Nằm úp mặt vào gối khi ngủ
Nằm sấp là tư thế ngủ tồi tệ nhất vì nó khiến cột sống bị thay đổi, gây áp lực lên toàn bộ cơ thể. Ở tư thế nằm sấp, cột sống không được hỗ trợ theo đường cong tự nhiên. Nó gây ra căng thẳng trên phần thắt lưng cũng như các khớp khác và cơ bắp, gây ra đau đớn, tê liệt. Nếu nằm lâu ở tư thế này, nó còn có thể tác động tiêu cực tới hệ tiêu hóa.
Nằm sấp và nghiêng đầu về một bên hoặc úp mặt xuống gối đều gây căng cổ, hạn chế hô hấp, cẳn trở lưu thông máu. Hơn nữa, khi nằm sấp, mặt sẽ xuất hiện nhiều nếp nhăn và mụn do da tiếp xúc quá lâu với đệm và vỏ gối.
Đối với người béo phì, tư thế nằm này còn gây thêm áp lực lên các cơ quan nội tạng như phổi.
Vì vậy, chúng ta cần hạn chế tối đa nằm ở tư thế này vì chúng gây quá nhiều bất lợi cho sức khỏe.
Để tóc ướt đi ngủ
Ngủ với tóc ướt sẽ khiến hơi ẩm trên da đầu tăng cao và làm thay đổi thân nhiệt. Nó có thể làm tăng nguy cơ đau đầu. Ngoài ra, ngủ khi tóc còn ướt sẽ gây rụng tóc, nấm da, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, dễ gây cảm lạnh.
Trùm chăn kín đầu khi ngủ
Nhiều người thích cảm giác chùm chăn kín đầu khi ngủ, đặc biệt là vào mùa đông vì nó giúp tạo sự ấm áp, an toàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay cả mọt người khỏe mạnh cũng có thể đào thải hàng chục tỷ vi khuẩn, virus trong một đêm thông qua việc thở và ho. Nếu trùm chăn kín đầu khi ngủ trong thời gian dài, bạn rất dễ bị nhiễm các chất độc hại, vi khuẩn gây bệnh, dễ gây viêm đường hô hấp, bệnh ngoài da.
Ngoài ra, trùm kín chăn lên đầu khi ngủ có thể gây bí, làm giảm oxy dẫn tới chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn vào ngày hôm sau.
Thở bằng miệng khi ngủ
Tư thế thở đúng nhất là thở bằng mũi. Thở qua mũi giúp tạo nên áp lực phản hồi để phổi có nhiều thời gian hấp thu oxy, cân bằng pH trong máu. Ngoài ra, hốc mũi và các xoang có tác dụng lọc, làm ẩm không khí, ngăn chặn các vi khuẩn, virus trước khi đi vào cơ thể. Thở bằng miệng có thể dẫn đến thoát dịch xoang, đặc biệt là trong lúc ngủ. Kết quả của việc này là làm gia tăng các bệnh nhiễm trùng xoang và tai.
Ngoài ra, nếu không được điều trị, thở bằng miệng có thể dẫn tới chứng ngủ ngáy kinh niên, giảm khứu giác.
Sử dụng thuốc ngủ
Nhiều người gặp tình trạng mất ngủ, khó ngủ do nhiều yếu tố khác nhau. Với tình trạng này, không ít người lựa chọn thuốc ngủ để làm bạn đồng hành. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn không ít mối nguy hiểm.
Thuốc có thể mang lại tác dụng nhưng cũng gây ra những bất lợi nếu làm dụng. Các nghiên cứu phát hiện ra thuốc ngủ có tác dụng phụ thuộc rất mạnh. Nếu sử dụng quá lâu sẽ làm tăng các triệu chứng mất ngủ ngay cả sau khi cai thuốc, tạo cảm giác buồn nôn, nôn, ù tai và các triệu chứng khác.
Ngoài ra, sau thời gian dài lạm dụng thuốc ngủ, nó có thể gây suy nhược, sa sút trí tuệ. Trường hợp nghiên trọng, suy nhược hệ thần kinh trung ương do dùng thuốc ngủ có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng.
Do đó, nếu gặp tình trạng mất ngủ, bạn nên bắt đầu thử thay đổi các thói quen sống như hạn chế sử dụng các thực phẩm gây mất ngủ vào buổi tối (trà, cà phê), ngâm chân, thiền trước khi ngủ để thư giãn... hoặc có thể gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ và có phương hướng điều trị thích hợp.
Theo Thanh Huyền / Khỏe & Đẹp