Án mạng ở ga tàu Thrissur
Ngày 02/02/2011, Soumya, 23 tuổi, một trong hàng ngàn người phụ nữ đang làm việc tại bang Kerala, Ấn Độ, bắt chuyến tàu từ Kochi để trở về nhà ở Shoranur. Soumya về quê một phần là để thăm gia đình, một phần là để gặp mặt vị hôn phu.
Kế hoạch là thế nhưng gia đình Soumya ở quê chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng cô con gái. Họ quyết định báo cảnh sát thì được biết Soumya đã biến mất khi chuyến tàu dừng ở thành phố Thrissur, tức là chỉ cách quê hương cô một trạm dừng.
Câu chuyện bi thảm xảy ra đối với Soumya sau đó được tiết lộ thông qua báo cáo của cảnh sát. Khi chuyến tàu di chuyển qua thành phố Thrissur và chuẩn bị vào ga, một người đàn ông cụt một tay, ăn mặc rách rưới như người ăn xin đột nhiên bước vào khoang dành riêng cho phụ nữ.
Khi ấy trong khoang chỉ có mình Soumya. Người đàn ông lạ mặt lao vào tấn công Soumya. Gặp phải sự chống cự từ cô gái, gã nổi cơn lôi đình, túm tóc Soumya và đập mạnh đầu cô vào tường rồi ném cô ra khỏi đoàn tàu đang từ từ rời ga.
Sau đó, gã cũng nhảy ra khỏi đoàn tàu và kéo cơ thể bê bết máu, sống dở chết dở của Soumya vào một bụi cây ven đường và hãm hiếp cô. Thỏa mãn thú tính xong, gã cụt tay lạnh lùng bỏ mặc Soumya ở bụi cây và rời đi. 5 ngày sau, Soumya qua đời vì vết thương quá nặng.
|
Nạn nhân Soumya. |
Nhân chứng tội lỗi
Sự việc có lẽ sẽ bị lãng quên giống như bao vụ án hiếp dâm và giết người khác ở Ấn Độ nếu như không có sự xuất hiện của người thứ ba.
Một ngày sau vụ án mạng, chuyện hi hữu xảy ra khi một vị mục sư cũng có mặt trên chuyến tàu ngày 02/02 ra trình diện cảnh sát để tố cáo về tội ác mình đã chứng kiến nhưng lại… không ngăn cản.
Vị mục sư này đã ở trong khoang bên cạnh khoang của Soumya. Nghe thấy tiếng kêu cứu của cô một cô gái, mục sư đã xin các hành khách khác cho phép ông được kéo phanh khẩn cấp để xem chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các hành khách, ngoại trừ một nam thanh niên trẻ, đều không đồng ý vì họ không muốn chuyến tàu bị chậm trễ.
Vị mục sư cùng các hành khách khác sau đó đã không làm gì nữa. Khi chuyến tàu dừng ở trạm kế tiếp, mục sư mở cửa khoang phụ nữ thì không thấy ai cả. Tuy vậy, ông vẫn quyết định xuống tàu và thông báo với chủ nhà ga cùng bảo vệ.
Sáng hôm sau, vị mục sư đọc được tin tức về vụ hiếp dâm và sát hại mà nạn nhân là một cô gái đi trên cùng chuyến tàu với ông trên báo chí. Ông đã không ngần ngại đi báo cảnh sát.
Vị mục sư cũng là nhân chứng duy nhất để ý một người đàn ông cụt tay, ăn mặc rách rưới, cố lách qua các hành khách khác để di chuyển đến khoang phụ nữ. Những lời khai chi tiết của ông đã giúp cảnh sát nhanh chóng tìm ra và bắt giữ nghi can giết người. Song, điều này cũng chẳng thể khiến mục sư cảm thấy bớt thống khổ và tội lỗi vì đã không quyết liệt ngăn chặn vụ án.
Ăn xin hay tội phạm?
Tháng 11/2011, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sát hại Soumya đã tuyên bị cáo Govindachami - sát nhân cụt tay - bản án tử hình. Tình hình tội phạm ở Kerala đang ở mức báo động trong nhiều năm trở lại đây nhưng trường hợp tàn bạo như hành động của Govindachami là khá hi hữu. Do đó, đa phần người dân ở bang Kerala đều ủng hộ phán quyết của tòa án sơ thẩm.
Ngay cả những nhà hoạt động vì tự do và nữ quyền ở Ấn Độ bình thường vốn phản đối án tử hình cũng ủng hộ việc dành hình phạt cao nhất cho Govindachami. K Ajitha - Chủ tịch Tổ chức phụ nữ Anweshi nói: “Nói chung, tôi không khuyến khích hình phạt tử hình nhưng riêng trường hợp này, tôi nhận thấy bản án của tòa là xác đáng. Chúng ta có thể thấy sự tàn ác và máu lạnh của hung thủ, khi nhẫn tâm cưỡng bức nạn nhân trong tình cảnh nửa sống, nửa chết.”
Vụ án này thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi sự xuất hiện của nhiều chi tiết kỳ lạ. Ban đầu, mọi người đều nghĩ Govindachami là một gã ăn xin nhưng sau đó lại rộ lên tin đồn, hắn là một thành viên băng đảng tội phạm có máu mặt.
Tin đồn xuất phát từ việc Govindachami được bào chữa bởi hai luật sư đến từ Mumbai, trong đó có luật sư cao cấp BA Aloor. Nếu Govindachami chỉ là một gã ăn xin bình thường thì hắn lấy đâu ra quan hệ và tiền để thuê một luật sư nổi tiếng như BA Aloor?
Trả lời phỏng vấn với báo chí, ông Aloor nói bóng gió rằng ông đã được một nhóm người ở Panvel thuê để bào chữa cho một vụ cướp. Nhóm người này sau đó cũng đã yêu cầu ông nhận vụ Govindachami.
Chi tiết kỳ lạ khác là sự xuất hiện của hai chuyên gia giám định pháp y đến từ Đại học y Thris-sur đều tự nhận mình là người duy nhất khám nghiệm tử thi Soumya và phủ định vai trò của người còn lại.
Thú vị là tuy tranh cãi về “công cán” của mình trong vụ điều tra nhưng cả hai chuyên gia đều khẳng định Soumya đã bị tấn công tình dục và tử vong vì chấn thương ở vùng đầu.
Sự phẫn nộ ngày càng được đẩy lên cao sau khi báo cáo khám nghiệm tử thi được công bố. Thật khó để phóng đại những tác động của vụ án đến cuộc sống của người dân bang Kerala.
Từ các tờ báo, tạp chí đến các trang blog, mạng xã hội đều không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào về vụ án sát hại Soumya, dù là nhỏ nhất. Hàng trăm người có mặt tại phiên tòa mỗi ngày để theo dõi cũng như mong chờ một bản án thích đáng cho kẻ thủ ác.
Chưa bao giờ người ta thấy dân chúng Ấn Độ lại quan tâm đến một vụ án đến thế và cũng chưa bao giờ người ta được chứng kiến những nghịch cảnh hy hữu đến thế tại phiên tòa. Tất cả như vỡ òa trong niềm sung sướng tột cùng khi thẩm phán tuyên án tử hình bị cáo Govindachami.
Dân chúng hò reo, chắp tay cảm tạ thánh thần vì đã để công lý được thực thi. Người dân đua nhau nhào đến ôm chầm lấy những viên cảnh sát, phát kẹo cho họ, choàng lên cổ họ những vòng hoa tươi thắm như thể hiện một sự biết ơn sâu sắc. Tất cả đều vui mừng vì một con người sắp chết.
Bình luận về sự việc này, Dileep Raj, một nhà vận động chống lại án tử hình tại Ấn Độ cho biết: “Bản án này một lần nữa xác nhận quyền được giết của Nhà nước. Việc Nhà nước giết người nguy hiểm hơn nhiều lần một cá nhân giết người. Bản án tử lần này thực ra không phải là sự trừng phạt. Nó chính là sự trả thù.”
Mời quý độc giả xem video:
Theo Báo Pháp Luật