Cuộc sống kỳ lạ của “Thần trinh nữ sống“

Google News

Người dân Nepal đều tôn kính Kumari (thần trinh nữ sống) vì cho rằng nhân vật này mang lại sự thịnh vượng và hòa bình cho đất nước.

Từ giã vai trò của một thần trinh nữ sống của TP Bhaktapur - Nepal, bé Junisha Shakya, vừa mừng sinh nhật thứ 10, mong trở lại cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, dành nhiều thời gian hơn cho việc học và hoạt động tại trường.
Trở lại đời thường
Được chọn làm Kumari của TP Bhaktapur năm 7 tuổi, bé Shakya hồi cuối tháng 3 vừa qua đã hoàn thành vai trò này sau một nghi thức truyền thống của người Newar. “Con thích khoảng thời gian được làm nữ thần và sẽ mãi mãi trân trọng 3 năm rưỡi đó. Con sẽ dành nhiều thời gian cho việc học và hoạt động ở trường” - Shakya, hiện là học sinh lớp 4 tại một ngôi trường ở TP Bhaktapur, nói với báo Kathmandu Post.
Cuoc song ky la cua “Than trinh nu song“
Cô Chanira Bajracharya bên cạnh những tấm hình chụp mình khi còn là một Kumari. Ảnh: South China Morning Post 
Trong thời gian này, gia đình Shakya đang cố gắng giúp em hòa nhập trở lại với cuộc sống theo cách dễ dàng nhất có thể. Ông Juju Ratna Shaky, cha của Shakya, chia sẻ: “Để trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian làm nữ thần, con bé cần thay đổi một số thứ và chúng tôi muốn mọi chuyện diễn ra trơn tru”.
Chanira Bajracharya, một cựu Kumari năm nay 19 tuổi, thừa nhận không dễ để hòa nhập cuộc sống mới sau khi đột ngột kết thúc vai trò này. Bajracharya trở thành Kumari của TP Patan lúc 5 tuổi và kết thúc cuộc sống đặc biệt này ngay khi bắt đầu dậy thì ở tuổi 15. “Khi ra khỏi nhà lần đầu tiên sau thời gian dài là một Kumari, tôi không biết phải bước đi như thế nào. Cha mẹ đã nắm tay và tập cho tôi cách đi lại” - Bajracharya, hiện là nữ sinh ngành kinh doanh tại Trường ĐH Kathmandu, nhớ lại.
Trong những năm làm Kumari, Bajracharya đều được gia sư dạy riêng tại nhà nên cô không khỏi sốc khi bắt đầu đến trường học với những đứa trẻ khác. Ngoài ra, Bajracharya còn cảm thấy mình “không còn được tôn trọng” khi các tín đồ không cúi đầu và chạm vào chân cô như từng làm trong nhiều năm.
Tuyển chọn gắt gao
Tại TP Bhaktapur, một quá trình công phu nhằm tuyển chọn người thay thế Shakya đã bắt đầu. Các ứng viên phải đáp ứng đủ phẩm chất của một Kumari, như có một cơ thể không tì vết cũng như chưa bao giờ bị thương và bệnh nặng. Bajracharya kể lại mình phải trải qua một vòng kiểm tra “32 đặc điểm” để bảo đảm có một cơ thể hoàn hảo trước khi trở thành Kumari.
Người dân Nepal, dù theo đạo Hindu hay đạo Phật, đều tôn kính Kumari vì cho rằng nhân vật này mang lại sự thịnh vượng và hòa bình. Gánh trên mình nhiệm vụ tâm linh thiêng liêng như thế, một Kumari phải hy sinh cuộc sống thường ngày của họ.
Chẳng hạn, theo báo Daily Mail (Anh), Kumari buộc phải rời xa gia đình đến ẩn cư trong đền thờ như một vị thần sống và chỉ có thể ra ngoài khi tham gia lễ hội hoặc các buổi thờ cúng. Trong những dịp này, chân của Kumari không được chạm đất. Họ cũng không được đến trường và không được phép nói chuyện với người khác, trừ người nhà và bạn bè thân thiết… Kumari chỉ được phép xuất hiện bên ngoài ngôi nhà hoặc đền thờ tối đa 13 lần mỗi năm.
Bà Shobha Bajracharya, mẹ của cựu Kumari tên Samita Bajracharya, chia sẻ: “Tôi vừa hạnh phúc vừa buồn. Tôi cảm thấy vui vì con gái trở thành Kumari nhưng sợ vì không chắc chúng tôi có thể làm đúng tất cả mọi quy tắc”. Có khá nhiều quy tắc cần tuân thủ. Ngoài những gì được nói đến ở trên, người mẹ này còn phải trang điểm cầu kỳ cho con gái.
Mời quý độc giả xem video Cô bé bị mắc chứng bệnh lạ:
Theo Người Lao Động