Ở Sài Gòn có một làng nghề làm lồng đèn, người dân thức đến khuya để đan tre, tranh thủ "hốt bạc" mùa Trung thu

Google News

Các công đoạn làm lồng đèn thủ công đều có những khó khăn nhất định. Song, đối với nghệ nhân tại làng Phú Bình, thứ khó nhất là giữ trái tim, lòng nhiệt huyết với nghề truyền thống.

Toàn tâm toàn sức để tạo nên màu sắc Trung thu

Chiếc lồng đèn truyền thống có hình dáng ông sao, cá chép… đã rất quen thuộc với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Từ xưa đến nay, món đồ chơi phá này tạo nên nét đặc trưng, là gia vị không thể thiếu của mỗi mùa Tết đoàn viên. 

Từ đầu tháng 7 âm lịch, làng nghề lồng đèn Phú Bình (Quận 11) lại nhộn nhịp, tất bật khi bắt đầu bước vào mùa trông trăng. Các hộ gia đình ngày đêm đan tre, lồng giấy kiếng, tô điểm cho chiếc lồng đèn truyền thống thêm lung linh, rực rỡ sắc màu. Nguồn gốc của làng nghề này bắt đầu từ những người nghệ nhân di cư từ làng Bác Cổ (Tỉnh Nam Định) vào Sài Gòn từ hơn 50 năm trước. 

Chiếc lồng đèn thủ công không chỉ là một món đồ chơi, vật phẩm trang trí đơn thuần, mà còn là kết quả của quá trình lao động đầy tâm huyết từ nghệ nhân. Trong nét vẽ trang trí hay từng móc nối giữa các cây tre, cây nứa cũng chứa đựng sự sáng tạo và tỉ mỉ. 

Để sản xuất chiếc lồng đèn, đòi hỏi người nghệ nhân có tay nghề cao và cần phải trải qua 4 công đoạn: Chẻ tre, làm khung, lồng giấy kiếng và cuối cùng là trang trí bằng những nét vẽ tinh tế tạo nên vẻ bề ngoài sặc sỡ, thu hút ánh nhìn. 

Gia đình chị Nguyễn Kim Thu (SN 1979) đã có ba đời giữ gìn nghề làm lồng đèn thủ công. Chị cho biết đã thực hiện công việc này hơn chục năm nay. Cha truyền, con nối, các thế hệ trong gia đình cùng nhau “giữ lửa" để tạo nên những chiếc lồng đèn truyền thống đầy nghệ thuật, mang đậm nét văn hoá Việt. 

Hằng năm, gia đình chị sản xuất hàng chục nghìn sản phẩm, phân phối cho thị trường miền Nam. Không chỉ thế, gia đình chị còn nhận đặt hàng đến từ khách hàng quốc tế. Theo chị Kim Thu, để theo đuổi công việc này cần phải có sự đam mê, kiên trì: “Khi mới bắt đầu học hỏi cách làm lồng đèn, công đoạn nào cũng khó. Thế nhưng, theo thời gian thì quen tay sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, nghệ nhân cần phải có đam mê, đặt tâm của mình vào từng sản phẩm để ngành nghề này tiếp tục phát huy, giữ gìn". 

Từ những công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, chẻ tre, buộc kẽm, cho đến hoàn thiện các chi tiết trang trí, tất cả đều được nghệ nhân thực hiện thủ công.

“Nếu để chọn công đoạn khó nhất trong việc làm lồng đèn truyền thống thì sẽ có hai công đoạn là chọn tre và tạo khung. Nghệ nhân phải lựa tre già để dễ bảo quản, tránh mối mọt. Còn tạo khung phải dùng lực vừa đủ để kết nối từng nguyên vật liệu. Dựng khung giống như xây nền móng cho một ngôi nhà, chỉ cần phần khung lồng đèn vững chắc thì thành phẩm chắc chắn đẹp" - chị Kim Thu bộc bạch về kinh nghiệm được đúc kết hơn 10 năm qua khi bám trụ với nghề. 

Đây là nghề "làm một mùa, ăn cả năm", chị Thu cùng gia đình đã chuẩn bị nguyên liệu thực hiện từ sau Tết nguyên đán. Từ đầu tháng 7 âm lịch, gia đình chị đẩy nhanh tiến độ, thức từ 8h sáng để đan tre, lồng kiếng đến tận 2h sáng hôm sau. Năm thành viên trong gia đình thay phiên lẫn nhau để đảm bảo sức khoẻ. Hằng ngày, gia đình này sản xuất từ 100 - 120 chiếc lồng đèn hoàn chỉnh. 

Sau khi hoàn thành khung, nghệ nhân tiếp tục buộc kẽm để cố định khung đèn trước khi dán giấy trang trí. Chị Kim Thu cho biết quá trình định hình, tạo khung cho sản phẩm là quan trọng nhất.

Kinh tế dần hồi phục nhưng vẫn sợ thất truyền

Năm nay, tình hình kinh doanh tại làng nghề này đã khả quan và có tín hiệu đáng mừng. Song, các hộ dân vẫn đau đáu nỗi lo thất truyền. Theo chị Kim Thu lý giải: "Mấy năm nay, một số gia đình không còn bám trụ với nghề. Một phần nguyên nhân đến từ kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh. Bên cạnh đó, người trẻ hiện tại đã có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp, họ chọn lĩnh vực khác có tương lai rộng mở và không còn theo đuổi nghề truyền thống này". 

Sát vách nhà của chị Kim Thu, chị Ánh Loan (SN 1967) - chủ hộ sản xuất lồng đèn truyền thống cho biết: “Đa phần trẻ em yêu thích lồng đèn điện tử có nhạc, có đèn với hình nhân vật hoạt hình đáng yêu. Tuy nhiên, vẫn có những khách hàng yêu thích sự giản dị, mộc mạc của lồng đèn thủ công. Vì thế, nghề làm lồng đèn truyền thống vẫn tiếp tục để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Và hơn hết, chúng tôi muốn giữ nét truyền thống mà thế hệ đi trước đã truyền lại”.

 Chị Kim Thu tự hào khi đứng trước nhiều khó khăn của thời cuộc nhưng gia đình vẫn bám trụ suốt gần nửa thế kỷ, tiếp tục theo đuổi ngành nghề truyền thống. Tuy con cái đã có công việc riêng nhưng chị vẫn muốn các thế hệ sau trong gia đình vẫn học hỏi, kế thừa công việc sản xuất lồng đèn.

Tuy lồng đèn thủ công phải cạnh tranh trực tiếp với lồng đèn hiện đại sở hữu mẫu mã "bắt trend" nhưng giá trị truyền thống vẫn được ủng hộ, nhiều người tìm mua. Anh Ngọc Luân mất hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển từ Long An đến tận làng Phú Bình để tìm mua các sản phẩm do người nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện: "Do mình sắp tổ chức chuyến đi thiện nguyện, vì thế cần mua số lượng lớn đèn ông sao để tặng cho các em nhỏ khó khăn. So với lồng đèn điện tử có màu sắc bắt mắt thì lồng đèn truyền thống lại có nét đẹp riêng. Đó là món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của các em nhỏ". 

Mức giá lồng đèn truyền thống tuỳ theo kích cỡ và độ cầu kỳ của sản phẩm, sẽ dao động từ 20.000 - 300.000 đồng/cái. “Mặc dù, giá thành không cao nhưng công sức bỏ ra là rất lớn. Trong những năm trở lại đây, khách vãng lai không có nhiều. Đa phần, thành phẩm sẽ được bán theo số lượng lớn và tiếp nhận các đơn đặt hàng từ trường học, doanh nghiệp” - chị Kim Thu tâm sự. 

Chị Kim Thu cùng hàng chục hộ gia đình khác sống trong làng Phú Bình vẫn đang miệt mài ngày đêm đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Họ là những nghệ nhân luôn tâm huyết giữ nghề, trong mỗi công đoạn đều thể hiện rõ sự tỉ mỉ, tinh tế. Từ những khó khăn, vất vả trong các công đoạn chế tạo lồng đèn truyền thống, chúng ta lại càng thêm trân trọng những món đồ chơi mang đậm không khí của mùa Tết đoàn viên. Và hơn hết, đây chính là nét văn hoá truyền thống đã và đang được nhiều thế hệ giữ gìn, phát triển. 

TẤN PHƯỚC