Sau dịp nghỉ Tết, nhất là năm nay lại trùng vào ngày lễ Tình nhân (14/2), số người đi khám do mắc các bệnh lý lây qua đường tình dục gia tăng.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Da Liễu TP HCM tiếp nhận gần 400 lượt khám bệnh lây truyền qua đường tình dục mỗi ngày sau kỳ nghỉ Tết, trong khi trước Tết con số này trung bình khoảng 280-300 ca.
Điển hình như trường hợp của Đình Nam (20 tuổi quê Thanh Hóa). Nam là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội và đã quan hệ với bạn gái (hơn 2 tuổi) vào dịp lễ Tình nhân. Sau 4 ngày, Nam phát hiện những biểu hiện bất thường ở "cậu nhỏ" nên đi khám. Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Nam bị lậu và tư vấn hướng điều trị, đồng thời đề nghị Nam đưa cả bạn gái đi khám vì nguy cơ mắc bệnh rất cao.
“Bạn gái nói rằng đó là lần đầu tiên của cô ấy, trong khi đây cũng là lần đầu của tôi. Vì tin nhau nên chúng tôi không dùng bao cao su dù đã chuẩn bị sẵn", Nam chia sẻ với bác sĩ.
Theo bác sĩ Thành, các đôi dù tin tưởng nhau đến đâu cũng cần đảm bảo an toàn khi quan hệ. Ảnh minh họa.
TS.BS Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, không chỉ năm nay mà các năm trước, số người đi khám do mắc bệnh tình dục luôn tỉ lệ thuận với tình trạng “cháy phòng” trong ngày lễ Tình nhân. Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục chủ yếu là do tâm lý chủ quan, cũng như thiếu kiến thức về tình dục an toàn.
Theo đó, rất nhiều bạn trẻ khi yêu nhau sẵn sàng dâng hiến cho nhau, tin tưởng nhau tuyệt đối và luôn khẳng định mình còn "trong trắng" với bạn tình. Điều đó khiến họ và "nửa kia" không chủ động phòng tránh bệnh và hậu quả cuối cùng là mắc các bệnh lý lây qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn.
Qua thực tế khám lâm sàng, bác sĩ Thành cho biết, có rất nhiều bạn trẻ dù từng quan hệ nhưng không thừa nhận và vẫn khẳng định với đối tác rằng "đây là lần đầu" để được "vượt giới hạn mà không cần dùng đồ bảo hộ". Điều này góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý lây qua đường tình dục bởi khi đã phát sinh quan hệ thì bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, ngay cả khi chỉ gần gũi một bạn tình hay thậm chí chưa có hành động xâm nhập.
"Có nhiều cặp quan hệ an toàn ở "đường chính" nhưng vẫn dễ mắc do lậu vì bệnh này có thể lây nhiễm qua việc dùng miệng và một số đường khác. Hay có trường hợp một số virus gây bệnh có thể lây lan khi có sự tiếp xúc da kề da, khi tiếp xúc chất dịch cơ thể hoặc sử dụng chung đồ lót, đồ chơi tình dục, bồn cầu nhà vệ sinh công cộng", bác sĩ Thành cho hay.
Bác sĩ Thành cho rằng, cần "đả thông" tư tưởng cho các bạn trẻ bằng cách giáo dục "mưa dầm thấm lâu" để hướng tới tình dục an toàn, tránh nguy cơ mắc bệnh.
Để phòng bệnh, bác sĩ Thành khuyến cáo, khi quan hệ hãy dùng bao cao su, kể cả khi chị em đã dùng các biện pháp tránh thai khác. Vì bao cao su vừa là biện pháp tránh thai, vừa là cách để bảo vệ bản thân cũng như chồng/bạn tình không bị mắc bệnh lây qua đường tình dục.
Bác sĩ nhấn mạnh: Hãy chung thủy một vợ/một chồng hoặc một bạn tình. Điều này không chỉ phòng bệnh lây qua đường tình dục, mà còn giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cuối cùng, khi không may gặp vấn đề, làm ảnh hưởng đến hoạt động tình dục hoặc có biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục chị em cần đi khám càng sớm càng tốt. Không giấu bệnh, không tự chữa bệnh vì có thể khiến tình trạng nặng thêm, để lại hậu quả đáng tiếc, thậm chí là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
LÊ PHƯƠNG.