Vụ 85 trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng: Chuyên viên chỉ các dấu hiệu cần phải đưa trẻ đi điều trị tâm lý

Google News

Trước hành vi đánh đập, bạo hành hàng loạt trẻ của các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng, bên cạnh những tổn thương về mặt thể chất mà các bé phải chịu đựng, nhiều người còn e ngại mức độ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ tinh thần mà các bé sẽ đối diện trong thời gian sắp tới.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ngày 5/9 chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên - Thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam. 

Đứng dưới góc độ một chuyên viên tâm lý, chị nhận định việc này như thế nào?

Vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng là một sự cố rất nghiêm trọng, cho thấy sự vi phạm quyền trẻ em và trách nhiệm bảo vệ trẻ em từ các cơ sở chăm sóc. Không chỉ vi phạm pháp luật, mà việc bạo hành trẻ còn có thể để lại những vết thương lâu dài cho các em, ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng thích ứng xã hội của trẻ trong tương lai.

Môi trường sống và chăm sóc tại Mái ấm Hoa Hồng đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn và bảo vệ trẻ em. Sự thiếu hụt về số lượng nhân viên chăm sóc, với 15 người chăm sóc 85 trẻ, đặc biệt là những nhóm tuổi nhỏ cần được quan tâm đặc biệt, dễ dẫn đến quá tải cho nhân viên và tăng nguy cơ xảy ra các hành vi bạo hành, lạm dụng do thiếu kỹ năng, kiến thức, hoặc do căng thẳng trong công việc.

Từ đó nhận thấy, để chăm sóc tốt cho trẻ tại các mái ấm, trung tâm bảo trợ xã hội, người chăm sóc cần có cả tình thương với trẻ lẫn kỹ năng chăm sóc - giáo dục trẻ, đặc biệt là kỹ năng quản lý hành vi, kiểm soát cảm xúc và kỹ thuật xử lý tình huống khi trẻ có hành vi khó khăn. 

Theo chị, ngoài chịu những cơn đau về thể chất, các em còn bị ảnh hưởng tâm lý như thế nào?

Những trẻ em bị bạo hành từ khi còn nhỏ không chỉ chịu đựng các cơn đau về thể chất mà còn phải đối mặt với những tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Các em có thể trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng, thiếu cảm giác an toàn và phát triển các triệu chứng như ác mộng, mất ngủ, lo âu kéo dài, và đôi khi là trầm cảm.

Một số trẻ có thể trở nên khép kín, khó giao tiếp, và thậm chí phát triển các hành vi hung hăng, khó kiểm soát cảm xúc. Những trải nghiệm này có thể làm suy yếu lòng tự trọng và niềm tin vào người lớn, đặc biệt là những người có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ các em. 

Những tổn thương này chỉ là nhất thời hay sẽ kéo dài, thưa chị?

Các nghiên cứu tâm lý đều ghi nhận trẻ có trải nghiệm khó khăn thời thơ ấu trong bất kỳ giai đoạn tuổi nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về nhận thức, hành vi, đời sống cảm xúc - tình cảm và nhân cách. Trong tương lai, các em có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ lành mạnh, thường xuyên cảm thấy bất an hoặc khó tin tưởng người khác.

Các em cũng có nguy cơ cao phát triển các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoặc thậm chí là rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Những khó khăn này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc và hòa nhập xã hội của các em trong cuộc sống sau này.

Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý, cách nào sẽ điều trị tốt nhất?

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, việc lựa chọn giữa tham vấn – trị liệu tâm lý và thăm khám điều trị bằng thuốc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng mà trẻ đang gặp phải.

Tham vấn – trị liệu tâm lý: Đây là lựa chọn đầu tiên và phù hợp cho hầu hết các trường hợp trẻ bị tổn thương tâm lý do bạo hành, đặc biệt là khi các triệu chứng ở mức độ nhẹ đến trung bình. Nếu trẻ có biểu hiện sợ hãi, lo lắng, thay đổi hành vi, gặp ác mộng, hoặc khó khăn trong việc kết nối với người xung quanh nhưng vẫn duy trì được sinh hoạt hằng ngày, tham vấn – trị liệu tâm lý là cần thiết.

Ví dụ, một bé có thể được mời tham gia các buổi trị liệu chơi (play therapy) để giúp trẻ diễn đạt và xử lý cảm xúc trong một môi trường an toàn, hoặc tham gia các buổi tham vấn cá nhân với chuyên viên tâm lý để giúp trẻ dần phục hồi cảm giác an toàn và niềm tin vào người lớn.

Thăm khám điều trị bằng thuốc: Đối với những trường hợp trẻ có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, như không kiểm soát được cảm xúc, biểu hiện trầm cảm nặng, lo âu kéo dài, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), hoặc có hành vi tự làm hại bản thân, việc thăm khám điều trị bằng thuốc tại các cơ sở y tế chuyên khoa là cần thiết.

Ví dụ, nếu một trẻ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, thường xuyên mất bình tĩnh hoặc có hành vi tự gây tổn thương, bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể chỉ định dùng thuốc kết hợp với các liệu pháp tâm lý để kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ quá trình phục hồi.

Điều quan trọng là quá trình đánh giá tình trạng của trẻ cần được thực hiện bởi các chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ được đào tạo chuyên môn để quyết định phương pháp can thiệp phù hợp nhất. Thông thường, một sự kết hợp giữa tham vấn – trị liệu tâm lý, nếu cần thiết, can thiệp y khoa bằng thuốc sẽ mang lại kết quả tốt nhất, giúp trẻ phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần một cách toàn diện.

Hiện các bé đã được chuyển đến nơi ở mới sau vụ việc bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng - Ảnh MXH

Cũng theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, hiện nay khi 85 bé đã được chuyển tới nơi ở mới, khi các bé vừa trải qua chuỗi ngày sống trong đau đớn vì bị bạo hành bởi các bảo mẫu của Mái ấm Hoa Hồng, việc những người chăm sóc mới cần phải làm là tạo ra một môi trường thân thiện, an toàn và che chở cho các bé bằng tình yêu thương. 

"Người chăm sóc trẻ cần tạo ra một môi trường an toàn, ổn định và yêu thương, nơi trẻ cảm thấy được chấp nhận và bảo vệ. Quan trọng nhất là kiên nhẫn, lắng nghe, và không áp đặt hay gây thêm áp lực lên các em. Việc thiết lập một lịch trình sinh hoạt ổn định, cung cấp các hoạt động vui chơi lành mạnh và giáo dục cảm xúc cũng rất quan trọng trong quá trình hồi phục của trẻ.

Quá trình chăm sóc sau này cũng chính là quá trình tái định nghĩa về tình yêu thương, xây dựng lại niềm tin của trẻ về bản thân và người khác; vì vậy người chăm sóc cần cẩn trọng trong tương tác, lời khen, cách kỷ luật với trẻ. Đối với những trẻ đã trải qua bạo hành, cần có sự can thiệp của chuyên viên tâm lý để hướng dẫn người chăm sóc các phương pháp cụ thể trong việc xử lý và xoa dịu các dấu hiệu chấn thương tâm lý. Người chăm sóc cần nắm rõ thông tin và cách thức liên hệ đến các nguồn lực hỗ trợ tâm lý, y khoa để can thiệp cho trẻ kịp thời. Sự liên tục và kiên định trong việc hỗ trợ sẽ giúp các em dần dần xây dựng lại niềm tin và cảm giác an toàn", Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hải Uyên chia sẻ.

DIỆU THUẦN