Tuyệt sắc giai nhân phố cổ khi xưa: Chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt, bỏ bạn trai để kết hôn với tình cũ của chị gái

Google News

Bà Bạch Thược từng là tuyệt sắc giai nhân tại Hà Thành trước năm 1954. Chấp nhận để cha mẹ sắp đặt lấy người đàn ông từng say mê chị gái, cuộc sống hôn nhân sau đó lại vô cùng hạnh phúc.

Bạch Thược là tên của một loài hoa quý, không chỉ có sắc mà hương thơm còn có khả năng chữa bệnh. Đó cũng là tên của một tiểu thư Hà Thành xưa sở hữu vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành". Cuộc đời của bà Bạch Thược cũng trải qua nhiều cung bậc, đặc biệt là chuyện kết hôn với người đàn ông từng có mối quan hệ tình cảm với chị gái ruột.

Tiểu thư Hà Thành có tính cách như con trai nhưng nhan sắc rực rỡ

Năm 1935, bà Bạch Thược được sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội, thuộc phố Ngõ Trạm (Phùng Hưng). Khi đó cha mẹ mong ngóng có một cậu con trai để nối dõi tông đường vì trước bà đã có 3 cô con gái. Vừa chào đời, bà Bạch Thược đã có những nét đẹp rạng rỡ. 

Nhan sắc rực rỡ của bà Bạch Thược từng khiến nhiều người say đắm

Tuy nhiên không phải vì gia đình thích con trai mà bà Bạch Thược bị ghẻ lạnh, trái lại còn được cưng chiều hết mực. Cha mẹ không ép buộc bà phải sống theo khuôn phép cũ. Thời nhỏ, bà Bạch Thược thích mặc quần áo con trai, chơi đánh bi, đánh đáo, không hề muốn thêu thùa, nấu ăn như nhiều thiếu nữ Hà Thành lúc đó.

Cha của bà là cụ Phạm Hữu Ninh, người sáng lập trường Thăng Long - trường tư thục đầu tiên của người Việt.

Ở độ tuổi cập kê, bà Bạch Thược sở hữu nhan sắc thuần khiết, thanh tao giống như cái tên của mình. Rất nhiều chàng trai si mê say đắm nét đẹp của nàng tiểu thư. Không chỉ đẹp ngoại hình, bà Bạch Thược còn có năng khiếu nghệ thuật, vẻ đẹp tỏa sáng từ tâm hồn đến cốt cách.

Bạch Thược không chỉ xinh đẹp mà còn có tinh thần cách mạng quyết liệt và năng khiếu nghệ thuật

Thời trẻ, bà Bạch Thược cũng tích cực tham gia cách mạng, có thời gian oanh liệt với phong trào của sinh viên ở Hà Nội, cùng các bạn học tuyên truyền cách mạng, in báo Nhựa sống, tổ chức bãi khóa, chống bắt lính... Nhà của bà trở thành một căn cứ cách mạng, nơi in ấn truyền đơn và tổ chức các phong trào biểu tình chống chiến tranh.

Khi về già, nét đẹp của người con gái Hà Thành xưa vẫn còn vương vấn trên gương mặt bà Bạch Thược. Những ký ức về một thời tham gia cách mạng luôn in hằn trong ký ức của bà.

"Tình chị duyên em" của mỹ nhân phố cổ

Vì tham gia vào các phong trào đấu tranh của sinh viên, bà Bạch Thược ít tiếp xúc với con trai, thậm chí né tránh những cuộc trò chuyện. Ở độ tuổi đôi mươi chưa hề vướng bận chuyện tình yêu.

Các chị lần lượt lập gia đình, trong đó người chị 2 của bà là Kim Thoa lấy chồng rồi thoát ly theo gia đình chồng, để lại một tình yêu dang dở và sau này trở thành mối lương duyên với em gái.

Ông Vũ Sơn là chồng của bà Bạch Thược, nhưng trước khi bén duyên, ông lại rất mê bà Kim Thoa. Khi hay tin người tình trong mộng lấy chồng, ông Vũ Sơn rất buồn bã và thất vọng. Tuy nhiên cha mẹ của Bạch Thược lại rất ưng ông, dù không thành với Kim Thoa nhưng muốn gán ghép cho con gái Bạch Thược.

Bà Bạch Thược chấp nhận đồng ý lấy người do cha mẹ gán ghép

Cha mẹ động viên ông Vũ Sơn tham gia kháng chiến và hứa hẹn sẽ gả con gái Bạch Thược. Trong thời gian này, trớ trêu thay bà Bạch Thược lại nảy sinh tình cảm với một chàng bác sĩ quân y. Nhưng vì lời hẹn ước của bố, bà không thể làm trái nên đành chia tay người bạn trai này để chấp nhận lập gia đình với ông Vũ Sơn theo ý nguyện của bậc sinh thành.

Bà Bạch Thược cưới ông Vũ Sơn. Trong ngày cưới, bà đem thư của người yêu cũ ra đốt để toàn tâm toàn lực bên gia đình mới. Sau này trong một lần gặp lại người cũ tại Pháp, bà chạnh lòng khi thấy cuộc sống của người này không được như ý muốn, tự trách bản thân vì nghĩ một phần lỗi là do mình.

Cuộc hôn nhân của tiểu thư Hà Thành đôi qua êm đềm dù là “tình chị duyên em”

Cuộc sống của bà Bạch Thược và ông Vũ Sơn dù sắp đặt nhưng trôi qua êm đềm, những người con lần lượt ra đời. Sau khi tốt nghiệp đại học Dược năm 1959, bà về công tác tại Trường Cán bộ Y tế Trung ương, rồi được đi tu nghiệp về chuyên khoa Bào chế học tại Rumani. Sau này bà bôn ba theo chồng sang nhiều nước khi ông Vũ Sơn làm việc trong ngành ngoại giao.

Khi về già, bà Bạch Thược sống tại Hà Nội một mình khi các con đều có gia đình riêng. Khá hiếm thông tin và hình ảnh lúc cuối đời của bà Bạch Thược được công bố.

PHÚ NGUYỄN