Theo tờ Forbes năm 2018, Chu Quần Phi được mệnh danh là nữ tỷ phú “tự thân” giàu bậc nhất thế giới, đứng thứ 5 Trung Quốc và thứ 221 thế giới. Bà sở hữu khối tài sản có giá trị lên đến hơn 15 tỷ USD, tính đến ngày 1/10/2020. Quần Phi là người sáng lập và giám đốc điều hành của Lens Technology, hãng sản xuất ống kính chụp ảnh cho nhiều nhãn hàng điện tử hàng đầu như iPhone, Samsung, Huawei,... Ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công xuất chúng của người phụ nữ ấy lại là hành trình khởi nghiệp gian nan, bắt đầu từ con số 0.
Chu Quần Phi nắm giữ vị trí người phụ nữ tự thân giàu bậc nhất thế giới vào năm 2018 (theo tờ Forbes).
Chu Quần Phi sinh năm 1970, tại một gia đình nhỏ tại nghèo tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, bà đã phải cùng anh chị em trong nhà phụ giúp cha mẹ để mưu sinh kiếm tiền. Tai hoạ liên tục ập đến khi bà lên 5 tuổi: mẹ qua đời, bố dần mất đi thị lực do tai nạn lao động. Không còn cách nào khác, bà phải cùng các anh chị em làm việc và dần dần tự mình quán xuyến mọi công chuyện lớn nhỏ trong nhà.
Năm 16 tuổi, không đủ tiền để trang trải cuộc sống, Quần Phi phải bỏ dở việc học, đến Thâm Quyến tìm việc làm. Không bằng cấp trong tay, chân ướt chân ráo đến thành phố xô bồ, bà nhiều lần bị lừa làm việc mà không bỏ túi được đồng lương nào. Sau này, bà được nhận vào làm công nhân tại một công ty sản xuất mặt kính đồng hồ, quần quật suốt 12 tiếng mỗi ngày nhưng chỉ nhận được mức lương bèo bọt. Điều đáng nói là Quần Phi không hề nản lòng, ngược lại luôn luôn học hỏi và nắm chắc toàn bộ quy trình sản xuất kính đồng hồ. Tận dụng thời gian rảnh ít ỏi buổi tối, bà còn đăng ký học thêm tại các lớp bổ túc, từ kế toán, lái xe cho đến máy tính. “Học thêm được một kỹ năng tức là đường mưu sinh nhiều thêm một ngả", bà từng chia sẻ.
Xuất phát từ gia đình nghèo khó, Quần Phi luôn nỗ lực học hỏi và kiếm tiền.
Ở tuổi 22, khi trong tay tích góp được 3.000 USD, bà táo bạo đưa ra quyết định khởi nghiệp. Chu Quần Phi cùng một vài người họ hàng đã bắt đầu mở một xưởng chế tạo kính đồng hồ cho khách hàng. Bà sống và làm việc trong một căn hộ nhỏ cùng anh chị em họ. Quần Phi đã làm tất cả từ sửa chữa cho đến thiết kế máy móc của nhà máy, đồng thời tự học các quy trình in phức tạp và các kỹ thuật khó để có thể cải tiến các bản in cho mặt kính cong.
Trong nhiều năm sau đó, con đường khởi nghiệp của bà chẳng hề suôn sẻ. Quần Phi gặp đủ loại khó khăn như thiếu khách hàng và nguyên vật liệu, đối thủ cạnh tranh gay gắt hay nhà cung cấp thúc ép thanh toán. Đã hơn 2 lần bà phải tìm cách bán nhà để có đủ chi phí trả lương cho nhân viên.
Để có được thành công như ngày hôm nay, Quần Phi từng có thời điểm gần như mất hết khi khởi nghiệp.
“Chúng tôi khởi nghiệp rất khó khăn, tiền không có, kinh doanh giậm chân tại chỗ. Có ngày tôi chỉ có tiền lo bữa trước mà chẳng có bữa sau. Nhưng tôi vẫn kiên trì làm mọi thứ có thể và không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh”, Quần Phi từng tâm sự. Vào khoảng thời gian tăm tối nhất, bà thậm chí còn nghĩ đến ý định tự tử. Tuy nhiên, cuộc gọi từ con gái đã khiến bà từ bỏ ý định liều lĩnh này. Từ đây, bà nhận ra không thể bỏ cuộc mà phải tiếp tục cố gắng, vì gia đình, vì đồng nghiệp và vì chính nhân viên của mình.
Cuối cùng, thành công cũng đã mỉm cười với bà. Sau 10 năm hoạt động, Chu Quần Phi thành lập công ty Lens Technology, chuyên nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm ống kính, đặt trụ sở tại Hồ Nam. Bước ngoặt cho công ty của Chu Quần Phi xảy ra vào năm 2003, khi Motorola gọi điện và đặt hàng công ty thiết kế một loại màn hình kính chống xước cho điện thoại Razr V3 của họ. Năm 2004, Lens Technology đã bán được hơn 100 triệu bản cho mẫu máy V3 của Motorola - loại màn hình điện thoại phẳng với lời chào “Hello Moto”.
Thành công của bà không chỉ đến từ năng lực mà còn đến từ ý chí và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ.
Sau đó, các hãng di động khác như HTC, Nokia và Samsung cũng làm theo. Tiếng vang của doanh nghiệp đã đủ sức để đánh bại các đối thủ nặng ký khác, trở thành đối tác chính thức của “gã khổng lồ" Apple, mở đầu một cuộc cách mạng smartphone trên toàn thế giới. Tháng 3 năm 2015, Công ty Lens Technology chính thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, đưa Chu Quần Phi lần đầu tiên đứng vào hàng ngũ tỷ phú.
Năm 2018, theo thống kê của Forbes, giá trị của Lens Technology đã đạt 11,4 tỷ USD với 82.000 nhân viên trên khắp Trung Quốc. Số tài sản tiếp tục được củng cố lên mức 15,1 tỷ USD, theo thống kê của Forbes tính đến ngày 1/10/2020. Câu chuyện khởi nghiệp của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu lao động nữ và các doanh nhân mới khác trên khắp thế giới.
Hành trình khởi nghiệp của Quần Phi là câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều nhà khởi nghiệp trẻ khác trên thế giới.
Nữ tỷ phú cho rằng, nếu bỏ cuộc giữa chừng, sẽ chẳng đủ can đảm để bắt đầu lại một lần nữa từ điểm xuất phát. "Chỉ có kiên trì, bạn mới có thể đạt được thành công. Đừng bao giờ từ bỏ vì một chút thất bại". Với Quần Phi, nghèo khó chưa bao giờ là rào cản đến với thành công. Ngược lại, vận mệnh lại nằm ngay chính trong bản thân mỗi người. Đến nay, bà vẫn không ngừng xây dựng và nỗ lực trong những chặng đường tiếp theo để hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp trong nước cùng tiến bộ.
PHÚ NGUYỄN