Chị Thoa (31 tuổi, TP.HCM) mang thai quý sau thụ tinh ống nghiệm, phát hiện cao huyết áp mạn tính kèm tiền sản giật khi đang ở tháng thứ 6 thai kỳ. Đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM điều trị, chị được truyền magie sulfat ngừa co giật, thuốc hạ huyết áp song không thể kiểm soát. Tuần thai 28, tình trạng tiến triển nặng, toàn thân thai phụ bị phù, khó thở, huyết áp 200/120mmHg, kết quả xét nghiệm ghi nhận suy gan, thận, nguy cơ cao tử vong cả mẹ và thai…, các bác sĩ kích hoạt báo động đỏ, mổ sinh cấp cứu.
Bé gái chào đời tím tái, không thở, được hồi sức ngay trên bụng mẹ, cắt rốn chậm, ủ ấm và thở oxy không xâm lấn. Vượt qua nguy kịch, bé được chuyển về phòng hồi sức sơ sinh, nuôi trong lồng ấp hiện đại, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm không khí và ánh sáng phù hợp. Bé được thở áp lực dương liên tục (CPAP) đường thở thông thoáng, hô hấp nhẹ nhàng thay vì máy thở kéo dài có thể gây hại cho phổi. Sau ba tháng nuôi dưỡng, bé khỏe mạnh xuất viện vào tháng 2/2024, từ cân nặng 900 gram lúc mới sinh tăng lên 2,4 kg.
Trước đó, bé Bối Bối sinh vào tháng 4/2021, ở tuần thai thứ 25, nặng 740 g được bác sĩ bệnh viện Tâm Anh cứu sống bằng phác đồ “giờ vàng” và khỏe mạnh xuất viện sau 3 tháng với cân nặng 2,55 kg. Hiện bé gần 3 tuổi, khỏe mạnh, như các bạn sinh đủ tháng.
“Có những bé đón về chúng tôi tiên lượng chỉ còn khoảng 5-10% cơ hội sống. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống máy thở mới cùng trang thiết bị hiện đại, ê kíp bác sĩ có kinh nghiệm nuôi sống nhiều trẻ sinh non mắc bệnh nặng. Đến thời điểm này, các con đều được cứu sống, khỏe mạnh”, Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM, tác giả của phác đồ “giờ vàng” chia sẻ.
TS.BS Cam Ngọc Phượng khám cho con chị Thoa trước xuất viện. Ảnh: Tuệ Diễm
Phác đồ “giờ vàng” là tổng thể nhiều kỹ thuật y khoa cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời, ngay tại phòng sinh để cứu sống và chăm sóc y tế cho trẻ sinh non và rất non từ 24 tuần tuổi. Phác đồ bao gồm các yếu tố, như kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ hô hấp với phương pháp thở không xâm lấn (CPAP) tại phòng sinh và liên tục đến khi nhập Hồi sức sơ sinh (NICU) cho nhóm trẻ sinh rất non… giúp tăng cơ hội sống, giảm di chứng về sức khỏe.
TS.BS Cam Ngọc Phượng cho biết, thập niên trước, thở máy xâm lấn là phương pháp điều trị chính cho trẻ sinh non rất nhẹ cân với hội chứng suy hô hấp. Mặc dù là biện pháp cứu mạng, thở máy xâm lấn lại là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến viêm phổi, bệnh phổi mạn, và khiến trẻ lệ thuộc oxy kéo dài.
Năm 2018, bác sĩ Phượng du học Australia, chứng kiến trẻ sinh non được chăm sóc nhẹ nhàng nhờ can thiệp sớm 60 phút đầu đời. Về nước, bác sĩ cùng đồng nghiệp nghiên cứu, sáng tạo phác đồ “giờ vàng”.
Hơn ba năm triển khai tại Hệ thống bệnh viện Tâm Anh, phác đồ này đã cứu sống và giảm các nguy cơ biến chứng cho hàng trăm trẻ sinh non. Theo dõi 75 trẻ sinh non có tuổi thai trung bình từ 27,5 - 28 tuần đã được điều trị thành công tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong hai năm 2021 - 2022, tỷ lệ trẻ phải đặt nội khí quản giảm từ 62,5% còn 26% và chi phí điều trị giảm khoảng 30% - 40% sau khi áp dụng phác đồ “giờ vàng”.
Trẻ sinh non được hồi sinh sự sống nhờ phác đồ giờ vàng. Ảnh: Tâm Anh
Theo GS.TS.BS Ngô Minh Xuân - Chủ tịch Liên chi Hội Chu sinh và Sơ sinh TP.HCM, phác đồ “giờ vàng” là sự đổi mới về tư duy, cập nhật kỹ thuật hiện đại trong điều trị trẻ sinh non và cực non, mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho cộng đồng, giảm gánh nặng kinh phí cho gia đình và xã hội.
Ngày 26/2 vừa qua, đề tài “Phác đồ “giờ vàng” giảm nguy cơ đặt nội khí quản và chi phí điều trị ở trẻ sơ sinh rất non” của Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã xuất sắc vượt qua 86 công trình y tế đăng ký tham dự đến từ 42 đơn vị, bệnh viện thuộc khu vực TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long lọt Top 12 thành tựu y khoa Việt Nam ấn tượng năm 2023. Chương trình do Đài tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH) và Sở Y tế TP.HCM phối hợp thực hiện.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc (thứ tư từ trái qua) trao giải Thành tựu y khoa năm 2023 cho Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Ban tổ chức
“Hồi sức sơ sinh là ngành phát triển rất nhanh. Chuyên ngành Sơ sinh ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tiệm cận với sự phát triển của y học thế giới. Đội ngũ nhân viên y tế không ngừng cập nhật kiến thức mới, phác đồ điều trị mới, nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả điều trị. Chúng ta có thể thực hiện được các kỹ thuật chăm sóc chuyên sâu ở mức độ cao nhất, ngang tầm với các nước trong khu vực, dành cho những trẻ sinh rất non ở tuổi thai 23-24 tuần, rất nhẹ cân (dưới 1 kg)”, TS.BS Cam Ngọc Phượng chia sẻ.
TUỆ DIỄM