Các biến thể ở nước ta gồm: Biến chủng D614G từ châu Âu (trong đợt dịch xảy ra tại Đà Nẵng). Trong đợt dịch từ ngày 25/1 đến nay, nước ta ghi nhận thêm 3 biến chủng gồm: B.1.1.7 Anh (tại ổ dịch Hải Dương) và A.23.1 xuất hiện tại Rwanda, châu Phi (tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh). Trong đó biến chủng Anh B.1.1.7 ở Hải Dương được xác định có khả năng lây lan nhanh hơn 70% so với chủng cũ.
4 biến thể virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam nguy hiểm ra sao?
Biến chủng B.1.1.7
Biến thể virus SARS-CoV-2 ở ổ dịch Hải Dương có tên là B.1.1.7. Hiện, biến thể này đã xuất hiện tại hơn 60 quốc gia, trong đó có Mỹ. Theo dự báo, nó có thể trở thành biến thể phổ biến nhất tại Mỹ vào giữa tháng 3 năm nay. Giới chức Anh cho biết, B.1.1.7 ngoài việc dễ lây lan, còn có khả năng gây ra nhiều ca tử vong hơn.
Các kết quả giải trình tự gene trên một số bệnh nhân COVID-19 ở Hải Dương, Hải Phòng và TP HCM cũng cho thấy nhiều người nhiễm biến chủng virus mới này.
Biến chủng B.1.1.7 từng được giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo có khả năng lây nhiễm cao hơn 30-50%. Gần đây, giới nghiên cứu tại Anh kết luận biến chủng này có thể gây tử vong cao hơn 30-70%.
Biến chủng A.23.1
Đây là biến chủng virus mới nhất mà Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) phát hiện sau khi giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của các công nhân bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Chủng A.23.1 được ghi nhận lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi và chưa từng xuất hiện tại Đông Nam Á trước đó. Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á ghi nhận bệnh nhân nhiễm biến chủng này.
Bản thân biến chủng A.23.1 vẫn là bí ẩn với giới khoa học toàn cầu. Tại Uganda, số người nhiễm biến chủng A.23.1 tăng đột biến. Giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo về làn sóng COVID-19 có thể đang âm thầm phát triển vì chủng này.
Nhà nghiên cứu Daniel Lule Bugembe, thuộc Trung tâm Nghiên cứu MRC/UVRI & LSHTM của Uganda và cộng sự phát hiện biến chủng A.23.1 chứa một số đột biến tương đồng với chủng B117 của Anh. Đó là P681H và E484K. Trong đó, nhờ đột biến P681H, A.23.1 có cơ chế hoạt động tương tự biến chủng virus của Anh.
Trong khi đó, đột biến E484K đã từng được cảnh báo có thể kháng vaccine. Nó cũng đã xuất hiện trong biến chủng từ Nam Phi.
Biến chủng B1351
|
Thử nghiệm mới nhất cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc-xin do Mỹ sản xuất là Novavax với chủng B1351 ở Nam Phi chỉ còn 60%, trong khi hiệu quả với các chủng khác là 90%. Ảnh minh họa. |
Biến chủng này lần đầu tiên được ghi nhận tại Nam Phi và đang là chủng được các chuyên gia y tế đặc biệt quan tâm. Nghiên cứu gần đây cho thấy biến chủng này có khả năng trốn thoát trước kháng thể trong huyết tương của những người mắc COVID-19 trong đợt lây nhiễm đầu tiên. Điều này khiến cho các nhà khoa học lo ngại rằng các loại vaccine hiện tại sẽ kém hiệu quả hơn.
Carolyn Williamson, người đứng đầu bộ phận virus học tại Đại học Cape Town, Nam Phi, cho biết cô cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra 8 đột biến đặc biệt ở biến chủng này. Trong đó, 3 đột biến được cho là góp phần tăng khả năng lây nhiễm của virus.
B1351 còn chứa đột biến E484K. Một nghiên cứu cho rằng E484K có thể làm giảm 10 lần hiệu quả của một số kháng thể. Thử nghiệm mới nhất cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc-xin do Mỹ sản xuất là Novavax với chủng B1351 ở Nam Phi chỉ còn 60%, trong khi hiệu quả với các chủng khác là 90%.
Biến chủng D614G
Ở đợt dịch ở Đà Nẵng, khởi phát hồi cuối tháng 7/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thời điểm đó cho biết, biến chủng nCoV phát hiện ở Đà Nẵng tương tự với các chủng đang lưu hành ở nhiều quốc gia. Đó là D614G – một biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực của châu Á, có khả năng lây nhiễm cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, theo ông Paul Tambyah, Giám Đốc Hiệp hội về các bệnh truyền nhiễm quốc tế, biến chủng này có thể ít gây tử vong hơn.
GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam hồi tháng 8/2020 cho biết, biến thể D614G (chủng G) có khả năng cảm nhiễm cao, dẫn tới hệ số lây nhiễm tại Đà Nẵng cao, ở mức 5 - 6 (một người mắc có thể lây cho 5 - 6 người), trong khi giai đoạn trước, hệ số này chỉ là 1,8 - 2,2. Tuy nhiên, dù biến thể virus D614G lây lan nhanh nhưng độc lực không thay đổi.