4 lầm tưởng về vaccine COVID-19 cho trẻ

Google News

Vaccine COVID-19 cho trẻ em đã được phê duyệt ở nhiều nước trên thế giới. Song, không phải tất cả trẻ đều được tiêm ngay.

Vaccine COVID-19 cho trẻ em đang là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Mỹ là quốc gia mới nhất phê duyệt tiêm Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi, bên cạnh nhóm trẻ từ 12 tuổi trở lên. Đây cũng là vaccine COVID-19 đang được Bộ Y tế chấp thuận tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi.

Dưới đây là những lầm tưởng và sự thật về vaccine COVID-19 cho trẻ em.

Tiêm vaccine COVID-19 là tiêm virus vào người trẻ?

Hiện nay, các hãng dược phát triển vaccine COVID-19 dựa trên nhiều công nghệ như virus bất hoạt, mRNA… Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), không có bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào được cấp phép có chứa virus sóng gây bệnh. Điều đó đồng nghĩa vaccine COVID-19 không thể khiến người được tiêm nhiễm nCoV.

Với vaccine Pfizer, công nghệ mà nhà sản xuất sử dụng là mRNA. SARS-CoV-2 mang theo các protein cho phép nó xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Những protein này - được biết đến với tên gai protein - là đối tượng nghiên cứu trong sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Pfizer dạy các tế bào cơ thể người cách tạo ra protein kích hoạt miễn dịch bên trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch sẽ tạo kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu nCoV thực sự xâm nhập. Sau một thời gian, cơ thể đã học được cách bảo vệ chống lại lây nhiễm nCoV trong tương lai.

4 lam tuong ve vaccine COVID-19 cho tre

Tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh huyện Củ Chi, TP.HCM vào cuối tháng 10. Ảnh: Duy Hiệu.

Vaccine COVID-19 gây biến đổi gene ở trẻ?

Trước câu hỏi một số gia đình lo ngại ảnh hưởng lâu dài, biến đổi gene khi trẻ tiêm chủng, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế khẳng định loại vaccine đang sử dụng có thành phần mRNA của hai nhà sản xuất Pfizer hoặc Moderna. Thành phần này không có tương tác với ADN của con người nên sẽ không có nguy cơ gây biến đổi gene, không gây ảnh hưởng lâu dài hay gây ung thư, rối loạn, vô sinh…

“Đến nay, chúng tôi chưa nhìn thấy mối liên quan giữa các vấn đề mà phụ huynh đang lo lắng với vaccine được sử dụng để tiêm cho trẻ”, bà Hồng nhấn mạnh. Trên thế giới, Pfizer và Moderna đã được 36 quốc gia tại châu Âu, Á sử dụng để tiêm cho trẻ em.

Vị chuyên gia của Bộ Y tế cũng khẳng định không có vaccine COVID-19 nào đảm bảo 100% người tiêm sẽ không mắc bệnh. Dù được tiêm đủ liều, chúng ta vẫn có nguy cơ lây nhiễm, song, tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong sẽ giảm đi rất nhiều. Với trẻ em cũng không ngoại lệ, do đó, bà Hồng nhấn mạnh phụ huynh nên cho trẻ tiêm càng sớm càng tốt, giảm thiểu mức thấp nhất bị bệnh nặng, tử vong.

Trẻ tiêm vaccine COVID-19 dễ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng?

Ở một số nước đã tiêm chủng cho trẻ, phản ứng rất hiếm gặp không mong muốn đã được ghi nhận là viêm cơ tim. Sau tiêm Pfizer hoặc Moderna, việc hoạt động mạnh có thể tăng thêm áp lực cho tim, khiến biểu hiện viêm cơ tim có thể trầm trọng hơn. Số liệu thống kê cho thấy sau tiêm vaccine mRNA, nguy cơ viêm cơ tim cao hơn, tỷ lệ gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái, gấp 6-10 lần tùy từng quốc gia. Số liệu này vẫn tiếp tục được theo dõi.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo sau 3 ngày đầu tiêm chủng, phụ huynh không nên cho trẻ hoạt động thể thao quá mức. Các chuyên gia cũng xây dựng phác đồ xử trí khi gặp tác dụng phụ hiếm gặp và sẽ thông báo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tỷ lệ gặp tác dụng phụ viêm cơ tim sau tiêm vaccine COVID-19 rất hiếm và chưa từng ghi nhận ca tử vong sau tiêm.

Vaccine dạy cho hệ miễn dịch cách nhận biết và chiến đấu với SARS-CoV-2. Quá trình này có thể gây ra một số tác dụng phụ như sốt, đau mỏi cơ thể, ớn lạnh, đau cơ. Những triệu chứng này là hoàn toàn bình thường và cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch chống lại nCoV. Các phản ứng phụ sẽ hết sau 1-3 ngày.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, với tình trạng sốt cao (trên 38,5 độ C), uống thuốc hạ sốt nhưng đáp ứng kém trong 4-6 tiếng, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, nếu trẻ sốt đồng thời xuất hiện một số triệu chứng như đánh trống ngực, mệt mỏi, cũng cần đưa cháu đến cơ sở y tế ngay. Nhìn chung, chúng ta cần xem xét cháu xuất hiện đơn lẻ một triệu chứng hay nhiều triệu chứng đi kèm, để từ đó có cách xử lý phù hợp. Trẻ sau tiêm nên theo dõi sát từ 3-7 ngày.

4 lam tuong ve vaccine COVID-19 cho tre-Hinh-2

Pfizer là vaccine COVID-19 được sản xuất bằng công nghệ mRNA và an toàn với trẻ, không gây biến đổi gene, vô sinh. Ảnh: Reuters.

Trẻ có bệnh bẩm sinh không nên tiêm vaccine COVID-19?

Theo Quyết định 5002 về việc ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19 với trẻ em, trẻ có bệnh bẩm sinh, mạn tính (ung thư, bệnh về máu, thận…), bị phản ứng dị ứng độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào, trẻ có bệnh nền bắt buộc phải tiêm chủng vaccine COVID-19 ở bệnh viện.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, các bệnh nhi này bị suy giảm miễn dịch, khi di chuyển qua các môi trường có nguy cơ mắc bệnh, tử vong cao nên cần được tiêm ngay tại viện để giảm thiểu khả năng lây nhiễm. Tại bệnh viện, trẻ cần được khám sàng lọc có mắc bệnh bẩm sinh, mạn tính hay không; nghe tim, phổi bất thường; xác định phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào không.

Ngoài ra, hướng dẫn này của Bộ Y tế cũng nêu rõ trẻ đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển cần trì hoãn tiêm. Các trường hợp chống chỉ định tiêm vaccine COVID-19 cùng loại là trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với lần tiêm trước hoặc bất kỳ thành phần nào của vaccine.

Hiện nay, thế giới chưa có nhiều nghiên cứu về nguy cơ mắc COVID-19, bệnh nặng ở trẻ em. Tuy nhiên, trẻ em vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây virus cho người khác. Do đó, việc tiêm chủng cho trẻ ngay khi có thể giúp bảo vệ các bé trước nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng.

Theo Thiên Nhan/Zingnews.vn