Tin tức 24h: Miền Bắc sắp kết thúc rét đậm rét hại, dự báo mới nhất thời tiết Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Google News

"Thời tiết Tết Nguyên đán ở miền Bắc năm nay được dự báo sẽ có mưa phùn, trời rét. Tuy không xảy ra rét đậm rét hại như vừa qua nhưng nhiệt độ nói chung không cao", TS Hoàng Phúc Lâm cho hay.

Miền Bắc sắp kết thúc rét đậm rét hại, dự báo mới nhất thời tiết Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết Hà Nội tiếp tục có mưa và rét đậm trong hôm nay (29/1), trước khi ấm lên và có hửng nắng nhẹ trong ngày 30 và 31/1.

"Không khí lạnh đang dần suy yếu và được thay thế bằng khối không khí ấm hơn từ ngày 30/1", chuyên gia khí tượng nhấn mạnh. Nhiệt độ rạng sáng 30/1 khoảng 12-14 độ C, ban ngày tăng lên mức 19-20 độ.

Mới đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có dự báo ban đầu về thời tiết Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, trong thời gian trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ 29/1 - 5/2 (tức 19 - 26 tháng chạp), nền nhiệt cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ tại miền Bắc 24 - 25 độ C, trời có nắng ấm.

Từ tuần gần và trong Tết, từ 6/2 - 12/2 (27 tháng chạp - mùng 3 Tết) nền nhiệt ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết  giai đoạn này khả năng có không khí lạnh, nhưng ít khả năng có không khí lạnh mạnh như đợt đang xảy ra gây rét đậm, rét hại.  

Đợt không khí lạnh ngày 7-8/2 khả năng sẽ tăng cường xuống nước ta khiến cho miền Bắc đang từ nắng ấm trước đó đột ngột chuyển nhanh sang giá rét. Đợt rét này kéo dài khoảng 7-10 ngày, phải sau ngày 18/2 nhiệt độ mới tăng. Vì vậy, thời tiết dịp Tết Nguyên đán, miền Bắc có khả năng rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại.

Thời tiết Tết Nguyên đán ở miền Bắc năm nay được dự báo sẽ có mưa phùn, trời rét. Tuy không xảy ra rét đậm rét hại như vừa qua nhưng nhiệt độ nói chung không cao, duy trì trời rét kèm mưa. Đây là kiểu thời tiết rất đặc trưng của miền Bắc vào dịp Tết Nguyên đán.

Phân tích kỹ hơn về thời tiết trong những ngày Tết Nguyên đán, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay ngày 7/2 - 8/2 (28 - 29 tháng chạp) miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh nên dịp Tết sẽ lạnh. Còn miền Trung khả năng sẽ có mưa xuân và miền Nam có nắng ấm, triều cường.

Đề xuất vi phạm nồng độ cồn có thể xử lý hình sự

Sáng nay 29-1, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ".

Hội thảo được diễn ra trong sáng nay

Tại Hội thảo, theo thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông và làm gia tăng các vấn đề xã hội. Ngay từ khi có hiệu lực, Nghị định 100 đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ"; qua đó bước đầu đã hình thành thói quen của người tham gia giao thông "đã uống rượu, bia không lái xe".

Tuy nhiên, thiếu tướng Nguyễn Văn Minh chỉ ra rằng vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn. Trong đó, cá biệt vẫn xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ… xuất phát từ nguyên nhân người lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể.

"Loại bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia là điều rất cần thiết. Đây là tiền đề để hình thành thói quen tốt của người tham gia giao thông và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông"- Phó Cục trưởng CSGT nói.

Cũng đóng góp tham luận tại Hội thảo, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGT), cho biết hiện nay, các quy định xử lý nồng độ đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, qua phân tích các quy định hiện nay, UBATGT thấy rằng vẫn có thể sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.

Theo ông Trần Hữu Minh, hiện nay, mức xử phạt hành chính nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt. Tuy nhiên, trên thực tế người uống 5 cốc hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính như nhau, ở mức 3 (cao nhất trên 80 mg/100 ml máu, phạt 30-40 triệu đồng, tước bằng 22 tháng-24 tháng đối với ôtô).

"Điều này chưa phù hợp với quy định xử phạt hành chính, tương xứng với mức độ vi phạm. Theo chúng tôi nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả chưa gây hậu quả"- Chánh Văn phòng UBATGT nêu rõ.

Để thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng, theo ông Minh, việc này cơ quan chuyên môn ngành y tế cần có văn bản khuyến cáo nồng độ cồn ở mức nào là đặc biệt nghiêm trọng, khi nào người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn thì sẽ chuyển sang xử lý hình sự. Từ đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ ra các văn bản hướng dẫn để cơ quan chức năng phía dưới thực thi.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông khá phức tạp, công tác này gặp nhiều khó khăn, áp lực đối với đội ngũ y, bác sĩ. Ngoài ra, một số bệnh nhân và gia đình người bệnh bị gặp tai nạn giao thông khi vào viện không hợp tác khi thực hiện xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn trong máu.

Dân công sở tất tả đổi tiền lẻ mới, không có mệnh giá 20.000 đồng

Vài ngày nay, chị Khánh Hoàng (nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM) cho biết phải tất bật liên hệ nhân viên của ngân hàng thương mại và người quen ở vài ngân hàng để đổi tiền lẻ mới cho người thân, đồng nghiệp mừng tuổi, lì xì trong dịp Tết sắp tới.

"Nhân viên ngân hàng nào cũng cho biết chỉ có tiền mới mệnh giá lớn 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng. Riêng mệnh giá nhỏ như 10.000 đồng, 20.000 đồng thì rất ít, đặc biệt là không có tiền mệnh giá 20.000 đồng" - chị Hoàng kể.

Năm nay, tiền lẻ mới mệnh giá 20.000 đồng gần như không có

Nhiều người đến giờ vẫn chưa đổi được tiền mới vì "mối quen" từ chối do không có tiền lẻ mới.

Xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện nhiều ngân hàng cho hay năm nay không có tiền mới mệnh giá 20.000 đồng hoặc chỉ có ít. Đa số người có nhu cầu đổi tiền lẻ mới phải chọn mệnh giá 10.000 đồng và 50.000 đồng.

Nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở đường Song Hành (TP Thủ Đức, TP HCM) cho hay những ngày gần đây, khách đến giao dịch, gửi tiết kiệm cũng có nhu cầu đổi tiền lẻ mới nhưng chi nhánh chỉ còn mệnh giá từ 200.000 đồng trở lên.

Trên thị trường tự do, một số dịch vụ đổi tiền mới ở TP HCM và một số tiệm vàng cũng thông tin tiền mới mệnh giá nhỏ như 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng ít hơn mọi năm. Do đó, phí đổi tiền cũng cao hơn - từ 3% đến 15% tùy mệnh giá tiền mới. Trong đó, riêng phí đổi tiền mới mệnh giá 20.000 đồng là 13%-15%.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ dịp cuối năm tăng cao là quy luật thông thường. Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo kịp thời các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng.

Vụ người mẹ sinh viên bỏ rơi con sơ sinh ở gần cây xăng: Diễn biến bất ngờ

Cụ thể, sáng 29/1, theo báo Thanh Niên, lãnh đạo UBND phường An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết, đã có người đến nhận nuôi bé gái bị bỏ rơi trên địa bàn.

Theo vị này, nhận nuôi bé gái là đôi vợ chồng nhiều năm không có con. Qua xác minh ban đầu, đôi vợ chồng này có đủ điều kiện chăm sóc bé, kinh tế ổn định, nhân thân tốt... Bé gái đã được cặp vợ chồng đưa về nhà chăm sóc, trong thời gian 7 ngày chờ người mẹ quay lại nhận con. Quá trình đôi vợ chồng chăm sóc bé gái, có sự giám sát thường xuyên của cán bộ UBND phường An Khánh.

Lãnh đạo UBND phường An Khánh cho hay, theo quy định, sau 7 ngày (kể từ ngày ra thông báo) nếu người mẹ không quay lại nhận con thì các đơn vị chức năng sẽ làm giấy khai sinh và hoàn tất các thủ tục pháp lý cho người khác nhận làm con nuôi.

Cháu bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi đã có người nhận nuôi. Ảnh: Người lao động

Như tin đã đưa, khoảng 5h ngày 28/1, người dân đi tập thể dục gần cây xăng số 6, đường Trần Não, phường An Khánh thì thấy một giỏ nhựa, bên trong là bé gái sơ sinh đang khóc. Bé được quấn kỹ bằng khăn bông giữ nhiệt.

Đặc biệt, bên trong giỏ đồ còn có một lá thư được cho là mẹ của bé gái để lại. Bức thư có nội dung: "Em đang là sinh viên không có đủ điều kiện để chăm sóc cho bé. Kính nhờ các thầy (cô) chăm sóc bé giúp con để bé có được cuộc sống tốt hơn. Em bé sinh ngày 22/1/2024. Em bé đã được tìm vắc xin lao và viêm gan B. Xin chân thành cảm ơn!", báo Người lao động đưa tin.

Nhận tin báo, Công an phường An Khánh cùng các đơn vị liên quan có mặt, tiếp nhận, kiểm tra sức khỏe, xác nhận tình trạng sức khỏe em bé ổn định.

Công an thông báo ai là mẹ, người thân hoặc biết thông tin về bé thì đến trụ sở Công an phường An Khánh (19 Lương Định Của, phường An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) để hỗ trợ cung cấp thông tin.

H.A