Sinh nhật bố em làm hẳn 30 mâm tiệc nhưng không ai đến, bố nói một câu em tôi phải đi xin lỗi cả họ

Google News

Sinh nhật bố trùng vào Ngày của Cha, đúng dịp nghỉ hè nên em muốn đưa các con về quê, tổ chức tiệc to để báo đáp ân tình của họ hàng năm xưa.

Nhà tôi có 2 chị em gái, tôi là cả, lấy chồng ở quê, gần nhà bố mẹ đẻ. Còn em gái thì khác, em kết hôn với một doanh nhân giàu có, chủ một tập đoàn lớn ở trên thành phố.

Tôi còn nhớ, đám cưới em rất hoành tráng, cả trăm bàn tiệc và đoàn xe nối đuôi nhau đón dâu. Cả họ nhà tôi ai cũng nở mày nở mặt khi có một cô cháu gái được gả vào gia đình giàu có. Ai cũng hi vọng cả họ sẽ có chỗ dựa, vì có câu “một người làm quan, cả họ được nhờ” mà.

Tuy nhiên từ ngày đi lấy chồng, em như “mất tích” luôn vì chẳng mấy khi em về thăm nhà. Có chăng cũng chỉ về ngồi lại được 30 phút rồi đi. Thế nhưng năm ngoái, vào dịp sinh nhật của bố, em lại đột nhiên ngỏ ý muốn tổ chức tiệc hoàng tráng với 30 mâm tiệc.

- Sinh nhật bố trùng vào Ngày của Cha, đúng dịp nghỉ hè nên em muốn đưa mấy đứa con về thăm quê cho biết gốc gác. Vả lại, lâu lắm rồi nhà mình chưa có dịp nào đông vui. Cũng nhân cơ hội này em muốn báo đáp ân tình năm xưa của họ hàng, làng xóm. Năm đó mẹ khó sinh, em vừa chào đời thì mẹ qua đời. Nếu không có các cô các bác cho bú nhờ, sao em có thể lớn khôn và có được như ngày hôm nay.

Nghe em gái nói, bố và tôi đều cảm thấy ấm lòng.

Đám cưới của em gái tôi rất hoành tráng. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, hôm đó lác đác chỉ có vài người bạn của bố đến chứ họ hàng, dân làng không có một ai. Cảnh tượng hoàn toàn trái ngược với đám cưới đông vui của em gái tôi năm nào. Thấy cảnh tượng đìu hiu, em gái bực dọc nói:

- Chẳng hiểu nổi mọi người nghĩ gì nữa, được đi ăn cỗ miễn phí mà còn chảnh chọe. Ở cái nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thế này, nếu không có em tổ chức tiệc to thì chắc gì cả đời này họ đã có cơ hội được thấy tôm hùm, cua hoàng đế. Quà cáp, thợ ảnh chuẩn bị xong xuôi cả rồi, giờ không ai đến thì em lấy đâu ra hình ảnh để đăng tải lên mạng xã hội đây.

Tôi và bố "hóa đá". Thì ra, em gái tôi chỉ muốn nhân cơ hội này để gây chú ý trên mạng xã hội, đánh bóng tên tuổi của mình để tốt cho hoạt động kinh doanh của bản thân thôi chứ chẳng quan trọng sinh nhật bố hay Ngày của Cha gì hết.

Đáng buồn hơn là cái thói coi thường người khác của em vẫn không hề thay đổi. Năm xưa một số họ hàng nhờ em gái xin việc giúp, nhưng em luôn giở giọng chảnh chọe, coi thường người nghèo.

Hay có lần, một người họ hàng hỏi vay tiền em để làm ăn. Đến hẹn họ trả đàng hoàng cả gốc lẫn lãi mà em lại hỏi ngược với giọng điệu mỉa mai:

- Nhà anh như thế anh có chắc là có đủ tiền trả lại em không?

Vì thái độ khinh người của em gái, họ hàng hay hàng xóm đều “né” em gái tôi, không muốn nhờ vả hay qua lại với nhà tôi nữa. Tôi và bố ở quê nghe người ta bàn ra tán vào cũng buồn lắm, nhưng chẳng biết khuyên nhủ em thế nào, vì nói mãi em vẫn chứng nào tật nấy.

Lần này thấy em về quê, tổ chức tiệc to cho bố, nói muốn báo đáp ân tình của họ hàng làng xóm, chúng tôi cứ tưởng em đã thay đổi. Nào ngờ, em khiến chúng tôi thật thất vọng.

Nghe em gái nói, tôi và bố rất thất vọng. (Ảnh minh họa)

Thấy em gái đứng buông lời chỉ trích họ hàng làng xóm, bố tôi đập bàn quát lớn:

- Thay vì trách móc họ không đến thì bố sẽ tới từng nhà cảm ơn họ vì đã giúp con “sáng mắt” ra, để con nhìn lại bản thân và cách hành xử của mình. Không phải cứ có của cải hơn người là được phép quên gốc gác, ân nhân của mình như vậy đâu. Vì con đã khiến mọi người mất niềm tin và thiện cảm, chính con đã đẩy mọi người ngày càng xa con.

Năm xưa con là đứa con gái có học hành tử tế, hiền lành, chất phác và biết giúp đỡ mọi người. Tại sao sau khi gả vào gia đình giàu có con lại trở thành thế này? Nếu con không tự ngẫm lại bản thân, sửa tính đổi nết thì từ nay bố cũng không nhận đứa con như con nữa.

Sau lần đó, em gái tôi không về quê thêm lần nào nhưng những cuộc gọi về nhà tăng dần. Hôm nay là Ngày của Cha, ngày sinh nhật của bố tôi lại đến. Tôi bất giác nhớ lại chuyện năm xưa. Khi đang mải suy nghĩ thì tiếng còi ô tô trước cổng đã kéo tôi về với thực tại.

Đó là gia đình em gái tôi, xách túi lớn túi nhỏ xuống xe. Vừa vào cửa, em đã tặng tôi và bố những món quà, đồng thời gửi những lời chúc. Sau đó, em trực tiếp quỳ xuống dưới chân bố xin lỗi vì nhiều năm qua thờ ơ với gia đình, và xin bố cùng em tới nhà từng người họ hàng để tặng quà, xin lỗi vì thái độ không đúng đắn năm xưa.

Không biết lần này em có thực sự hối lỗi không nữa, nhưng tôi nhận thấy thái độ của em đã khác trước. Mong rằng sau này em vẫn sẽ là cô em gái hiền lành, chất phác của tôi như hồi nhỏ.

CẨM TÚ