Bạn có bao giờ cảm thấy dù mình kiếm được bao nhiêu tiền vẫn không hài lòng? Bạn luôn so sánh cuộc sống của mình với người khác và cảm thấy mình không bằng họ?
Manisha Thakor, người có bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) từ Trường Kinh doanh Harvard và là tác giả của cuốn sách "MoneyZen: The Secret to Finding Your Enough" chia sẻ trên tờ CNBC rằng: "Điều khiến tâm hồn bạn buồn chán là khi bạn rơi vào vòng xoáy của tiền bạc, công việc, sự thành công và những thành tựu, trong khi bạn không bao giờ có đủ chúng".
Manisha cũng từng dành phần lớn thời gian cho công việc trong ngành dịch vụ tài chính nhưng kết quả cô nhận được là sự tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của mình, cũng như mối quan hệ với những người xung quanh. Khi ấy, Manisha luôn tin vào công thức: Giá trị bản thân = Số tiền mình đang có.
Cô Manisha Thakor
"Suốt nhiều năm trời, tôi tin rằng đó là công thức đúng. Chẳng phải các công ty, doanh nghiệp đều dựa vào lợi nhuận sau thuế hoặc tổng doanh thu sau thuế để đo lường hiệu quả hoạt động hoặc tốc độ phát triển của họ hay sao? Tôi đã suy nghĩ theo hướng ấy mà quên mất một sự thật rằng mình chỉ là một người bình thường, hoàn toàn không phải một vật thể như một công ty hay doanh nghiệp nào đó. Vì tiền được dùng để đo lường mức độ hoạt động và phát triển của một công ty nên mọi người có thể dễ dàng vô tình sử dụng lối suy nghĩ tương tự khi đánh giá thành công và hạnh phúc của chính mình", Manisha nói.
Trước đây, Manisha dư dả về tiền bạc nhưng lại bị "phá sản" về mặt cảm xúc. Cô không phải lo nghĩ về tiền nhưng lại bỏ lỡ những bữa tiệc sinh nhật của bạn bè. Cô ly hôn vì "có một người chồng không bao giờ ở bên cạnh và luôn tập trung vào công việc". Nếu vậy, bao nỗ lực làm giàu của cô đều vô nghĩa. Cuối cùng, Manisha nhận ra rằng công thức trên là hoàn toàn độc hại.
Sau khi nhận ra sai lầm của mình, Manisha đã tìm ra một công thức đúng đắn hơn: Sức khỏe tài chính + Sự giàu có về cảm xúc = Trạng thái giàu có ổn định.
"Tôi nhận ra nếu mình không có sự trù phú trong tâm hồn, hay nói cách khác là những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, hứng khởi, nhiệt huyết,... Thì dù có kiếm được bao nhiêu tiền, hay đạt được thành tựu trên con đường học vấn, sự nghiệp, tôi cũng không thể cảm thấy bản thân mình đang giàu có và phát triển", Manisha lý giải.
Manisha nói rằng, sức khỏe tài chính là khả năng sử dụng tiền để đáp ứng những nhu cầu của bản thân, chẳng hạn như trả tiền thuê nhà, mua đồ đạc, tiết kiệm để nghỉ hưu... Đây đều là những việc rất quan trọng nhưng ngay cả khi làm được, bạn vẫn không thể cảm thấy hài lòng nếu không có sự giàu có về mặt cảm xúc. Đối với Manisha, sự giàu có về mặt cảm xúc có nghĩa là nán lại và khám phá tất cả những khoảnh khắc và trải nghiệm nhỏ mang lại niềm vui cho cô trong cuộc sống hàng ngày.
Ảnh minh họa
Làm thế nào để xây dựng sự giàu có về mặt cảm xúc?
Theo Manisha, để xây dựng sự giàu có về mặt cảm xúc, bạn hãy tự hỏi bản thân xem bạn sẽ bắt đầu làm gì hoặc ngừng làm gì khi có nguồn tài chính dồi dào nhưng quỹ thời gian lại hạn hẹp. Chẳng hạn, bạn sẽ làm gì khi có tiền nhưng lại chỉ còn 1 tháng để sống trên cuộc đời này? Trả lời được câu hỏi đó, bạn sẽ tìm ra những điều giúp bạn giàu có về cảm xúc.
Để tìm ra định nghĩa của riêng mình về sự giàu có về mặt cảm xúc, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như: "Khi nào trong đời mình là lúc hạnh phúc nhất?" hoặc "Những hoạt động sáng tạo nào tôi từng làm mang lại cho tôi niềm vui?".
Sau đó, Manisha khuyên bạn nên bắt đầu thực hiện những điều trong danh sách câu trả lời bạn vừa tìm ra. Cô cũng khẳng định danh sách này có thể sẽ thay đổi tùy vào từng độ tuổi, từng giai đoạn trong cuộc đời.
Cô Manisha chia sẻ: "Có rất nhiều điều giúp bạn tạo nên sự giàu có về mặt cảm xúc mà hoàn toàn miễn phí, chẳng hạn như kết nối với những người xung quanh, đọc sách, hòa mình vào thiên nhiên hay ở bên những người thân yêu".
S.G