Cháu N.T.T.N (16 tuổi, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh) có tiền sử kinh nguyệt không đều, khoảng 1 năm nay bụng bắt đầu có hiện tượng to dần lên, gần đây to nhanh và kèm đau tức bụng. Lo lắng gia đình đưa tới bệnh viện thăm khám, qua siêu âm các bác sĩ phát hiện, cháu N có khối u nang buồng trứng lớn, kích thước 20cm, tương đương thai 6 tháng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất chỉ định và tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u nang buồng trứng trái cùng 1 phần buồng trứng trái cho người bệnh.
Bác sĩ Đặng Ngọc Dương – Phụ trách Khoa Phụ khoa, Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí cho biết, u nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa, bệnh thường lành tính, nhưng một số trường hợp biến chứng thành ung thư, hoặc có thể gây xoắn vòi trứng, đe dọa sức khỏe và ảnh hưởng tính mạng nếu không được can thiệp, xử trí kịp thời.
Các trường hợp khối u nang phát triển lớn nguy cơ chèn ép vào các tổ chức xung quanh, gây xoắn, vỡ khiến người bệnh có thể phải cắt bỏ buồng trứng, vòi trứng ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của người bệnh sau này.
Bụng của thiếu nữ to như đang mang thai 6 tháng vì có khối u nang buồng trứng khủng. Ảnh: BVCC.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của các khối u nang buồng trứng vẫn chưa được xác định chính xác, tuy nhiên một số thực nghiệm đã cho thấy u nang buồng trứng thường phát triển do một số nguyên nhân sau:
- Rối loạn nội tiết: Các rối loạn nội tiết như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc lạc nội mạc tử cung có thể tăng nguy cơ mắc u nang buồng trứng. Theo một số nghiên cứu, sự tăng cao đột ngột của nội tiết tuyến yên cũng là nguyên nhân dẫn đến u buồng trứng.
- Rối loạn chức năng tuyến giáp: Tuyến giáp có nhiệm vụ điều chỉnh nội tiết tố nữ. Trong trường hợp mắc bệnh liên quan đến tuyến giáp như cường giáp hoặc suy giáp, chị em có thể gặp phải những triệu chứng rối loạn nội tiết như đau bụng hành kinh, kinh nhiều, mãn kinh sớm và thậm chí làm tăng kích thước u nang.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có mẹ/ chị gái/ em gái mắc u nang buồng trứng thì nguy cơ mắc bệnh có thể tăng gấp 3 lần.
Ngoài những yếu tố trên, các nhà khoa học cũng chỉ ra yếu tố thuận lợi giúp u nang buồng trứng phát triển là do đẻ muộn và đẻ ít, làm rối loạn quá trình sản sinh steroid - yếu tố chủ yếu gây u ở người trưởng thành. Thêm vào đó, những người mắc u vú cũng có nguy cơ mắc u tại buồng trứng cao hơn gấp 4 lần.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có bất thường ở vùng bụng dưới hãy đi khám để loại trừ nguyên nhân gây bệnh. Ảnh minh họa.
Các khối u nang lớn thường gây ra ảnh hưởng đối với sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Một số dấu hiệu điển hình khi mắc u nang buồng trứng có thể kể đến như:
- Bụng chướng to, sờ thấy u có tính di động;
- Đau bên hông dưới, vùng chậu và thắt lưng do khối u chèn ép vào các bộ phận liên quan;
- Rối loạn kinh nguyệt, thường gặp nhất là rong kinh hoặc vô kinh;
- Khó tiêu, chán ăn;
- Đau khi quan hệ tình dục;
- Chảy máu vùng kín bất thường.
Với u nang buồng trứng ác tính có thể gặp phải bao gồm: u to nhanh, bụng chướng, sụt cân nhanh, cơn đau kéo dài. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy các biểu hiện bất thường như trên cần đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành thăm khám, tránh tâm lý e ngại, chủ quan sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của bản thân. Bên cạnh đó là cần thăm khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe để có hướng điều trị kịp thời.
LÊ PHƯƠNG.