Tuy sở hữu vẻ ngoài đáng sợ nhưng cà cuống - loại côn trùng họ chân bơi, thường sống ở hồ, ao, đầm, ruộng lúa đã trở thành đặc sản lạ miệng với mức giá lên đến tiền triệu/kg.
Thông thường, cà cuống được chế biến thành nhiều món ngon nhưng có giá trị cao và bổ dưỡng nhất vẫn là tinh dầu. Tinh dầu cà cuống có màu trong vắt, dậy mùi thơm đặc trưng và thường được sử dụng như một thứ gia vị không thể thiếu để làm nên loại nước mắm cà cuống thường xuất hiện trong mâm cơm của các gia đình ở khu vực phía Bắc.
Không chỉ là đặc sản thơm ngon, cà cuống còn rất bổ dưỡng, chứa hàm lượng protein, lipid và các vitamin dồi dào. Theo đông y, loại côn trùng này có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Với loạt công dụng cực hiệu quả và là thứ gia vị “hiếm có khó tìm” nên cũng dễ hiểu giá trị kinh tế của cà cuống là rất cao. Những năm trở lại đây, khu vực sống của loài côn trùng này trong tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Vì thế, nhiều nông dân đã thử nghiệm nuôi trong môi trường nhân tạo và gặt hái được nhiều tin vui đáng mừng.
Chị Lê Anh Thơ (sống tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết ban đầu vô tình xem được video sử dụng tinh dầu của cà cuống để làm nước chấm, chị đã tò mò tìm hiểu về loại côn trùng này. Quyết định đầu tư 2,5 triệu đồng để mua 10 con giống cà cuống và nuôi thử nghiệm trong thùng xốp. Kết quả, tất cả đều không sống sót quá 1 tháng. Không nản chí, vợ chồng chị Thơ tiếp tục mua thêm con giống mới, tìm hiểu kỹ hơn về việc tạo dựng môi trường sống của cà cuống.
Nông dân có thể kiếm được 2 nguồn thu từ cà cuống thông qua việc bán từng con hoặc dùng nó làm nguyên liệu chế biến tinh dầu, nước mắm cà cuống.
Cuối cùng, vợ chồng chị cũng thành công khi con cà cuống phát triển tốt, nhân giống hiệu quả. Từ đó, chị Thơ rút ra được bài học kinh nghiệm khi bắt đầu công cuộc nuôi loài được mệnh danh là “tôm hùm vùng quê”.
“Muốn nuôi cà cuống thì không khó, nhưng nhân đàn cà cuống thì không dễ dàng. Cà cuống sống dưới nước là chủ yếu, và chúng là loại côn trùng cực nhạy cảm. Các vùng đất, nguồn nước nhiễm hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu là tối kỵ. Ngoài ra, để chúng phát triển tốt còn cần theo dõi độ pH, độ phèn của nước để đạt được kết quả tốt nhất. Nguồn thức ăn cho cà cuống là loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con, cho nên cần phải chủ động được nguồn cung cấp thức ăn nếu chăn nuôi cà cuống số lượng lớn để bán cho thương lái, khách hàng. Cà cuống trưởng thành sẽ trải qua 5 lần lột xác đòi hỏi người nuôi phải theo dõi để vớt phôi xác, việc này cũng mất rất nhiều thời gian”, chị Thơ nói.
Theo nữ nông dân tiết lộ cà cuống mỗi lứa đẻ cách nhau 1 tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở gần đạt 100%. Từ khi nở đến lúc xuất bán mất khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày.
Đặc biệt của loài côn trùng này là chỉ có cà cuống đực mới có tinh dầu. Để thu hoạch được lượng tinh dầu nhiều nhất ở cà cuống là khoảng 55 ngày từ thời điểm trứng nở thành ấu trùng. Còn cà cuống cái thường dùng để nhân giống và chế biến các món ăn như: cà cuống sấy khô, cà cuống chiên giòn…
Chị Thơ tận dụng tinh dầu cà cuống vào sản xuất nước mắm, nâng cao giá trị của loại nước chấm này. Hiện tại, mỗi năm gia đình chị Thơ thu về vài tỷ đồng/năm.
Trên các sàn thương mại điện tử, cà cuống có giá thành đắt đỏ, trung bình khoảng 50.000 đồng/con. Tinh dầu chiết xuất từ cà cuống có giá khoảng 280.000 đồng cho 5ml.
Tương tự, với giá bán khoảng 50.000 đồng/con, anh Hoàng Anh (sống tại Quận Đông Anh, Hà Nội) sau khi trừ tất cả chi phí sẽ thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/tháng. Bể nuôi cà cuống của anh rộng hơn 60m2, với tổng số lượng khoảng 4000 con.
Anh Hoàng Anh cho biết, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ quanh năm. Mỗi lứa chỉ cách nhau từ 1-1,5 tháng. Nên chỉ cần môi trường phù hợp, nguồn nước sạch không lẫn tạp chất sẽ tạo được cơ hội cho cà cuống sinh sản, sống khoẻ mạnh.
Loại côn trùng có vẻ ngoài đáng sợ này trở thành món mà giới thượng lưu, những người có điều kiện tinh tế tốt săn lùng. Ngoài công dụng về mặt dinh dưỡng, tinh dầu của chúng có mức giá đắt đỏ. Thế nhưng, vì loạt ưu điểm “miễn chê” mà cà cuống vẫn được ưa chuộng. Từ đó, nông dân có thể sở hữu nguồn thu nhập khủng nếu biết cách nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho chúng sinh sản và phát triển.
TẤN PHƯỚC