiết nóng bức, cái nắng bỏng rát khiến nhiều người lao động ngoài trời thêm mệt mỏi. Với những người phụ nữ, thuộc phái yếu lại càng thêm vất vả với gánh nặng mưu sinh. Dọc theo những con đường, phố xá, không khó để bắt gặp những người phụ nữ bé nhỏ đẩy xe hàng đầy ắp, không ngần ngại mang vác đồ nặng. Khi hỏi họ về ngày mùng 8/3, đơn giản chỉ là một nụ cười và cái lắc đầu, nó có khác gì ngày thường đâu chứ.
Ngày mùng 8/3, ngày cả thế giới tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ. Ai là phụ nữ, chắc chắn đều muốn được yêu thương, trân trọng, đặc biệt vào những dịp đặc biệt như vậy. Nhưng đâu đó vẫn có những đôi mắt đượm buồn, những ánh nhìn tiếc nuối khi nghĩ về ngày mùng 8/3, nơi với nhiều người phụ nữ khoảng thời gian khiến họ có chút tủi thân. Đội nắng, cõng mưa, 24h mỗi ngày với họ là để mưu sinh, không có sự thảnh thơi và biết rằng bản thân xứng đáng được yêu thương, tôn vinh.
Sự hiện diện của người phụ nữ chính là món quà lớn nhất mà thượng đế ban tặng cho chúng ta. Phái hương sắc là những người bà, người mẹ, người chị đã luôn ở bên và dành thật nhiều tình yêu thương cho gia đình. Họ có thể làm nhiều nghề, từ trí óc đến tay chân, tất cả đều xứng đáng được tôn vinh và trân trọng, không chỉ trong ngày mùng 8/3 mà còn tất cả mọi ngày.
THÀNH GIANG