Thuỷ điện Thác Bà an toàn, nước đến và xả đã gần cân bằng
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, đến 13h ngày 11/9, lưu lượng nước về hồ đã giảm xuống còn 2.992 m3/s, tương đương với lưu lượng xả là 3.005 m3/s. Áp lực lên hồ Thác Bà đã được giảm đáng kể.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khẳng định, công trình hồ Thủy điện Thác Bà an toàn, lượng nước về hồ đang giảm dần. Theo số liệu cập nhật lúc 10h45 hôm nay từ EVN, mực nước thượng lưu là 59,83m, cao hơn mức bình thường 1,83m và cao hơn mực nước chết 13,83m. Lưu lượng nước đổ về hồ là 2.960m3/s, trong khi lượng nước xả ra là 2.920m3/s. Mực nước thượng lưu hồ cao hơn tối qua, nhưng lưu lượng nước đến hồ và xả đã gần cân bằng.
Hồ thuỷ điện Thác Bà đã an toàn.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết: "Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 trên thượng nguồn đã giảm đáng kể, dự kiến sẽ không tăng lên nữa."
Hôm qua, trước tình hình mưa lớn ở thượng nguồn và lưu lượng nước về hồ Thác Bà vượt khả năng xả lũ, Thủ tướng đã gửi công điện yêu cầu lãnh đạo Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái khẩn trương triển khai biện pháp giảm thiểu dòng chảy để đảm bảo an toàn hồ.
Chiều tối cùng ngày, trong công điện về khắc phục hậu quả bão Yagi và mưa lũ, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu ba tỉnh này kiểm soát nước lũ về hồ, đồng thời Hà Nội và các tỉnh lân cận chuẩn bị ứng phó tình huống xấu nhất.
Thủy điện Thác Bà được Liên Xô thiết kế với mức chịu lũ đạt công trình cấp 1, tương ứng với khả năng đối phó lũ 10.000 năm xảy ra một lần, theo quy chuẩn của Liên Xô thời điểm đó do sau công trình có đô thị đặc biệt là thủ đô. Hiện tại, các thông số về lũ đến, lũ xả và mực nước đều thấp hơn mức thiết kế, đảm bảo an toàn chống lũ cho công trình.
Hà Nội: Lũ lên nhanh, hàn khẩu đê sông Hồng ở một số vị trí
Tại TP Hà Nội, suốt ngày hôm nay 11-9, mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Mực nước các sông lên cao tại nhiều địa phương trên địa bàn.
Người dân thôn Ấp Nhập, xã Thọ An, huyện Đan Phượng di chuyển khỏi vùng ngập lụt (ảnh chụp lúc 12 giờ 23). Ảnh: TTXVN
TP Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ cấp hai tại 10 quận, huyện ven sông.
Mưa lớn làm tràn bờ bao ở nhiều huyện. Sông Tích tại huyện Thạch Thất nước dâng cao đã tràn đê. Sông Đáy nước tiếp tục dâng cao tràn vào nhà các hộ dân ở thôn 1, xã Phù Lưu Tế.
Tình trạng tràn bờ bao xảy ra ở các đoạn Gò Sui - Bồ Nành xã Cần Kiệm, Cửa Đình xã Yên Lạc, Cần Kiệm xã Phú Lễ (huyện Thạch Thất)…
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Quốc Oai, Thạch Thất cho biết, mực nước sông Tích lên cao, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất đã đạt trên báo động 3. Lực lượng chức năng ghi nhận một số vị trí bị tràn đê bao, đê bối như, Khoang Ông, Đồng Mạ và các xã Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Minh Khai.
Các cửa khẩu đê sông Hồng tại quận Bắc Từ Liêm được lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ (ảnh chụp lúc 11 giờ 11). Ảnh: TTXVN.
Sáng 11/9, lũ trên sông Hồng đoạn chảy qua quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lên nhanh khiến khu dân cư ven sông ngập sâu. Nhiều ngôi nhà tại phường Chương Dương khu vực ven sông ngập nặng, người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Tại đường Chương Dương Độ, có những đoạn ngập hơn 1m, rác thải trôi đầy đường. Nhiều hộ dân tiếp tục vận chuyển, sơ tán đồ đạc, tài sản tới nơi an toàn. Một số người vẫn ra đường, chơi bóng chuyền, bất chấp trời mưa và nước ngập.
Những ngày qua, thanh niên Thủ đô cùng các lực lượng chức năng hỗ trợ triển khai biện pháp phòng, chống lũ, di dời tài sản, vật nuôi tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; đắp tường bao ngăn nước tràn vào nhà dân; dựng lúa bị đổ, bảo vệ hoa màu…
Theo ghi nhận, hôm nay, các cửa khẩu đê sông Hồng tại quận Bắc Từ Liêm được lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ. Một số cửa khẩu đê sông Hồng tại quận Bắc Từ Liêm đã được các lực lượng chức năng hàn khẩu.
Một cửa khẩu đê sông Hồng tại phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) đã được các lực lượng chức năng hàn khẩu (ảnh chụp lúc 11 giờ 29 ngày 11/9). Ảnh: TTXVN.
Do mực nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm đoạn qua xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, UBND xã Đại Áng huy động lực lượng trên 1.000 người xử lý khẩn cấp sự cố và sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Huyện Thanh Trì vận động, hỗ trợ 32 hộ dân tại vùng bị úng, ngập cục bộ ở các xã: Duyên Hà, Liên Ninh với 71 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Trên địa bàn huyện Thanh Trì có 11 điểm ngập, úng tại khu dân cư ở các xã Ngọc Hồi, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Liên Ninh, Tân Triều.
Tập kết phương tiện để sẵn sàng hàn khẩu đê tại khu vực bến phà Chèm, phường Thuy Phương (quận Bắc Từ Liêm) (ảnh chụp lúc 11 giờ 20). Ảnh: TTXVN.
Một người tử vong khi tham gia cứu trợ lũ tại Yên Bái
Chiều 11/9, lãnh đạo UBND phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc đoàn cứu trợ lũ lụt bị lật thuyền trong lúc giúp đỡ bà con vùng bão.
Lực lượng chức năng đưa thi thể anh T. ra ngoài. Ảnh: Cắt từ clip.
Nạn nhân là anh N.H.T. (ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình).
8 giờ sáng 11/9, thi thể anh T. đã được tìm thấy và được lực lượng chức năng bàn giao về cho gia đình.
Vị lãnh đạo phường bày tỏ đây là sự việc hết sức đau lòng. "Đoàn cứu trợ trên có nhiều kinh nghiệm thực hiện công tác cứu trợ, họ cũng đã ra TP Yên Bái để cứu trợ từ 3, 4 hôm nay. Do gặp dòng nước chảy xiết dẫn tới sự việc thương tâm", vị này cho biết.
Trước đó, sáng ngày 10/9, đoàn cứu trợ gồm 5 người từ huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đi ra khu vực đường Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) để cứu trợ thì bất ngờ bị lật thuyền.
Do nước chảy xiết, chiếc thuyền chở 5 người đàn ông bị va vào cánh cửa gara ô tô khiến thuyền bị lật úp. Sự việc khiến cả 5 người ngã xuống dòng nước ngập sâu khoảng 2 m.
"Một người bị thuyền lật úp đè xuống dòng nước gây tử vong, một người khác bị thương", lãnh đạo phường Nguyễn Thái Học thông tin thêm.
Trực thăng của Binh đoàn 18 vượt mưa gió cứu trợ người dân vùng lũ Cao Bằng
Được lệnh của Bộ Quốc phòng, chiều 11/9, máy bay EC-155-B1 số hiệu VN-8621 của Công ty Trực thăng miền Bắc (Binh đoàn 18) đã cất cánh vận chuyển nhu yếu phẩm cứu trợ đồng bào vùng lũ huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Nhu yếu phẩm cứu trợ có nước uống, lương khô, sữa, mì tôm.
Tổ bay gồm Trung tá phi công Lê Hải Đăng – Phó Giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc, Đại úy Hoàng Anh Đức và Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Ngô Tiến Dũng.
4 giờ 14 phút cùng ngày, máy bay VN-8621 cất cánh từ sân bay huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) về sân bay Gia Lâm lúc 15 giờ 25 phút.
Cũng trong ngày 11/9, Binh đoàn 18 đã sử dụng trực thăng bay phục vụ công tác thị sát, đánh giá việc khắc phục hậu quả bão số 3 tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
DIỆU THUẦN