Vải là quả được Dương Quý Phi thích ăn
Vải (còn gọi là vải thiều) được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Đặc điểm của loại quả này là chỉ có vào mùa hè, nhất là vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm. Bên ngoài có vỏ sần sùi, dễ bóc tách, bên trong là lớp cùi vải có màu trắng, vị ngọt và mỗi một quả sẽ có một hạt vải màu nâu đen.
Vải được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Ảnh minh họa.
Trong Đông y, cả hạt và cơm của quả vải đều dùng được. Trong đó, hạt có vị chát, tính ôn, có tác dụng tán hàn, chữa tiêu chảy ở trẻ em với liều 4-8g dưới dạng bột hay sắc uống. Còn cơm quả vải chứa nhiều vitamin C và protid, giúp tăng cường chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Ngoài ăn trực tiếp, cơm vải còn dùng chế biến các loại nước uống, món ăn để tẩm bổ.
Y học hiện đại chỉ ra, trong 100g quả vải tươi có 82% là nước, 1,3g chất xơ, 0,4g chất béo, 0,8g chất đạm, 66 calo và 15,2g chất đường. Ngoài ra, nó còn có nhiều vitamin, kali, đồng, vitamin nhóm B, C, E, K, các hợp chất chống oxy hóa, beta carotene, epicatechin, rutin… Nhờ những thành phần dinh dưỡng này, ăn quả vải giúp cải thiện làn da, mượt tóc, phòng bệnh tim mạch, ngừa ung thư…
Quả vải cũng là loại quả yêu thích của Dương Quý Phi (719-756) là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc. Theo sử sách lưu lại, Dương Quý Phi tin rằng quả vải có nhiều chất có lợi, giúp vòng một của người phụ nữ thêm căng tràn, đầy sức sống.
Dương Quý Phi. Ảnh tư liệu.
Sử sách kể, Quý Phi chỉ thích ăn trái vải còn tươi nên quân lính phải ướp vải bằng mật hoặc muối, có khi phải bứng nguyên cây vải, dùng ngựa kéo xe ngày đêm từ nước Nam về kinh đô Trường An cho bà thưởng thức. Có những hôm, Dương Quý Phi lên lầu trên cổng thành nhìn về phía Nam, thấy gió bụi mịt mù thì biết là xe ngựa đang chở trái vải về cho bà ăn.
Quý Phi thích ăn vải đến mức, mỗi lần thấy loại quả này là bà nhoẻn miệng cười. Bà còn đặt tên cho trái vải Phi Tử Tiếu (nụ cười Vương Phi). Thậm chí, trước khi Quý Phi bị bức tử chết bằng dải lụa trắng, bà muốn được ăn chùm vải tươi. Lúc đó, vua Đường Minh Hoàng thương Quý Phi nên kêu lính phải tìm cho được trái vải cho bà ăn.
Những lưu ý khi ăn vải
Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, dù ăn vải tốt, giúp ngừa được nhiều bệnh nhưng loại quả này thuộc tính dương (nóng) ăn quá nhiều làm khô môi, có thể gây chảy máu cam ở một số người, cũng như có thể gây ra mụn nhọt hay loét miệng.
Ngoài ăn trực tiếp, cơm quả vải chế biến được nhiều món ngon. Ảnh minh họa.
“Do đó không ăn quá nhiều vải cùng một lúc, vì dễ dẫn đến sinh nhiệt, khô miệng, đau họng, buồn nôn… Người bình thường không ăn quá 5-10 quả/lần, phụ nữ mang thai, trẻ em nên ăn 3-4 quả/lần. Phụ nữ mới sinh đang cho con bú nếu muốn ăn chỉ nên ăn 100-200 gam. Phụ nữ khi trước và trong kỳ hành kinh nên hạn chế ăn nhiều vải. Không ăn vải khi đói”, bác sĩ Vũ lưu ý.
Ngoài ra, người bị tiểu đường nên ăn vải ở mức độ vừa phải vì vải có hàm lượng đường cao. Vải có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người.
Những người bị thủy đậu, có đờm hay bị cảm thì không nên ăn vải bởi sẽ làm bệnh tình thêm nặng hơn.
DIỆU THUẦN