Không phải ngẫu nhiên mà bàn chân được ví như trái tim thứ hai. Đừng chủ quan nếu bàn chân xuất hiện những dấu hiệu sau đây.
1. Chuột rút thường xuyên
Chuột rút xảy ra khi cơ căng đột ngột hoặc bị mất nước. Bạn có thể uốn cong, xoa bóp chân để các cơ thư giãn hoặc chườm khăn lạnh vào vùng bị chuột rút hoặc uống sữa nóng trước khi ngủ. Nhưng nếu hiện tượng này thường xuyên xảy ra, rất có thể bạn đang bị thiếu magie, canxi, kali.... Hãy bổ sung thêm nhiều thực phẩm như trứng, sữa, thịt đỏ...để cơ thể có đủ dinh dưỡng nhé.
2. Bàn chân lạnh
Bàn chân thường xuyên lạnh có thể do cơ thể thiếu máu hoặc suy tuyến giáp. Bộ phận này có vai trò điều tiết nhiệt độ cơ thể và sự trao đổi chất. Vì vậy, sự suy giảm chức năng hệ tuần hoàn hoặc tuyến giáp khiến máu ít lưu thông tới bàn chân so với các bộ phận cơ thể khác. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm, massage chân và giữ ấm chân vào mùa đông.
3. Sưng, đau và đỏ ngón chân
Sự tích tụ các tinh thể acid uric trong ngón chân có thể gây đau, sưng và đỏ. Điều này xảy ra do hàm lượng acid uric trong máu cao và trong y học, tình trạng này được gọi là bệnh gout. Tuy nhiên, viêm khớp và nhiễm trùng cũng có thể dẫn tới sưng đau ngón chân.
4. Ngón chân có màu bất thường
Đây là bệnh Raynaud khiến các ngón chân chuyển sang màu trắng, sau đó hơi xanh, và quay trở lại đỏ. Thực chất nó là một loại bệnh về mạch máu, khi người bệnh tiếp xúc với môi trường lạnh, các mạch máu ở đầu ngón tay, ngón chân sẽ co thắt lại gây tím tái. Những thay đổi về nhiệt độ hay căng thẳng có thể kích hoạt căn bệnh này. Ngoài ra đây cũng là triệu chứng của chứng viêm khớp dạng thấp, hay bệnh về tuyến giáp.
Ngoài ra, bệnh do nhiễm nấm thường làm dày móng chân và có màu vàng. Đây cũng là một dấu hiệu của một số căn bệnh liên quan đến hệ thống bạch huyết, bệnh phổi, bệnh vẩy nến, hoặc viêm khớp dạng thấp. Hãy đến bệnh viện để được thăm khám cụ thể.
5. Viêm loét ở bàn chân
Nếu bàn chân bạn xuất hiện các nốt mẩn đỏ, và viêm loét và chúng rất lâu lành, bạn nên đi kiểm tra đường huyết để xác định tình trạng sức khỏe. Viêm da, mẩn đỏ và thường xuyên tê chân là dấu hiệu của mạch máu ngoại biên. Lập tức điều trị những chỗ viêm loét và kiểm tra bệnh tiểu đường.
6. Ngón chân hơi lõm, có vết lõm hình thìa
Đây là biểu hiện của bệnh thiếu máu. Do không đủ huyết sắc tố (một loại protein giàu chất sắt tồn tại trong tế bào máu để vận chuyển oxy) gây ra. Xuất huyết trong cơ thể (như loét) hoặc kinh nguyệt bất thường nghiêm trọng cũng dẫn tới tình trạng thiếu máu. Có thể chẩn đoán bệnh thiếu máu bằng cách xét nghiệm máu.
7. Đau gót chân
Nguyên nhân phổ biến nhất của đau gót chân là do viêm màng gân lòng bàn chân. Cơn đau rõ nhất khi bạn lần đầu tiên thức dậy và gây áp lực lên chân. Viêm khớp do vận động quá sức, và không vừa giày có thể gây đau gót chân. Nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm nhiễm trùng xương, khối u, hoặc gãy xương.
8. Chân đau khó đi bộ
Nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng này là xương thiếu dưỡng chất, vitamin D và canxi. Bạn nên tập luyện thường xuyên và ăn uống đủ chất.
9. Thay đổi hình dạng ngón chân
Nếu có sự thay đổi về hình dạng ngón chân và móng chân bị cong, bạn cần kiểm tra sức khỏe tim và phổi. Tình trạng này xuất hiện là do thiếu oxy trong máu. Nó có thể kết hợp với các triệu chứng khác như rối loạn hô hấp, thay đổi nhịp tim. Những thay đổi ở móng chân có thể do bệnh Crohn. Nên đi thăm khám để xác định nguyên nhân chính xác.
10. Rụng lông ngón chân
Rụng lông ngón chân đột ngột có thể là dấu hiệu mức độ lưu thông máu giảm, dẫn đến rụng lông. Tình trạng này có thể gây ra các bệnh tim mạch, xảy ra do hàm lượng cholesterol cao, gây cứng và hẹp mạch máu. Kết quả là làm giảm bơm máu từ tim tới các chi, khiến rụng lông ngón chân, và cảm giác không có mạch ở bàn chân. Nên đến bác sĩ kiểm tra xung động ở chân để xem tim có bơm đủ máu đến chân không.
Theo Uyên/VTC