Sử dụng quá nhiều dầu ăn khi nấu
Thói quen nấu nướng, khẩu vị, sở thích ăn uống của mỗi gia đình là khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người có điểm chung là dùng rất nhiều dầu ăn.
Mặc dù dầu ăn cung cấp nhiều chất béo có nguồn gốc từ thực vật và được nhiều người đánh giá là tốt hơn so với mỡ động vật nhưng các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo rằng một người có sức khỏe bình thường không dùng quá 4 muỗng cà phê dầu ăn một ngày.
Sử dụng quá nhiều dầu ăn có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, bệnh lý đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,…
Không vệ sinh kỹ dụng cụ sau khi rửa thịt sống
Sau khi rửa thịt sống, nhiều người hoàn toàn không nghĩ đến việc vệ sinh kỹ dụng cụ. Điều này khiến vi trùng có thể lây lan sang bồn rửa, mặt bàn và các bề mặt khác trong nhà bếp. Sau đó, chúng có thể xâm nhập vào các bề mặt thực phẩm khác như rau sống, trái cây và khiến cho bạn bị bệnh.
Tốt nhất là sau khi rửa thịt sống, bạn nên vệ sinh bằng xà phòng tất cả các bề mặt tiếp xúc với thịt.
Nấu bằng nồi nhôm kém chất lượng
Nồi, chảo bằng nhôm được bán nhiều với giá thành khá rẻ. Vì vậy nhiều người vẫn thường sử dụng mà không biết rằng chúng rất nguy hại. Thực phẩm được nấu chín trong các vật liệu nhôm sẽ khiến chúng bị hấp thụ nhôm. Đặc biệt nguy hại hơn khi dùng nhôm không đảm bảo chất lượng và an toàn.
Trong quá trình nấu nướng, nhôm được hòa tan trong thức ăn và nước. Từ đó có thể đi vào máu và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta.
Tốt nhất bạn không nên sử dụng xoong nồi làm từ nhôm kém chất lượng. Nên chọn nồi đã được kiểm định về chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Không nấu kỹ thực phẩm
Để tiêu diệt toàn bộ vi trùng trong thực phẩm như thịt, trứng, hải sản thì chúng phải được nấu ở nhiệt độ đủ cao.
Theo CDC Mỹ thì nhiệt độ an toàn để nấu chín các loại thực phẩm là:
- 63 độ C cho toàn bộ thịt bò, thịt heo, thịt bê và thịt cừu, sau đó để nguội 3 phút trước khi cắt hoặc ăn.
- 72 độ C đối với thịt bò xay, heo xay.
- 74 độ C cho tất cả gia cầm.
- 74 độ C cho thức ăn thừa và thịt hầm.
- 63 độ C đối với hải sản, hoặc nấu cho đến khi chuyển đục, không còn trong.
Trong trường hợp chưa ăn ngay thì bạn cũng cần giữ cho thực phẩm nóng trên 60 độ C.
Thích ăn mặn, bỏ nhiều muối
Có nhiều người thích ăn mặn nên thường bỏ nhiều muối vào đồ ăn. Tuy nhiên, thói quen ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác.
Tổ chức WHO khuyến cáo mỗi ngày mỗi người chỉ sử dụng tối đa là 5g muối. Vì vậy, bạn nên chủ động giảm bớt lượng muối khi nêm nếm thức ăn.
Theo Trần Thu Thủy/ Khoevadep