Chị L.T.T (sinh năm 2000, ở Đông Anh, Hà Nội) nhiều năm nay bị mụn trứng cá và lên theo từng đợt. Mỗi khi bị mụn chị T thường có thói quen tự nặn, nhất là những lúc ngồi một mình. Chị T cho biết, những lần trước chị nặn mụn không gặp vấn đề gì, nhưng lần này sự cố đã xảy ra khiến chị phải cầu cứu bác sĩ.
Theo đó, vài ngày trước chị T thấy có mụn mọc thành từng đám trên mặt nên lại nặn như những lần trước, không ngờ sau đó bị viêm áp xe, sưng phù vùng mũi má, sưng phù mí mắt gây cản trở quá trình sinh hoạt, công việc.
BSCK II Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, khi tiếp nhận và hỏi bệnh, cô gái kể rằng ngoài lấy tay nặn mụn, cô còn tự lấy kim chọc và đắp thuốc đông y hút mủ ở nhà. Sau 4 bệnh nhân thấy sốt nhẹ, nửa mặt có dấu hiệu sưng phù, mụn mủ căng nhiều và nhức, lan toàn bộ mắt mũi và vùng mặt phải.
Một tổn thương do bị áp xe trên má sau khi nặn mụn trứng cá trên má trái cô gái trẻ. Ảnh: BSCC.
Khi đó, T không đi khám ngay mà tiếp tục tự mua thuốc nhằm giảm viêm, giảm đau và đắp thuốc nam hút mủ trong 2 ngày tiếp theo. Do không có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại vùng má ngày càng sưng to, căng tức vùng mặt, người mệt mỏi, mất ngủ nên T đã đi khám.
“Qua thăm khám cho thấy, nữ bệnh nhân bị tổn thương áp xe vùng má phải, các vùng da xung quanh khu vực áp xe đều sưng nề lan sang vùng trán và mắt phải. Để điều trị, người bệnh được các bác sĩ thực hiện thủ thuật dẫn lưu mủ, vệ sinh vùng da tổn thương mỗi ngày. Đồng thời bệnh nhân cần được sử dụng laser, ánh sáng để giảm viêm hạn chế bị sẹo, kết hợp với thuốc bôi để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm”, bác sĩ Thành thông tin.
Sau 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân T đã thuyên giảm, hết mủ, hết sưng viêm vùng mặt, vùng da tổn thương đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, vùng áp xe còn thâm và nguy cơ bị sẹo xấu sau này.
Theo bác sĩ Thành, áp xe da thường có biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau. Kích thước áp xe thường từ 1-3cm, đôi khi có thể rất lớn. Biểu hiện ban đầu của áp xe chỉ là phản ứng viêm đỏ, cương tụ nên rất cứng, sau đó các ổ mủ hình thành, lớp da bên trên trở nên mỏng hơn và khi sờ có cảm giác mềm hơn, có thể tự vỡ và chảy mủ. Tổn thương này có thể sưng hạch, nếu để lâu điều trị không đúng cách có thể gây hoại tử vùng da, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
Bác sĩ Tiến Thành cho biết, gần đây bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp bị tổn thương do nặn mụn trứng cá. Ảnh: BSCC.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Thành cảnh báo, hiện nhiều bệnh nhân rất chủ quan, nặn mụn không đúng cách và tự ý chăm sóc không chuẩn y khoa…, điều này dẫn đến khối áp xe lan tỏa khá phức tạp, nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn, nặng hơn có thể nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không tự nặn nếu thấy mụn có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ và đau, đặc biệt là vùng giữa mặt, vùng mũi. Nếu tự nặn mụn không đúng giai đoạn cùng với bàn tay không sạch đối diện nguy cơ nhiễm trùng.
"Khi nổi mụn nhọt ở vùng mặt, nếu thấy sưng, nóng, đỏ, đau, gây phù nề vùng mô lân cận… người bệnh cần đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa da liễu để khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng. Đặc biệt, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị.
Ngoài ra, để giảm bớt nguy cơ nổi nhọt, hạn chế cho vi khuẩn tiếp xúc với da, cần vệ sinh da sạch và thường xuyên. Không nên tự ý nặn mụn khi còn sưng đau, hạn chế đưa tay lên mặt", bác sĩ Thành đưa ra lời khuyên.
LÊ PHƯƠNG.