Tết Trung thu sắp đến và bưởi là loại trái cây phổ biến để đón dịp Tết này. Tuy nhiên, không phải thể trạng của ai cũng phù hợp để ăn bưởi. Các bác sĩ nhắc nhở có một số nhóm không thích hợp để ăn bưởi, thậm chí ăn vào có thể gây nguy hại sức khỏe.
Nhóm người không nên ăn bưởi
- Người đang dùng thuốc chống đông máu.
Bưởi sẽ làm giảm quá trình chuyển hóa thuốc chống đông máu, khiến nồng độ thuốc trong cơ thể tăng cao, tác dụng giống như uống thuốc quá liều.
- Những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, thay van tim, tắc mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ... có thể đang dùng thuốc chống đông máu. Bệnh nhân chạy thận cũng nên chú ý ăn ít bưởi, vì bưởi có chứa hàm lượng kali cao, dễ dẫn đến tăng kali máu và rối loạn nhịp tim.
- Người dùng những loại thuốc sau đây cũng cần chú ý đến việc ăn bưởi:
Nước ép bưởi có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc và làm giảm tác dụng của thuốc hoặc thậm chí làm trầm trọng thêm tác dụng phụ. Bưởi có thể can thiệp vào cơ chế enzym và chất vận chuyển liên quan đến quá trình phân hủy hoặc hấp thụ thuốc từ ruột, gây ra lượng thuốc quá cao hoặc quá thấp trong cơ thể. Tránh tiêu thụ bưởi khi dùng thuốc như statin, thuốc chẹn kênh canxi, huyết áp, thuốc điều trị tâm thần, thuốc hạ lipid máu nhóm statin, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, chống lo âu...
Bưởi có hàm lượng kali cao, đồng nghĩa với việc những người bị nhiễm trùng thận nên thận trọng khi ăn. Thận có thể không lọc được lượng kali dư thừa, dẫn đến gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bưởi có tính axit cao nên có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ợ nóng và trào ngược ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Quả bưởi. (Ảnh minh họa).
Giá trị của bưởi
Những người khỏe mạnh không dùng thuốc có thể được hưởng lợi từ việc tiêu thụ bưởi thường xuyên vì nó giàu chất dinh dưỡng thiết yếu:
- Tăng cường hệ miễn dịch: Bưởi chứa nhiều vitamin A, vitamin C, kẽm và đồng, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tính chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào khỏi vi khuẩn và virus có hại và có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp hoặc rút ngắn thời gian mắc bệnh.
- Thúc đẩy sức khỏe tim mạch : Ăn bưởi thường xuyên có thể giúp giảm mức cholesterol, đặc biệt là triglyceride huyết thanh, từ đó có thể giúp ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch. Tính chất chống oxy hóa của phenolic cũng ức chế quá trình oxy hóa cholesterol lipoprotein mật độ thấp và giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch vành.
- Cải thiện lượng đường trong máu: Vì bưởi có chỉ số đường huyết thấp nên đây là lựa chọn carbohydrate an toàn hơn cho những người bị tiểu đường. Hơn nữa, hóa chất thực vật naringin có trong bưởi và nước ép bưởi có khả năng cải thiện độ nhạy insulin. Do đó, tiêu thụ bưởi có thể giúp kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại II.
- Giúp giảm cân: Bưởi chứa chất xơ, giúp bạn no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn. Chất xơ làm chậm tốc độ cơ thể tiêu hóa thức ăn, do đó làm giảm nguy cơ ăn quá nhiều hoặc ăn vặt.
- Giảm nguy cơ sỏi thận: Ăn bưởi có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ canxi và hình thành sỏi thận. Axit xitric trong bưởi có thể liên kết với canxi dư thừa và giúp đào thải canxi ra khỏi cơ thể. Axit xitric cũng làm tăng thể tích và độ pH của nước tiểu, khiến môi trường ít thuận lợi hơn cho sỏi thận hình thành.
THÙY LINH