Vợ bầu vượt mặt vẫn tự lái xe máy đi làm, dừng đèn đỏ thấy chồng đèo đồng nghiệp nữ về nhà

Google News

Tan tầm, đang dừng đèn đỏ tôi chợt thấy chồng đèo đồng đồng nghiệp nữ phóng vụt qua ngã tư trước mặt. Cả hai cười nói rất thân mật, vui vẻ như một cặp vợ chồng chứ không phải cùng làm chung trong một công ty.

Tôi có bầu đến nay đã 6 tháng. Hành trình mang thai cũng không quá đỗi gian nan. Tôi bị động thai khoảng 1 tháng nên bác sĩ yêu cầu nằm nhà nghỉ ngơi. Thời gian đó chồng cũng không phải đưa đón tôi đi làm.

Đến khi đã khỏe hơn, có thể đi làm được, mẹ đẻ cũng khuyên: “Con cứ để thằng Hùng đưa đi làm cho đỡ cực, đi xa thế, đường tắc, tội cả hai mẹ con”. Nhưng tôi bảo: “Thôi mẹ ạ, chồng con đi làm cũng vất vả. Anh ấy cũng phải đến công ty sớm, đưa con đi làm rồi mới về chấm công lại muộn. Chiều đến cũng thế, vòng sang đón vợ đường cũng ùn tắc. Con khỏe rồi nên chịu khó vậy cho anh ấy đỡ vất vả”.

Tôi có bầu đến nay đã 6 tháng. (Ảnh minh họa)

Nghĩ thương chồng nên tôi thường tự đi xe đến công ty. Dù nhiều lần nhà xa, đường tắc đến nơi tôi cũng mệt lả, nhưng tôi nghĩ chẳng riêng mình. Nhiều bà bầu khác cũng ngày ngày phải tự đi làm như tôi, tích lũy tiền lương chờ đến ngày sinh nở.

Trộm vía, 6 tháng đều đặn trôi qua, hai mẹ con đã dần quen với cảnh tắc đường và thời tiết oi nóng mỗi sáng, mùi xăng xe nồng nặc mỗi chiều. Thế nhưng, hôm nay đúng giờ tan tầm, tôi vòng sang con phố gần công ty để lấy mấy chiếc váy bầu thì bỗng chứng kiến cảnh tượng khiến tôi phải hoang mang, suy nghĩ.

Đúng lúc đang dừng chờ đèn đỏ, tôi thấy chồng đèo đằng sau một đồng nghiệp nữ rẽ vào con ngõ gần đó. Biểu cảm của hai người rất thân thiết. Vì dừng chờ đèn đỏ và vì bụng bầu khá lớn nên tôi cố kìm nén không phi xe lên đuổi theo.

Đợi tới khi được đi, tôi tạt qua con ngõ họ mới rẽ vào nhưng mất dấu. Trong đầu tôi hỗn loạn hàng trăm câu hỏi “liệu có phải vào nhà nghỉ hay không?”. Cuối cùng, tôi quyết định đứng chờ ở đầu ngõ.

Chỉ 5 phút sau, tôi thấy chồng phóng vụt ra ngoài đường. Trông điệu bộ cũng khá bình thản, chẳng có vẻ gì là “mới từ trong nhà nghỉ ra hết”. Tôi lên xe đi theo đằng sau, suy nghĩ tới lui nên hỏi cho rõ ngọn ngành hay để “bắt tận tay, day tận trán” cho có bằng chứng.

Ngày hôm sau, chồng đi ra khỏi nhà tôi liền xin nghỉ làm. Tôi nhắn tin rủ theo cô bạn thân đi bắt gian. Đúng giờ tan tầm, chúng tôi đợi dưới công ty anh. Lát sau, thấy anh lại đèo cô gái hôm nọ đi về.

Đến ngã tư hôm trước, họ rẽ vào con ngõ nhỏ và cũng đúng 5 phút sau, chồng tôi lại từ trong ngõ đi ra. Cô bạn thân thở dài: “Thôi mày mất chồng rồi đấy. Chắc là chồng mày kết em kia lắm rồi nên mới quan tâm vậy”.

Tối về, mặt tôi hằm hằm, chồng chỉ hỏi một câu “sao về muộn thế?” đã khiến tôi tức điên. Tôi hỏi: “Nay anh đèo ai đi về? Hay nhỉ giờ còn ngoại tình công khai không thèm giấu diếm, tận tình với đồng nghiệp còn hơn cả vợ”.

Chồng tôi cười phá lên: “Em nói cái gì buồn cười thế, ngoại tình cái gì, cô Loan cùng công ty hay đi nhờ xe. Anh thấy tiện đường nên chở cô ấy về thôi”.

Tôi khựng lại, hỏi: “Cứ cho là anh và cô ấy không có tình cảm gì, anh chở cô ấy đi làm thì được, còn vợ anh mang bầu vượt mặt, phải tự đi xe máy đi làm thì anh không động lòng thương?”.

“Thì hồi đầu, chính vợ bảo không cần chồng chở đi mà, giờ thấy chở người khác đi nhờ lại đổi ý, phức tạp, đàn bà quá phức tạp”, chồng tôi chép miệng bình thản.

Không biết trong lúc đèo đồng nghiệp nữ về nhà, có lúc nào chồng tôi nghĩ thương vợ, thương con vất vả, cực khổ hay không? (Ảnh minh họa)

Tôi thì vẫn bừng bừng cơn giận, thật không hiểu nổi. Không biết trong lúc đèo đồng nghiệp nữ về nhà, có lúc nào chồng tôi nghĩ thương vợ, thương con vất vả, cực khổ hay không? Đến giờ tôi mới thấy sai lầm, đáng ra ngày từ đầu, đừng nên thương chồng có lẽ sẽ đỡ cực hơn.

Mẹ bầu di chuyển xe máy trong thời gian mang thai có thể gặp nguy cơ gì?

Thời kỳ mang thai, các hormone nội tiết tố thay đổi khiến mẹ bầu mệt mỏi, ốm nghén… trong người lúc nào cũng khó chịu nên ảnh hưởng đến quá trình di chuyển trên đường. Đa số các trường hợp mẹ bầu trong giai đoạn thai nghén đều cần hạn chế lái xe để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Một số nguy cơ có thể xảy ra như:

- Nếu mẹ bầu bị mất thăng bằng rất dễ ngã do bụng to và phản ứng chậm hơn so với bình thường.

- Nhiều đoạn đường nhỏ, lồi lõm làm cho bà bầu đi xe máy bị xóc và gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

- Đa số xe máy đều rất nặng nên việc di chuyển, dắt xe và đỗ xe sẽ rất khó khăn cho phụ nữ đang mang thai.

Đặc biệt, trong 3 tháng đầu, mẹ bầu có thể gặp rủi ro khi đi xe máy ít hơn so với giai đoạn sau của thai kỳ. Bởi vì ở giai đoạn cuối, thai nhi lớn dần lên, bụng mẹ bầu to hơn và cơ thể cũng trở nên nặng nề, kém linh hoạt và dễ xảy ra va chạm. Những va chạm dù nhẹ nhưng cũng làm tâm lý mẹ bị kích động và có thể dẫn đến sinh non. Đối với những phụ nữ mang thai có tiền sử động thai, sảy thai hay các biến chứng như nhau tiền đạo, bong non... thì cần hạn chế di chuyển bằng xe máy.

HÀ LINH