Ở Sài Gòn, có một gánh bánh mì của người mẹ U60, ngày đêm tần tảo nuôi 2 con trai học đại học

Google News

Từ ngày quyết định nghỉ làm phục vụ tại nhà hàng, người phụ nữ ngoài 50 tuổi “đội nắng, thắng mưa” mưu sinh cùng gánh bánh mì để nuôi ước mơ cho 2 đứa con ăn học thành tài.

Gánh bánh mì của mẹ nuôi giấc mơ đại học của 2 con

Dưới góc cầu Nguyễn Tri Phương (quận 10), người phụ nữ với dáng vóc nhỏ nhắn, trên mặt hằn lên dấu vết của thời gian, mỗi ngày cần mẫn mưu sinh với gánh bánh mì nhỏ. Hơn 20 năm nay, dù cuộc sống buôn gánh bán bưng nặng nhọc, vất vả nhưng chỉ cần nhìn thấy 2 đứa con tiếp tục được đến trường, cô Kim Loan (53 tuổi, quê Cần Thơ, tên thường gọi là Út) chấp nhận đánh đổi. 

Trước đây, cô Út làm phục vụ cho một nhà hàng ở quận 7, tuy nhiên thời gian gò bó, thu nhập lại chẳng thể lo xuể được mọi chi tiêu trong nhà, đặc biệt là tiền ăn học cho 2 đứa con nên cô Út quyết định gom góp vốn để kinh doanh. Với tay nghề nấu nướng, tự làm những nguyên liệu như thịt nguội, chả lụa, đồ chua, xíu mại..., cô Út quyết định quẩy gánh bánh mì nhỏ để lang thang khắp mọi ngõ ngách của Sài Gòn, kiếm thêm thu nhập.

Ngày con trai cầm tấm giấy báo tin trúng tuyển đại học, cô Út rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc nhưng nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cũng đè nặng lên đôi vai gầy yếu của cô

Thời gian đầu buôn bán, cô Út gặp không ít khó khăn khi mưa nắng thất thường, phải chạy ngược chạy xuôi, làm ngày nào xoay xở ngày đó. Dần dần, nhờ những ổ bánh mì chất lượng, thơm ngon vang tiếng gần xa nên được người dân sống trong khu vực yêu thích. Cứ 3h sáng, cô Út lại lọ mọ thức dậy chuẩn bị nguyên liệu để kịp mở hàng lúc 7h. Sau 3 tiếng bán buổi sáng, cô Út quay về nhà, tiếp tục soạn hàng cho ca chiều, bán từ 15h đến 18h. Tối về nhà, cô lại tiếp tục làm nguyên liệu để chuẩn bị cho sáng hôm sau… Công việc cứ thế xoay vòng, tiếp diễn trong suốt 20 năm.

Cứ mỗi khi khách đến, cô Út lại cất giọng nói đậm chất miền Tây: “Đầy đủ nhe em, có dưa ớt gì hông?” Vừa hỏi, đôi tay nhanh thoăn thoắt, gắp các nguyên liệu để làm chiếc bánh mì thơm ngon.

"Nhiều lúc cực lắm chứ nhưng cô phải cố gắng, chồng cô sức khoẻ giờ không còn tốt nữa, cô là trụ cột trong nhà, mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men của chồng, học phí của các con đều do cô lo liệu", nói đoạn, đôi mắt của cô Út rưng rưng nhưng ánh lên niềm tự hào.

"Được cái 2 đứa con của cô nó chăm học, dù học phí nhiều lắm nhưng cô cũng ráng dành dụm cho cho tụi nó. Mỗi lần tới kỳ đóng học phí, cô lại chạy ngược, chạy xuôi, nào thiếu thì đi mượn đầu này, đắp đầu kia...".

Dù phải chịu áp lực về tài chính, song khi nhắc về 2 con trai đang theo học đại học, cô Út cho biết dù có khó khăn cách mấy, cô cũng cố gắng hết sức để lo cho con ăn học thành tài.

"Cô không muốn nhờ con phụ giúp, để nó chuyên tâm học hành"

Để gồng gánh một khoản sinh hoạt phí lớn cho cả gia đình, mỗi ngày cô Út đặt mục tiêu phải bán từ 200-300 ổ bánh mì. Khách hàng chủ yếu của cô Út là các bạn học sinh, sinh viên và người lao động phổ thông. Dù hiện tại vật giá leo thang, giá cả các nguyên liệu đều tăng vọt nhưng cô Út vẫn quyết giữ chân thực khách với mức giá 15.000 đồng/ổ vì nghĩ "ai cũng khó khăn như mình".

Nhờ sự thật thà, chân chất và sự hào sảng của người miền Tây sông nước, nhiều người đã trở thành "mối ruột" của cô Út, ăn bánh mì của cô đến chục năm. Không chỉ người dân trong khu vực quận 5, quận 10..., nhiều thực khách ở xa cũng đến để tận mắt “mục sở thị” ổ bánh mì 1.,000 nhưng đầy đủ nguyên liệu từ xíu mại đến chả lụa, thịt nguội: “Khách chạy từ Bình Dương, Thủ Đức cách cả chục cây số chỉ đến ăn bánh mì của cô. Có người ăn là ghiền, mỗi khi có cơ hội ghé mua một chục ổ về nhà”, cô Út vui vẻ nói.

Cuộc sống mưu sinh vất vả là thế nhưng cô Út không muốn nhờ con phụ việc buôn bán. Cô chấp nhận khó khăn, chịu mưa, chịu nắng để hai con tập trung học tập.

Dù việc buôn bán lề đường lắm vất vả, thường xuyên đội nắng mưa nhưng cô Út hiếm khi treo bảng tạm nghỉ. Một phần là vì nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày, phần còn lại là để những người khách thân thuộc tìm đến mua bánh mì không phải quay về. 

"Cô mà nghỉ thì mối quen người ta bỏ đi mất, đôi khi có chuyện đột xuất hay bất khả kháng mới buộc phải tạm nghỉ, hổm nghỉ có mấy ngày mà điện thoại reo cháy máy...", cô Út dí dỏm nói.

Cũng vì tất bận lo cho công việc, mỗi năm cô Út lại sụt vài cân, nhưng điều cô lo lắng nhất mỗi mùa khai giảng là tiền học phí cho 2 đứa con đang học đại học. "Năm nào cũng vậy, cứ đến tầm này là tối nằm ngủ, cô trằn trọc mãi không ngủ được. Đi khám bác sĩ thì được chẩn đoán bị lao lực do làm việc nhiều, yêu cầu dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng cô cũng phải ráng để lo cho gia đình, nhất là 2 đứa con đang học, nếu mà cô nghỉ bán một thời gian thì lấy gì mà ăn…”, cô Út nghẹn lời.

Khi được hỏi về ước mơ lớn nhất của mình ở hiện tại, cô nhanh chóng đáp lời: “Chỉ cần các con học giỏi, thành tài, ra trường có công việc ổn định là quá đủ. Sau đó khi chúng đủ tuổi trưởng thành thì cứ lập gia đình, cha mẹ sẽ cố gắng lo liệu”. 

Gồng gánh cả gia đình, mọi chi phí trong gia đình đều trông cậy vào đôi bàn tay bé nhỏ của cô Út. Người mẹ hai con chưa bao giờ nghĩ đến việc "về hưu" vì muốn các con không phải khổ...

Có lẽ mỗi ngày, cuộc sống của cô Út chỉ gói gọn trong căn bếp nhỏ, chuẩn bị nguyên liệu rồi gắn mình với gánh hàng rong. Nhưng trong cuộc đời tưởng chừng như tẻ nhạt, vất vả ấy của cô Út là sự hi vọng, ấp ủ cho 2 cuộc đời mới tươi sáng hơn. Ở cái tuổi ngoài 50, cô Út vẫn đang cố làm tất cả vì gia đình, vì 2 đứa con đang học đại học. 

Chiều muộn, khi bán hết những chiếc bánh mì cuối cùng trong gánh hàng rong, cô Út lững thững bước về nhà, tiếp tục nuôi giấc mơ của một người mẹ cho 2 đứa con đang dần khôn lớn...

TẤN PHƯỚC