Nhân lực y tế mỏng, bệnh nhân tầng 3 quá tải do phân tầng điều trị chưa thích hợp
Theo báo cáo của Sở Y tế và các chuyên gia của BV Bạch Mai hiện đang hỗ trợ An Giang chống dịch, hiện tại các các giường ICU điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của BVĐK An Giang, BVĐK Tân Châu, BVĐK Châu Đốc đang bị quá tải.
TS Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc TT Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai), Trưởng đoàn công tác tại An Giang cho biết, trong ngày hôm qua (9/12), BVĐK An Giang tiếp nhận 45 bệnh nhân COVID-19 nhưng trong đó rất ít bệnh nhân nặng, phần lớn là bệnh nhân triệu chứng nhẹ (tầng 1, 2).
BVĐK An Giang được phân tầng điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch (tầng 3) nhưng nhiều bệnh nhân triệu chứng nhẹ và trung bình cũng chuyển tuyến lên Trung tâm ICU khiến trung tâm bị quá tải.
Tại BVĐK Tân Châu và BVĐK Châu Đốc cũng ở tình trạng cũng tương tự. BVĐK Châu Đốc được giao chỉ tiêu 50 giường ICU tuy nhiên hiện đang điều trị cho 92 bệnh nhân.
BVĐK Tân Châu được giao chỉ tiêu 100 giường điều trị người bệnh COVID, trong đó có 30 giường ICU tuy nhiên số bệnh nhân tính đến ngày hôm qua đã là 120 bệnh nhân.
Nguyên nhân là do số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày và việc phân tầng bệnh nhân tại cơ sở chưa chính xác gây nên tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Không những tình trạng quá tải bệnh nhân tại các Trung tâm ICU, mà nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 3 cũng thiếu trầm trọng.
Theo TS Dũng, hiện một tua trực chỉ có 4-5 bác sĩ, trong đó chỉ có 1 bác sĩ cấp cứu mà phải chăm sóc 100 bệnh nhân, "là quá tải với thầy thuốc", TS Dũng lo lắng!.
Bên cạnh đó công tác khử khuẩn còn chưa đảm bảo, nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế cao. Các thuốc điều trị cũng thiếu nhiều…
BV Bạch Mai có buổi giao ban trực tuyến đầu tiên với ngành y tế An Giang về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại địa phương này.
Cần quyết liệt hơn trong phân tầng điều trị
Sau khi nghe báo cáo từ đầu cầu An Giang, các chuyên gia đầu ngành của BV Bạch Mai dựa trên kinh nghiệm qua nhiều lần "chinh chiến" tại "chiến trường COVID" trong cả nước đã đưa ra nhiều góp ý quý báu, xác đáng cho địa phương.
PGS. TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc Phụ trách quản lý và điều hành BV Bạch Mai, ngành y tế An Giang cần nhanh chóng và quyết liệt hơn trong phân tầng bệnh nhân COVID-19, tuyệt đối không để bệnh nhân tầng 1, 2 nằm chung khu vực với bệnh nhân tầng 3.
BVĐK An Giang phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân nhẹ, trung bình về các cơ sở thu dung tuyến dưới.
Theo PGS Cơ, trong khi lực lượng nhân viên y tế tại tầng 3 mỏng, nếu để bệnh nhân triệu chứng nhẹ nằm chung khu vực điều trị với bệnh nhân nặng (tầng 3), công tác thực hiện chuyên môn như đặt nội khí quản cho bệnh nhân mà thiếu sự theo dõi của nhân viên y tế rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong sẽ cao, "An Giang cần phải giải quyết dứt điểm vấn đề này", PGS Cơ yêu cầu.
Phân tích của PGS. TS Nguyễn Văn Chi - Giám đốc TT Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) việc phân tầng đúng, giúp tập trung các chuyên gia và nguồn lực vào khu vực tầng 3, các tầng khác có thể bố trí hợp lý hơn.
Với tầng 2 cần tập trung nhiều hơn vào những bệnh nhân có bệnh lý nền (béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp…)..
Sở Y tế An Giang cần nhanh chóng trang bị các thiết bị, lượng thuốc men còn thiếu cho các cơ sở y tế bởi khi số lượng bệnh nhân thở máy tăng lên thì các loại thuốc như kháng sinh, an thần, giãn cơ… tiêu thụ càng nhiều.
Với nhân lực còn thiếu, các chuyên gia BV Bạch Mai đề nghị An Giang cần tập trung các điều dưỡng vào các khu vực điều trị tầng 3, khu vực tầng 1, 2 có thể huy động lực lượng sinh viên trường Cao đẳng Y tế An Giang tham gia hỗ trợ.
Mỗi huyện nên cử một kíp nhân viên về các Trung tâm hồi sức để các bác sĩ BV Bạch Mai cầm tay chỉ việc, qua việc đào tạo này, đây sẽ là lực lượng tinh nhuệ, nòng cốt để điều trị bệnh nhân COVID sau này.
Đồng thời ngành y tế An Giang cần mở nhanh các lớp đào tạo ngắn hạn cho các bác sĩ, điều dưỡng để tiếp cận sớm các biện pháp kỹ thuật cơ bản cấp cứu chữa trị cho bệnh nhân.
Trong đó cần mở ngay một lớp đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế.
Cũng qua buổi giao ban các chuyên gia BV Bạch Mai đề xuất tỉnh An Giang không nên xây mới một Trung tâm ICU trên bãi đất trống mà nên tận dụng những giường bệnh có sẵn trong các cơ sở y tế đưa thêm nhân lực, hệ thống khí vào là có thể sử dụng, tránh gây lãng phí, tốn kém.
An Giang có tỷ lệ tiêm vaccine cao, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do COVID-19 còn cao (2,15%), đa số ca tử vong đều ở bệnh nhân chưa tiêm vaccine COVID-19, do vậy ngành y tế cần "gõ cửa từng nhà" để tiêm vaccine cho những đối tượng chưa tiêm chủng.
PGS Đào Xuân Cơ - PGĐ phụ trách quản lý, điều hành BV Bạch Mai yêu cầu, các bác sĩ cần thường xuyên đi xuống các cơ sở hướng dẫn nhân viên y tế tuyến cơ sở cách phân tầng bệnh nhân COVID-19 để khi phát hiện người bệnh có hướng giải quyết phân tầng đúng, tránh gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Thầy thuốc BV Bạch Mai luôn sát cánh với người dân
Về phía các chuyên gia tại BV Bạch Mai đang hỗ trợ An Giang, PGS.TS Đào Xuân Cơ yêu cầu, các thầy thuốc cần thường xuyên đi xuống các cơ sở hướng dẫn nhân viên y tế tuyến dưới cách phân tầng bệnh nhân COVID-19, để khi phát hiện người bệnh có hướng giải quyết phân tầng đúng, tránh gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Đồng thời cũng nhanh chóng kịp thời phát hiện những bệnh nhân nặng để chuyển tuyến, kịp thời cứu chữa bệnh nhân.
Bên cạnh đó cần thường xuyên hội chẩn trực tuyến với các tuyến dưới về các ca bệnh nặng, nguy kịch để có hướng xử trí kịp thời.
"BV Bạch Mai đã trải qua nhiều chiến trường chống dịch, có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó, các chuyên gia đã truyền lại các kinh nghiệm thu lượm được trong quá trình công tác, mong rằng ngành y tế An Giang sẽ áp dụng những bài học quý giá này. Chúng tôi luôn sát cánh cùng nhân dân và ngành y tế tỉnh". PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Theo Ngọc Anh/SK&ĐS