Nạn nhân đầu tiên là Mari Konno, 4 tuổi; nạn nhân thứ hai là Masami Yoshizawa, 7 tuổi; nạn nhân thứ ba là Erika Namba, 4 tuổi. Các bé gái đều mất tích khi đang đi một mình trên đường và bị kẻ xấu dụ dỗ lên xe ô tô rồi đưa đi.
|
Sau hơn nửa năm mất tích, các nạn nhân được xác định là đã chết. Không chỉ vậy, thủ phạm còn táo tợn đến mức gửi thư thú tội thách thức cảnh sát.
|
Chuyện chưa kể về sát nhân Otaku
Ngày 12/12/1988, bé Erika Namba bị mất tích bí ẩn khi đang trên đường trở về từ nhà một người bạn. Kẻ bắt cóc đã dụ dỗ cô bé lên xe rồi đưa đến một bãi đỗ xe ở Nhà văn hóa thanh niên Naguri. Tại đây, cô bé đã bị kẻ bắt cóc ra tay sát hại. Kẻ bắt cóc bọc thi thể Erika trong một tấm vải và giấu trong cốp xe. Quần áo của nạn nhân bị vứt tại khu rừng phía sau bãi đỗ xe.
Sau đó, hắn lái xe chở cái xác đi phi tang thì bất ngờ xe bị lọt hố và mắc kẹt giữa đường. Kẻ bắt cóc không còn cách nào khác là tự mình bế cái xác vào sâu trong rừng phi tang. Trở ra với tấm vải nhàu nát trên tay, kẻ bắt cóc gặp phải tình huống bất ngờ…
Thi thể của Erika
Ngày 13/12, một công nhân làm việc tại Nhà văn hóa thanh niên Naguri sau khi tìm thấy một số quần áo của Erika đã gọi điện báo cho cảnh sát. Cơ quan chức năng tức tốc đến phong tỏa hiện trường và tìm kiếm Erika. Sau một ngày tìm kiếm, rốt cuộc họ cũng thấy thi thể cô bé trong tình trạng tay và chân bị trói bằng dây ni-lông. Đây là nạn nhân đầu tiên trong số 3 em bé bị mất tích được xác định là đã chết.
Hiện trường vụ án nằm cách nhà nạn nhân khoảng 50km, mất khoảng 45 phút nếu di chuyển bằng ô tô. 500 cảnh sát chống bạo động được huy động để lục tung cánh rừng nơi tìm thấy xác Erika nhưng không có thêm manh mối gì.
Cảnh sát đành tìm nhân chứng bằng cách công khai thông tin về vụ sát hại Erika lên các phương tiện truyền thông. Đúng như mong đợi, có hai nhân chứng tìm đến cảnh sát để cung cấp lời khai. Hai nhân chứng này không ai khác chính là hai người đàn ông đã vô tình giúp chiếc xe của kẻ bắt cóc chạy thoát.
Hai nhân chứng khai rằng họ đã bắt gặp một chiếc Toyota Corolla II lọt hố ở con đường mòn gần hiện trường vụ án giết Erika. Chủ nhân của chiếc xe là một người đàn ông khoảng gần 40 tuổi, lúc ấy đang đi từ trong rừng ra với một tấm vải trên tay. Hai nhân chứng đã giúp người đàn ông nọ giải cứu chiếc xe mắc kẹt nhưng ông ta vội vã phóng xe đi mà không thèm cảm ơn.
Cảnh sát đã tiến hành rà soát hơn 6.000 chiếc Corolla II nhưng không tìm ra đối tượng nào khả nghi. Sau này, họ mới biết lời khai của hai nhân chứng đã có đôi chút nhầm lẫn, khiến toàn bộ quá trình điều tra đi sai hướng.
Một tuần sau khi Erika bị sát hại, bố của cô bé - ông Shinichi Namba - nhận được một tấm bưu thiếp, bên trong là những ký tự được cắt từ báo và tạp chí ghép lại thành nội dung: “Eriki. Lạnh. Ho. Cổ họng. Yên nghỉ. Chết.”
Trong khi vụ án Erika đang có thêm các manh mối mới thì hai vụ bắt cóc Mari và Masami vẫn chưa đi đến đâu. Sự bất lực của cảnh sát càng khiến các bậc phụ huynh ở tỉnh Saitama hoang mang, lo lắng cho sự an toàn của con mình. Rõ ràng, sự lo lắng của họ là hoàn toàn có cơ sở khi mà kẻ sát nhân vẫn chưa dừng tay.
Chiếc hộp đựng hài cốt
Mùa hè năm 1989, vào khoảng 6h sáng ngày 6/2, ông Shigeo Konno - cha của nạn nhân Mari Konno, tìm thấy một chiếc hộp ở bậc thềm trước cửa và gọi cảnh sát đến mở chiếc hộp. Bên trong chiếc hộp không đề người gửi là một đám tro, bụi, nhiều mảnh xương, 10 chiếc răng sữa và những tấm ảnh chụp chiếc quần soóc trẻ em, quần lót, dép xăng đan. Ngoài ra, bên trong chiếc hộp còn có một mảnh giấy chứa 5 từ: “Mari. Xương. Hỏa táng. Điều tra. Chứng minh”.
10 chiếc răng trong chiếc hộp ngay lập tức được chuyển cho bộ phận pháp y của Đại học Nha khoa Tokyo giám định. Tuy nhiên, tiến sĩ Kazuo Suzuki lại kết luận chúng có lẽ không phải của Mari. 220 gram xương tìm thấy trong chiếc hộp cũng được các chuyên gia pháp y của cảnh sát mang đi xét nghiệm. Kết quả cuối cùng cho thấy, những mảnh xương đều là của Mari Konno. Vậy là sau hơn nửa năm mất tích, Mari Konno được xác định là đã chết.
Trong lúc này, kẻ bắt cóc đang say sưa theo dõi bản tin nói về vụ án trên ti vi. Khi biết được cảnh sát kết luận 10 chiếc răng không phải của Mari, kẻ bắt cóc quyết định sẽ viết thư, gửi cho cơ quan điều tra.
Ngày 11/2, một lá thư dài 3 trang được gửi đến nhà Konno. Tờ nhật báo Asahi Shimbun cũng nhận được một bản sao lá thư cùng một tấm ảnh chụp nạn nhân Mari. Bức thư có tựa đề “Lời thú nhận của tội phạm” và ký tên “Yuko Imada” (Tạm dịch là “Giờ tôi sẽ nói ra”). Lá thư mở đầu bằng câu: “Tôi đã đặt chiếc hộp chứa hài cốt của Mari ngay trước cửa nhà cô ấy”.
Lá thư tiếp tục bằng lời thú tội: “Tôi đã làm tất cả. Từ đầu cho đến cuối vụ sát hại Mari. Trả lời phỏng vấn trước ống kính, mẹ Mari nói rằng kết luận của vị tiến sĩ về những chiếc răng mang đến cho bà ấy niềm hy vọng rằng con gái bà ta còn sống. Biết được điều đó nên tôi phải viết bức thư này để giúp mẹ của Mari không phải tiếp tục chờ đợi trong vô vọng. Tôi xin nhắc lại: Tất cả những phần hài cốt đó đều là của Mari”.
Ngay khi vừa được công bố, bức thư thú tội đã gây chấn động dư luận. Các chuyên gia về chữ viết tay được mời vào cuộc để thẩm định chữ viết trong bức thư nhưng họ không thể xác định được giới tính của người viết. Bức thư được photo thành nửa triệu bản và gửi tới các gia đình ở gần nhà Konno.
Gia đình Konno đã phải chờ 3 tuần để cảnh sát chính thức công bố hài cốt bên trong chiếc hộp chính là của con gái họ. Chiếc hộp chứa gần như toàn bộ phần xương của một bé gái 4-5 tuổi, và 2 trong số 10 chiếc răng trong hộp trùng khớp 100% với phim chụp X-quang xương răng của Mari. Ngày 11/3/1989, hơn 7 tháng sau khi mất tích, Mari mới thực sự yên nghỉ. “Khi con bé lên thiêng đàng, nó sẽ không thể đi lại hay ăn uống. Xin hãy trả lại phần thi hài còn lại của con bé” - Shigeo Konno nói.
Thế nhưng, cơn ác mộng vẫn chưa kết thúc.
(Còn tiếp…)
Theo Pháp Luật Việt Nam