Ở Việt Nam có khối ngành đặc biệt, cực "khát" nhân lực, điểm chuẩn cao ngất ngưởng, ra trường kiếm tiền tỷ mỗi năm

Google News

Đây là lĩnh vực đang thiếu nguồn nhân lực rất lớn khi con người đang đứng trước những thách thức về vấn đề bảo mật thông tin và an toàn trên không gian mạng.

Ngành học cấp thiết của nhân loại, điểm chuẩn cao ngất ngưởng

Trong thời gian trở lại đây, bên cạnh sự tích cực từ những câu chuyện ấm lòng trên mạng xã hội thì đâu đó vẫn ẩn chứa tiêu cực, rủi ro về vấn đề bảo mật hay nhiều phi vụ lừa đảo khiến nhiều người rơi vào trường hợp “tiền mất tật mang". 

Đứng trước rủi ro, thách thức của thời đại mới vì thế lĩnh vực bảo vệ các hệ thống máy tính, mạng dữ liệu ngày càng tăng cao. Từ đó, các chuyên ngành thuộc lĩnh vực an ninh mạng ra đời và trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vì thế, người hoạt động trong lĩnh vực này không chỉ giúp bảo vệ thông tin và tài sản của cá nhân, doanh nghiệp mà còn đóng góp vào việc bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn thông tin toàn cầu.

Hiểu theo nghĩa đơn giản an ninh mạng là ngành sử dụng các biện pháp để chống lại mối đe dọa, xâm nhập bất hợp pháp vào ứng dụng hệ thống.

Khi theo học lĩnh vực này, sinh viên sẽ được tìm hiểu, nghiên cứu về các kỹ thuật mã hóa, giải mã các thông điệp, nắm được cách xây dựng một hệ thống mạng an toàn. Quan trọng nhất là tìm hiểu về cách thức phòng chống các cuộc tấn công, cơ chế hoạt động của virus, phần mềm độc hại để từ đó phát hiện và phòng tránh xây dựng được chính sách an toàn thông tin để bảo vệ hệ thống.

Ở Việt Nam, nếu muốn theo đuổi lĩnh vực an ninh mạng, học sinh có thể cân nhắc các chuyên ngành như: An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử... Đa phần, các trường đại học sẽ xét tuyển theo các tổ hợp A00 (Toán - Lý - Hoá), A01 (Toán - Lý - Anh), D01 (Toán - Văn - Anh), D07 (Toán - Hoá - Anh), D90 (Toán - Anh - Khoa học tự nhiên)... 

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có số ít trường đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng. Vì thế, mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp khá ít so với nhu cầu nhân sự ngày càng tăng của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp...

Năm 2024, lĩnh vực này nhận được nhiều sự quan tâm từ các học sinh và phụ huynh. Hiện nay, học viện Kỹ thuật Mật mã - ngôi trường hàng đầu đào tạo về an ninh mạng. Ở cơ sở phía Bắc, điểm chuẩn của ngành An toàn thông tin đạt 25,95 điểm và ở phía Nam điểm chuẩn cán mốc 24,85 điểm cho các tổ hợp A00, A01, D90.  

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành An toàn không gian số là 27,9 điểm với 2 tổ hợp môn xét tuyển A00, A01.

Trường Đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) có điểm chuẩn xét tuyển là 26,77 điểm cho các tổ hợp A00, A01, D01, D07 và tổ hợp dành cho thí sinh có ưu thế về ngôn ngữ Nhật là D06 (Toán - Văn - tiếng Nhật).

Thu nhập tiền tỷ nhờ vá lỗ hổng bảo mật

Do tình hình an ninh mạng ngày càng phức tạp và số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng tăng cao, nhu cầu về chuyên gia an ninh mạng trong các doanh nghiệp và tổ chức ngày càng lớn. Các tổ chức đang tìm kiếm những chuyên gia có kỹ năng và kiến thức sâu rộng về bảo mật mạng, phòng chống tấn công mạng, phân tích rủi ro và quản lý an ninh thông tin.

Do đó, sinh viên khi theo đuổi lĩnh vực An ninh mạng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp phát triển bền vững, trong đó bao gồm: Chuyên gia bảo mật mạng, nhà phân tích an ninh mạng, chuyên viên tư vấn an ninh mạng, nhà phát triển phần mềm an ninh…

Để theo đuổi các công việc thuộc khối ngành này đòi hỏi sinh viên có sự kiên nhẫn, đam mê tìm tòi học hỏi về kiến thức và kỹ năng đặc thù để đối phó với những thách thức phức tạp của môi trường số. Sinh viên cần nắm vững các nguyên lý cơ bản về bảo mật thông tin, bao gồm mã hóa, xác thực, quản lý rủi ro và phòng chống tấn công mạng. Bên cạnh đó, cần thành thạo các công cụ và phương pháp phân tích mã độc, giám sát hệ thống và phát hiện sự xâm nhập trái phép. Từ đó, tìm cách báo lỗi hệ thống, phối hợp với các phòng ban chức năng để vá lỗ hổng.

Sinh viên cần trang bị kỹ năng tin học, lập trình và thông thạo ngoại ngữ khi theo đuổi lĩnh vực này.

Ngoài ra, sinh viên cần phát triển tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường thay đổi liên tục. Cuối cùng, sinh viên phải học những quy định pháp lý liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, nắm rõ đạo đức nghề nghiệp, tránh lợi dụng công việc để trục lợi cá nhân. 

Với sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, mức lương khởi điểm từ 12 triệu đồng/tháng. Nếu trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm lâu năm, bạn sẽ trở thành chuyên gia, kỹ sư với mức lương trên 30 triệu đồng/tháng tại các công ty, doanh nghiệp lớn. 

Với những kỹ sư giàu kinh nghiệm, nhà nghiên cứu tham gia các chương trình phát hiện lỗ hổng có thể đạt thu nhập hàng chục ngàn USD/tháng. “Ngoài tiền lương, đối với những chuyên gia an ninh mạng, đặc biệt là những người giỏi về tìm kiếm lỗ hổng bảo mật, họ có thể kiếm một tháng từ 10.000-20.000 USD, hoặc thậm chí là 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng). Ngoài ra, một số bạn khác tham gia những dự án kiểm thử về an ninh mạng bên ngoài cũng có thể kiếm thêm thu nhập từ những hợp đồng riêng” - anh Ngô Minh Hiếu đang công tác tại Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia chia sẻ về mức thu nhập mà một kỹ sư lĩnh vực an ninh mạng có thể kiếm được.

Vì sự cấp bách của nhân loại, ngày nay các trường đại học, cơ sở giáo dục càng chú trọng phát triển, đầu tư vào chương trình giảng dạy để đào tạo ra các thế hệ sinh viên có thể đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.

TẤN PHƯỚC