Theo các cuộc khảo sát điều tra của Liên hợp quốc, sản lượng thuốc phiện ở Myanmar tính đến hiện nay đã gấp 3 kể từ năm 2006. Thuốc phiện Myanmar được đánh giá có chất lượng vượt trội và giá rẻ, đặc biệt là cho thị trường Trung Quốc đại lục. Cho đến những năm 1980, Myanmar vẫn là nước cung cấp bạch phiến lớn nhất thế giới. Sau đó sản phẩm của Afghanistan phát triển mạnh, đánh bật vị thế của Myanmar. Tuy nhiên, những nỗ lực siết chặt hoạt động trồng cây anh túc tại vùng “Tam giác vàng” đã không thể ngăn những cánh đồng anh túc tái xuất và nở rộ tại vùng núi phía nam - lãnh địa của các đội quân và tay súng dân tộc thiểu số.
|
Những cánh đồng anh túc ở khu vực "Tam giác vàng" thuộc Myanmar trải dài nối tiếp nhau từ thung lũng này qua thung lũng khác. |
Bang Laem - nơi tọa lạc dãy núi cao được mệnh danh là “vùng đen” thuộc quyền kiểm soát của nhóm quân nổi dậy - là đầu mối sản xuất thuốc phiện khét tiếng trong khu vực. Chính quyền Myanmar cho biết rất khó để có thể đột nhập vào trung tâm sản xuất ma túy có máu mặt này. Thậm chí vào đầu tháng 12 năm ngoái, một cảnh sát đã bị bắn chết trong cuộc đụng độ với nhóm phiến quân kiểm soát khu vực.
Với việc trồng cây anh túc mang lại lợi nhuận cao, nhiều nông dân từ các nơi khác ở Myanmar đã đổ dồn về khu vực bất ổn phía nam bất chấp các cuộc xung đột diễn ra liên miên giữa phe nổi dậy và quân đội chính phủ. Họ tham gia trồng và thu hoạch anh túc, vì thấy rằng đây là một loại cây dễ trồng và cho năng suất cao. Chỉ mất 4 tháng từ lúc gieo hạt, người dân có thể thu hoạch lượng hoa anh túc chất đầy một túi gối mà dễ dàng có tiền tiêu dùng cả năm.
Trồng anh túc là trái phép tại Myanmar nhưng những người nông dân tại vùng đất khô cằn và nghèo nàn này cho biết họ có rất ít sự lựa chọn. Anh Sang Phae, 36 tuổi giãi bày “Chúng tôi không muốn trồng anh túc cả đời. Tất nhiên chúng tôi biết ma túy phá hủy xã hội, và những nước khác đều lên tiếng phản đối chúng. Nhưng chúng tôi không có cách nào khác”.
Tom Kramer - một chuyên gia theo dõi tình trạng ma túy tại Netherlands cho biết “Đối với nhiều người tại Myanmar, anh túc không phải là vấn đề, mà là giải pháp, chúng cho người dân thu nhập để mua muối, gạo, thuốc men và các vật dụng thiết yếu khác”.
Bên cạnh đó, người dân ở đây cho biết họ cảm thấy “mắc kẹt” trong nền kinh tế thuốc phiện. Họ thường xuyên phải đối mặt với những luật lệ nguy hiểm của thế giới ngầm, bao gồm cả việc bị ép giá dưới họng súng vô tình từ những kẻ môi giới.
Để cải thiện tình hình, Liên hợp quốc đã thuyết phục nhiều gia đình Myanmar chuyển sang trồng cây cà phê thay thế. Nông dân cho biết họ sẵn sàng trồng cà phê - loại cây phải mất 3 năm mới thu hoạch được hạt, nhưng chắc chắn hiện giờ họ vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn vườn anh túc. Cô Nang Wan, 23 tuổi, bày tỏ: “Tôi rất muốn ngừng trồng anh túc nhưng nếu chỉ trồng cà phê, gia đình chúng tôi sẽ chết đói”.
Theo Báo Tin tức