Tham nhũng và thủy điện đều đáng lo

Google News

Đó là một trong những ý kiến đầy tâm huyết của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, khi ông suy tư về tình hình đất nước.

Đó là một trong những ý kiến đầy tâm huyết của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, khi ông suy tư về tình hình đất nước. Ông sắp bước vào tuổi 93.
Vợ chồng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và con trai - ông Lê Mạnh Hà, hiện là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Vợ chồng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và con trai - ông Lê Mạnh Hà, hiện là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Lắng nghe, đọc nhiều

Sắp đón sinh nhật lần thứ 93 của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, như thường lệ, chúng tôi đến thăm ông tại căn nhà số 5 Hoàng Diệu (Hà Nội).

Trò chuyện hỏi han trong chặng đường ngắn từ cổng lên lầu 1 (tầng 2) một chiến sĩ cần vụ cho biết: “Dạo này ông giảm cân nhưng như thế là tốt cho sức khỏe. Vẫn đọc sách báo và tập luyện đều. Ngày kia ông vào TP.HCM rồi. Hình như đến ngày sinh nhật (1/12), ông vẫn ở trong đó...”.

Ông ngồi bên chiếc bàn gỗ quen thuộc, bên cạnh là ấm trà mới pha và mấy cuốn sách (có cuốn về tác giả đoạt giải Nobel Vật lý được gập đánh dấu trang đang đọc dở).

Đúng là ông hơi gầy hơn so với năm ngoái nhưng trông vui vẻ và khỏe khoắn hơn nhiều so với hình dung của nhiều người về một “cụ già về hưu tuổi hơn 90”.

- Dạ, với tuổi 93, ông thấy thế nào?

- Tuổi 93 của tôi? Nghĩ và nghe nhiều. Nói khó, đi lại khó, ăn ít nhưng ngủ dễ, trí nhớ tốt và lúc nào cũng thấy thoải mái, tin tưởng. Sáng 6 giờ tôi dậy sớm tập thể dục, thời gian còn lại là nghe đài, đọc báo, đọc sách, xem ti vi.

Thỉnh thoảng tôi về thăm quê, thỉnh thoảng lại vào TP.HCM.

Không đủ thông tin, “phát biểu” e là không chuẩn

Năm nay, có rất nhiều sự kiện của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, ông quan tâm điều gì nhất ạ?

Tôi không quan tâm quá vào điều gì. Mình về hưu rồi, có những điều e là không đủ thông tin. Đã không đủ thông tin thì phát biểu không chuẩn được, phát biểu không chuẩn thì không có lợi, tốt nhất là lắng nghe.

Những bức xúc của dân khi bày tỏ với ông thì sao?

Tôi lắng nghe, không nói gì, vì nghĩ cũng chưa đủ thông tin.
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Khi có nghe những vấn đề bức xúc của xã hội qua đài, báo, ông có góp ý với lãnh đạo cao cấp hiện nay mà ông từng quen biết không?

Tôi chưa nói vì chưa đủ thông tin. (Nếu đủ thông tin thì việc đúng cũng nói, việc sai cũng nói, không ngại đâu). Muốn đủ thông tin thì phải nghe cho kỹ. Mà tôi bây giờ ở cái tuổi này rồi, không thể nghe hết được để đánh giá cho kỹ, cho sâu. Nói tóm lại là tôi chưa “phát biểu” gì hết. Niềm vui lớn nhất của tôi bây giờ là đọc sách, xem ti vi.

Theo dõi phiên chất vấn các thành viên chính phủ mới đây qua tivi, ông thấy trình độ của các Bộ trưởng thời nay so với thời ông đương chức thế nào ạ?

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của QH, được truyền hình trực tiếp sẽ thêm thông tin cho xã hội. Để so sánh bộ trưởng thời nay so với thời tôi hơn hay kém thì tôi không dám nói. Nhưng tôi thấy bây giờ học vấn của hầu hết bộ trưởng thời nay đều tốt hơn. Như thế cũng đúng quy luật. Học vấn của các bộ trưởng thời chúng tôi tuy không cao nhưng tấm lòng với dân với nước thì sâu nặng lắm.

Tham nhũng và thủy điện đều đáng lo

Dạ, thực ra thì dư luận cũng thấy trong năm nay, ông đã hơn một lần lên tiếng về vụ Tiên Lãng... Tại sao ông lại đặc biệt quan tâm đến vụ Tiên Lãng?

Vụ Tiên Lãng, tôi nghe nhiều qua báo chí. Theo những gì tôi nghe về vụ Tiên Lãng thì thấy nhiều chuyện chính quyền tại chỗ đối xử với dân như thế là không được. Lấy ruộng đất của dân không đúng luật là có tội. Vụ Tiên Lãng đặt ra vấn đề chính sách đất đai hiện nay cần phải xem lại.

Nhưng từ đó đến nay tôi không nói gì về vụ Tiên Lãng nữa.

Cách đây 15 năm, khi chuyển giao vị trí Chủ tịch nước, ông có bộc bạch: “Điều ân hận của tôi trong thời gian làm Chủ tịch nước là không đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng”. Và sau đó 8 năm, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông có nói: “Điều đáng lo ngại là tham nhũng đã trở thành hiện tượng phổ biến, khó giải quyết... Đối với tôi bây giờ, làm sao đẩy lùi được nạn tham nhũng vẫn là ước vọng nóng bỏng. Đối với các đồng chí đương chức, đó là công việc khó khăn. Họ muốn làm nhưng biện pháp chưa đồng bộ...”. Và tại thời điểm này, theo ông tham nhũng có còn là nỗi lo lắng lớn nhất của chúng ta?

Tham nhũng rất đáng lo ngại, là một trong vấn đề đáng lo nhất của đất nước hiện nay nhưng tôi thấy còn có những vấn đề cũng rất đáng lo.

Ví dụ như việc làm thủy điện hiện nay có những cái không được. Làm thủy điện phải làm cho kỹ. Làm thủy điện mà phá rừng nhiều quá thì tác động xấu đến môi trường và không an toàn.

Thủy điện Sông Tranh 2 đang gây tranh cãi. Tôi không đủ thông tin để có ý kiến sâu về vấn đề này nhưng theo tôi phải đặt tính mạng của người dân lên trên. Những lo lắng của người dân và dư luận về độ an toàn của đập là đúng.

Yêu nước ngày nay là phải đưa đất nước tiến lên bằng trí tuệ

Ở tuổi 93, ông có hay nhớ lại chuyện xưa? Chuyện gì làm ông nhớ nhất?

Tôi nhớ chuyện xưa. Cái nhớ nhất là dân ta trước kia - thời thực dân - khổ quá, nghèo đói và bị áp bức.

Tôi cũng nhớ những chuyến đi trên Tàu không số, nhớ hành quân trên đường Trường Sơn, 2.000 cây số đi bộ, đi ra tới miền Bắc rồi lại đi về miền Nam...

"Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc cùng ở cấp lãnh đạo đất nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm, một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước,... Công bằng mà đánh giá, không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh...."

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

(Trích bài viết Những kỷ niệm nhỏ về đồng chí Lê Đức Anh trong cuốn sách “Bảo vệ - xây dựng và đổi mới đất nước” NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2007).
Khi đọc những bài viết về một cuộc đời “Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước” của Đại tướng, nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh, nhìn lại những tấm ảnh thời còn là vị chỉ huy quân sự ở chiến trường miền Đông Nam bộ, ảnh Bộ trưởng Quốc phòng trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Hải quân năm 1988 gắn với lời thề bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tấm ảnh ở cương vị Chủ tịch nước; tấm ảnh Dự hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc năm 1995, chúng tôi phần nào hình dung ra được hành trình gian nan, quả cảm và sáng tạo của một vị tướng Cách mạng gắn với một giai đoạn đáng nhớ, đáng tự hào của lịch sử dân tộc. Và ông, ông có cảm giác thế nào khi là một cụ già về hưu ở tuổi 93, nhìn lại hành trình đó của mình? Nếu được làm lại, ông có điều gì khác đi không?

Không!

Tại sao ông lại ra Trường Sa vào đúng thời điểm đó? Cảm giác của ông thế nào khi nói lời thề bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1988?

Tôi ra Trường Sa đúng dịp kỷ niệm thành lập lực lượng hải quân và sau khi diễn ra sự kiện đụng độ ở đảo Gạc Ma với Trung Quốc. Lúc bấy giờ, tôi thấy cần thiết phải ra Trường Sa. Khi nói lời thề giữ gìn chủ quyền biển đảo ở Trường Sa, tôi đã nhìn thấy một đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh mà vẫn không trọn vẹn, Hoàng Sa bị lấy mất rồi....

Ông có tin thế hệ bây giờ sẽ giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ?

Tôi cũng có lo, nhưng tin là giữ được. Trước 1975 khi đánh Mỹ, cũng chỉ thiểu số người Việt đứng về phía bên kia. Sau 1975, đất nước giải phóng càng thấy dân ta rất yêu nước. Tinh thần yêu nước vẫn nung nấu trong mỗi người, khi có điều kiện thì bộc lộ ra.

Theo ông thời nay nên bộc lộ tinh thần yêu nước như thế nào cho phải?

Phải định hướng cho rõ. Xã hội không ngừng tiến lên bằng đầu óc, bằng trí tuệ. Tinh thần yêu nước cũng phải theo hướng đó.

Có một lần, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng khuyên một người làm báo trong một thời điểm khó khăn trong việc thông tin về chủ quyền biển đảo: “Làm báo, cháu phải nhớ, trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh. Cháu cứ tâm sự thêm với ông Sáu Nam (nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh) xem bác nói có đúng không?”.

Ở thời đại của ông, người làm báo yêu nước đã từng đồng hành với người chiến sĩ ở chiến trường. Còn thời nay, theo ông, thế nào là người làm báo yêu nước?

Nên phản ánh những điều tích cực của đất nước và những điều tốt đẹp của xã hội. Ngày nay, người làm báo phải nêu những gương tốt cho nhiều. Nên cố gắng tìm những điều tốt ngay ở những người còn có những điểm không tốt, ở đâu cũng thế.

Cuộc gặp đó (cuộc gặp của bà Nguyễn Thị Bình với tướng Lê Đức Anh, lúc đó là lãnh đạo mặt trận miền Đông ở chiến trường Nam bộ năm 1974-PV) gây cho tôi ấn tượng tốt đẹp về đồng chí Lê Đức Anh. Đồng chí là một tướng lĩnh vững vàng, quả cảm, tạo cho người ta niềm tin về chiến thắng.

...Tôi nghĩ cả cuộc đời đồng chí là trên trận mạc. Đồng chí đã từng ở những điểm nóng nhất của cuộc chiến. Đồng chí đã được tôi rèn trong môi trường đó và đã có những cống hiến xứng đáng cho đất nước.

...Trong nội bộ, thái độ của đồng chí Lê Đức Anh cũng rõ ràng, dứt khoát. Tôi nghĩ đồng chí vẫn giữ tác phong của người tướng lĩnh trên chiến trường, việc này không đơn giản vì có đụng chạm đến đồng chí này, đồng chí khác, nhưng khi đồng chí thấy cần làm, vẫn cương quyết làm.

Trong cuộc sống riêng tư, đồng chí vô cùng giản dị. Có lẽ, đến nay, đồng chí và gia đình vẫn sống “cuộc đời người lính”.

Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

(Trích bài viết Đồng chí Lê Đức Anh - một tướng lĩnh kiên cường, một đồng chí lãnh đạo khiêm tốn và nghiêm minh - Sách đã dẫn)

Theo Lương Thị Bích Ngọc - Phùng Nguyên
Báo Tiền phong
[links()]