Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, câu chuyện "Thưởng Tết" dịp cuối năm trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tại nhiều diễn đàn - nhóm trên mạng xã hội, các thành viên thi nhau than thở về mức thưởng Tết sau một năm làm việc vất vả.
Có người than công ty không làm ăn được nên đã hạ mức thưởng Tết xuống 50% so với năm ngoái, người lại buồn vì năm nay doanh nghiệp không thưởng Tết bằng tiền mặt, thay vào đó là hiện vật: bánh kẹo, trà mứt... có người còn buồn hơn vì chẳng nhận được hiện vật cũng không có tiền.
Thậm chí có người đăng bài trong nhóm facebook Yêu Công sở*** nhờ cộng đồng mạng tư vấn giúp xem bản thân phải làm như thế nào khi nhân viên không có thưởng Tết nhưng phải đóng 1.000.000 đồng tham gia tiệc tất niên. "Cơ quan mình yêu cầu nhân viên tham gia tiệc tất niên đóng 1.000.000 đồng và yêu cầu bắt buộc phải tham gia. Lương mình 5.000.000 đồng và thưởng Tết không có. Giờ mình phải làm thế nào, mọi người cho ý kiến với", thành viên ẩn danh "cầu cứu".
Nhiều thành viên than thở về chuyện thưởng Tết tại công ty. (Ảnh chụp màn hình)
Chủ đề này thu hút rất nhiều lượt tương tác, trong đó, không ít thành viên bên dưới đã "khui" ra tên của một số công ty đề nghị nhân viên đóng tiền tham gia tiệc tất niên. Cùng với đó là vô số bình luận chia sẻ tình hình thưởng Tết "có cũng như không" của năm nay.
Trước đó, trong một sự kiện tìm kiếm giải pháp cho các doanh nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến - một nhân vật có sức ảnh hưởng trong ngành Công nghệ tại Việt Nam đã phát biểu về câu chuyện thưởng Tết 2024 làm dấy lên tranh cãi trong cộng đồng mạng. Ông nói: "Hãy nói thẳng với tất cả nhân sự chúng ta rằng khó khăn các bạn đều biết, hiện nay không phải lúc lên đòi hỏi tôi 'Sao chưa tăng lương', hay 'Chị ơi, anh ơi, sắp đến Tết rồi, có thưởng hay không?'. Bây giờ là lúc trả lời câu hỏi 'Chúng ta có tồn tại hay không?'"
"Chúng ta không tồn tại qua Tết này thì đừng nói lương thưởng, ngay cả chỗ làm của các anh chị ngày hôm nay chưa chắc đã còn. Bất kỳ doanh nghiệp lớn hay nhỏ giờ đều cần siết chặt đội ngũ, đoàn kết lại, tiết kiệm tất cả các khoản chi phí, làm sao giữ được tiền mặt trong tay, làm sao giữ được từng khách hàng cũ… để duy trì hoạt động của mình",
Để tìm hiểu thêm về bức tranh thưởng Tết năm nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z để lắng nghe tâm tư của người lao động trẻ sau một năm làm việc trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Thu Trang (23 tuổi, quê Quảng Nam) - nhân viên marketing tại một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết: "Thưởng Tết luôn là điều mà nhiều người lao động quan tâm và mong chờ. Bởi đây là khoản giúp chúng em có thêm chi phí để về quê sum vầy cùng gia đình hoặc phụ giúp bố mẹ trang trải Tết Nguyên đán.
Năm ngoái - đúng đầu tháng 12 âm lịch, em đã háo hức chờ đợi thông tin thưởng Tết dù mới vào làm được gần một năm. Em nhớ ngày nào các anh chị đồng nghiệp cũng bàn tán về mức thưởng trong nhóm chat chung. Em không biết tham gia gì nên đành đọc tin nhắn của mọi người rồi thấy vui lây. Sau đó, em có chút kỳ vọng về mức thưởng của bản thân".
Khi công ty thông báo mức thưởng của nhân viên, Thu Trang đã vỡ oà khi được nhận 1 tháng lương - tương đương 8.000.000 đến 10.000.000 đồng. Số tiền đó cô đã dành quá nửa biếu bố mẹ tiêu Tết, còn lại tiết kiệm phòng khi ốm đau.
"Bố mẹ em nhận số tiền đó từ con gái mà vui mừng lắm. Ai vào bố em cũng khoe năm nay em lo Tết cho cả nhà. Vì vậy năm nay em cũng mong chờ dù biết công ty bị ảnh hưởng trước làn sóng kinh tế suy thoái", Thu Trang bộc bạch.
Vài ngày trước, cô gái Gen Z nhận được tin công ty cắt giảm thưởng Tết lên đến 50%, lương tháng 1 chi trả sau Tết khiến bản thân hụt hẫng mất 2 hôm. Cô bảo bản thân không kỳ vọng mức thưởng cao nhưng luôn mong chờ được bằng năm ngoái. "Em biết người lao động phải chung tay cùng doanh nghiệp giữa lúc khó khăn nhưng thâm tâm vẫn mong muốn được thưởng bằng mức năm ngoái và nhận lương trước Tết. Như vậy em và những người quê xa mới "tự tin" đặt vé máy bay về quê sum vầy với gia đình, mua một chút quà biếu tặng người thân", cô gái gen Z tâm sự.
Dẫu vậy, Thu Trang luôn đồng hành cùng công ty trong giai đoạn khó khăn và hy vọng kinh tế sớm bước vào giai đoạn phát triển. "Nhiều bạn của em chia sẻ thẳng thắn ra Tết sẽ tìm kiếm công việc mới với mức thu nhập cao hơn. Còn em chưa từng nghĩ vậy vì nơi đây không chỉ cho em công việc, đồng lương nuôi sống bản thân mà còn có nhiều đồng nghiệp tốt. Em luôn coi công ty như ngôi nhà thứ hai", cô gái trẻ nói.
Tuấn Anh (24 tuổi, quê Nam Định) - nhân viên bán hàng cho cửa hàng điện tử tại Hà Nội cho biết năm nay công ty anh không có thưởng Tết, thay vào đó mỗi cá nhân sẽ nhận được một phần quà nho nhỏ, gồm một nồi cơm điện, rượu vang và đặc sản vùng Tây Bắc. Anh khá bất ngờ khi bản thân và đồng nghiệp nhận được món quà Tết này.
"Mình biết cửa hàng không có đơn đặt hàng dịp giáp Tết nhiều như năm ngoái. Song thưởng Tết chính là phần thưởng của nhân viên sau 1 năm cống hiến vất vả chứ không phải chỉ riêng tháng cuối năm.
Hơn cả, mình nghĩ món quà thiết thực nhất cho người lao động vào dịp Tết nên là tiền mặt dù ít hay nhiều. Bởi "trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Nó là sự động viên rất lớn về tinh thần cho chúng mình để phấn khởi hơn, gắn bó hơn với cửa hàng", Tuấn Anh bày tỏ quan điểm.
Chàng trai trẻ thẳng thắn cho biết sau Tết Nguyên đán sẽ xin nghỉ tại cửa hàng, chuyển sang học nghề để sau này có một công việc ổn định, không lo lắng chuyện thưởng Tết bằng... hiện vật. "Nhiều người sẽ nói mình khôn lỏi khi vừa nhận thưởng Tết xong đã nghỉ việc. Thực tế mình đã nói trước với chủ về vấn đề đó.
Cũng có người cho rằng mình còn trẻ, chưa vướng bận gia đình nên không cần đặt nặng vấn đề tiền thưởng Tết, cũng chẳng phải chi tiêu nhiều như hội chị em, cánh mày râu có tổ ấm riêng. Song họ đâu có hiểu rằng Gen Z cũng có gia đình, bố mẹ để báo hiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Chúng mình cũng cần tiền để mừng tuổi ông bà, các cháu trong nhà.
Hơn cả mình nghĩ tiền thưởng Tết chính là phần thưởng lớn lao mà người chủ dành cho nhân viên, giống như cách cảm ơn người lao động đã đồng hành cùng họ suốt một năm thăng trầm", Tuấn Anh thẳng thắn đưa ra quan điểm.
NGỌC HÀ