Thứ xưa "nhà nghèo" ăn đến phát chán, nay chị em thành phố "lùng mua" vì có hương vị lạ, ai ăn cũng mê

Google News

Món ăn dân dã, quen thuộc từng gắn với những bữa cơm nghèo khó của người dân Quảng Trị nay đã thành đặc sản khoái khẩu của người thành phố. 

Khoảng tháng 10 hàng năm là thời điểm củ kiệu ở Quảng Trị vào mùa. Củ kiệu từng là món ăn dân dã, quen thuộc của gắn với những bữa cơm nghèo khó ở miền quê Quảng Trị. Vài năm trở lại đây, củ kiệu được nâng tầm thành những món đặc sản vô cùng đặc sắc, đắt hàng nhất vào dịp Tết Nguyên đán. 

Thông thường ở TP.HCM cũng như các tỉnh thành miền Nam, trong mâm cỗ ngày Tết lúc nào cũng có củ kiệu ăn kèm. Trong các món từ củ kiệu thì kiệu cuốn lá là được ưa chuộng nhất, có vị chua chua, cay cay, ngọt ngọt vô cùng hấp dẫn.

Củ kiệu là món đặc sản được người thành phố "săn lùng" vào những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán

"Kiệu cuốn lá ăn cùng với thịt chân giò luộc, gân bò, thịt ba chỉ đều ngon. Vào dịp Tết món này đắt khách nhất bởi giữa vô vàn món ăn nhiều món dầu mỡ, nếm sang vị của kiệu cuốn lá sẽ thấy đỡ ngán hơn rất nhiều", chị Hoa (người bán củ kiệu trên chợ mạng) chia sẻ. 

Chị Hoa bán cả củ kiệu tươi và kiệu cuốn lá, củ kiệu loại 1 (loại có kích cỡ to, sạch đất…) dao động từ 70.000-75.000 đồng/kg; củ kiệu loại 2 và loại 3 giá trong khoảng 45.000-60.000 đồng/kg. Kiệu cuốn lá dao động từ 90.000 – 110.000 đồng 1 hộp, loại 1kg. Mặc dù không phải là món ăn mới lạ nhưng năm nào cũng rất đắt hàng.

Công thức để làm món kiệu cuốn lá khá đơn giản. Về nguyên liệu, cần phải chọn loại vừa tầm, lá xanh tươi không bị già quá để lá kiệu vừa thơm, xanh mà lại mềm ngọt. Sau đó nhặt sạch sẽ, mang đi phơi ráo nước sao cho hơi héo một chút để lá kiệu đủ mềm, cuốn lại được. Tiếp đến, cho kiệu vào thau, đổ nước ngập kiệu, cho lượng muối vào ngâm ngập từ 5 – 7 tiếng, khi thân kiệu mềm ra là được.

Bí quyết hàng đầu để quyết định kiệu cuốn lá ngon hay không chính là ở cách pha nước ngâm. Tỷ lệ của đường, muối, mắm, giấm… phải chuẩn, vừa vị thì mới cho thành quả hấp dẫn. Sau đó cho tất cả hỗn hợp đó vào khuấy đều, nấu sôi. Khi nấu nhớ phải nếm, để cảm nhận độ mặn - ngọt, khi đã vừa miệng, tắt bếp chờ nước nguội.


Kiệu mang lại thu nhập cho nhiều người dân ở Quảng Trị, bên cạnh củ kiệu tươi, nhiều người còn làm thành món kiệu muối, kiệu cuốn lá để bán trên chợ mạng

Vài năm gần đây, người dân Quảng Trị rộ lên phong trào trồng kiệu với thu nhập cao, giá cả ổn định. Mỗi sào kiệu thâm canh tốt có thể cho 4 - 5 tạ củ. Mỗi vụ mùa trồng kiệu kéo dài từ 3 - 5 tháng, tuỳ theo yêu cầu sản phẩm ăn tươi hay lấy củ già là có thể thu hoạch được. 

Người trồng kiệu ở thôn Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) cho biết: "Trồng kiệu cho năng suất cao không khó, chỉ cần làm đúng quy trình, sử dụng phân, kỹ công chăm bón và thời tiết thuận lợi là được".

Không chỉ ngon miệng, theo Đông y, củ kiệu có vị cay, tính ấm; có tác dụng bổ khí, trị đau ngực, bứt rứt khó chịu, ho suyễn nhiều đờm, nôn khan, viêm phế quản.... 

H.A