Xót cảnh mẹ già nuôi 3 đứa con khờ, cơm ngày ba bữa không đủ no, cuối đời chỉ mơ ước 1 điều nhỏ nhoi 

Google News

Ảnh hưởng của chất độc màu da cam khiến 3 anh em bị dị tật bẩm sinh, trí óc cũng không bình thường nên chẳng thể làm được gì. Họ sống cùng mẹ già trong căn nhà trợ cấp, ăn bữa nay lo bữa mai… 

Người dân ở xã Tân Thuận Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp không còn xa lạ với câu chuyện đáng thương của gia đình bà Phan Thị Gọn (72 tuổi), đang sống cùng 3 người con bị chất độc màu da cam. Sau khi ông mất đi, những người con khác lập gia đình rồi đi làm ăn xa, một mình bà Gọn sống cùng với 3 người con khờ.

Người ta cho tiền, cho đồ ăn để mẹ con sống qua ngày… 

Theo chia sẻ của bà Gọn, 3 người con của bà đã bị dị tật từ khi mới sinh ra. Mỗi đứa có 12 ngón chân và 11 ngón tay, trí não cũng không được bình thường như những đứa trẻ khác. Trong số 3 đứa con đang ở với bà, chỉ có chị Nhanh (37 tuổi) chịu khó giao tiếp, 2 người còn lại là anh Dư (43 tuổi) và anh Cát (33 tuổi) rất ít nói. 

3 người con của bà Gọn suốt ngày chỉ biết quanh quẩn ở nhà, trí não kém phát triển...

Nhìn 3 đứa con đang ngọng nghịu nói chuyện với nhau, bà Gọn nuốt nước mắt: "Chúng nó bị vậy từ lúc sinh ra, mang đi khám bác sĩ bảo bị chất độc màu da cam… thằng Dư thì lúc đầu có người đến xin xong thấy không bình thường người ta đem trả luôn. Còn thằng Cát bị bại não phải đi tiêm thuốc suốt. Ông nhà tôi chở nó đi rồi nó ngã lại càng bệnh hơn. Xuống trạm xá người ta bảo để nó ở lại đây luôn nhưng mà không có tiền”.

Từ khi chồng mất đi, cuộc sống của gia đình bà Gọn chìm trong bế tắc khi cơm ngày 3 bữa đều phụ thuộc vào tình thương của bà con xóm làng và trợ cấp từ nhà nước. Riêng việc sinh hoạt, tắm rửa, chỉ có mỗi chị Nhanh tự làm được, riêng 2 người con trai bà Gọn cũng phải phụ giúp.

“Tôi cũng đi chợ mua thức ăn về cho mẹ nấu. Ra chợ người ta lại cho đồ ăn mang về. Có hôm đi tập thể dục cho khỏe người cũng được cho tiền mà tôi không biết đấy là bao nhiêu tiền. Tôi mang tiền với mướp đắng về nhà để mẹ nấu cơm”, chị Nhanh ngô nghê nói.

Hiện tại, với số tiền trợ cấp từ nhà nước, bà Gọn tằn tiện để mua rau mắm cho các con, nhìn căn nhà nhỏ xập xệ, không có nhà vệ sinh, trời mưa thì dột nát, bà Gọn nghẹn ngào.

"3 đứa con bình thường đi làm trên thành phố, 2 đứa đã lập gia đình, sống cũng khổ lắm nên không phụ được cho mẹ. Thằng út đi làm hồ thu nhập cũng bấp bênh nhưng thỉnh thoảng vẫn về cho mẹ vài trăm ăn uống. Đến lúc tôi chết thì chúng nó hỗ trợ nuôi nhau chứ chẳng biết làm sao bây giờ”.

Nhắc đến chuyện ba mất, 3 anh em đều rơm rơm nước mắt. Họ nói họ buồn lắm vì ngày còn sống ba rất thương con. “Nhớ ba, thương ba nhưng để trong lòng thôi. Nhớ lắm, ba thương mình. Nhắc đến lại buồn nên tôi không muốn nhắc đến đâu”, chị Nhanh gạt nước mắt, xúc động.

Ước mơ nhỏ nhoi về những bữa cơm no...

Bà Gọn chia sẻ gia đình cũng nhận được nhiều đồ ăn, gạo mì, quần áo từ các nhà hảo tâm. Điều này khiến bà vô cùng xúc động trước tình cảm mà mọi người dành cho gia đình mình. Bà chỉ sợ một ngày nào đó, bà không còn nữa, 3 người con khờ chẳng biết sống với ai.

Tôi chẳng có nhiều tiền nên ai cho gì tôi ăn đấy thôi. Mấy đứa con cũng dễ lắm, nấu gì nó cũng ăn, người ta cho là nó cầm về đưa mẹ. Mấy đứa không đi làm gì được nhưng ngoan lắm, chẳng lấy trộm gì cũng chẳng đánh chửi ai bao giờ”, bà Gọn nhìn 3 đứa con, cười chua chát.

Dù không được khôn lanh như những người bình thường, cũng chẳng thể kiếm được việc làm, phụ giúp lo cho mẹ già lúc ốm đau, bệnh tật nhưng trong mắt bà Gọn, chị Nhanh, anh Dư, anh Cát vẫn là những người con hiếu thảo, là duyên nợ mà ông trời ban tặng cho gia đình bà.

Nói về những ngày sắp tới, bà Gọn chỉ mong ngày có đủ cơm 3 bữa, căn nhà nhỏ đủ che nắng che mưa, không còn cảnh dột nát như hiện tại...

Ước là ước có cái chỗ ngủ không bị dột nữa, à có chỗ đi vệ sinh mới, ngày trước đi bị trượt chân ngã đau lắm”, chị Nhanh bẽn lẽn nói về ước mơ của mình.

Trong căn nhà xập xệ, 4 mẹ con ngồi quây quần với nhau, chốc chốc tiếng cười ngô nghê của chị Nhanh, anh Dư, anh Cát lại vang lên. Dù bản thân họ không đủ khôn lanh như mọi người nhưng tình thương mà cả 3 dành cho bà Gọn  vẫn đong đầy. 

"Con thương mẹ nhiều lắm...", chị Nhanh ngọng nghịu nhìn bà Gọn, rớm nước mắt. Mong rằng chuỗi ngày phía trước, những vòng tay ấm áp của bà con xóm làng, mạnh thường quân sẽ giúp gia đình bà Gọn phần nào đó vơi bớt nhọc nhằn.

Nguồn: Khám phá vùng quê

THẢO ANH