5 thực phẩm không nên hâm nóng trong lò vi sóng

Google News

Đa phần thức ăn khi hâm nóng trong lò vi sóng sẽ bị giảm hàm lượng dinh dưỡng, thậm chí, một số loại thực phẩm còn bị biến chất, gây hại cho cơ thể.

Lò vi sóng là vật dụng quen thuộc giúp hâm nóng thức ăn nhanh chóng và tiện lợi, nhất là đối với những người thường xuyên mang cơm đi làm hoặc những người hay có thói quen hâm nóng đồ ăn thừa.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc hâm nóng đồ ăn trong lò vi sóng sẽ làm giảm hàm lượng dinh dưỡng trong tất cả các thực phẩm.

Theo đó, khi hâm đồ ăn trong lò vi sóng, các enzyme sẽ bị biến tính do quá trình bức xạ, nghĩa là chúng ta chỉ nhận được một phần của các chất dinh dưỡng so với thực phẩm lúc được nấu chín thông thường.

5 thuc pham khong nen ham nong trong lo vi song

Ảnh minh họa

Nhà dinh dưỡng học Lokendra Tomar từ Phòng khám Giảm cân, Delhi (Ấn Độ) còn khuyến cáo rằng, nguyên tắc vàng khi hâm nóng thức ăn là không bao giờ hâm nóng lại thức ăn giàu protein vì sẽ làm mất chất của sản phẩm.

Thậm chí, một số loại thực phẩm có thể trở nên cực kỳ độc hại khi hâm nóng trong lò vi sóng. Cụ thể:

Các loại rau màu xanh

Các loại rau ăn lá màu xanh khi đun lại trong lò vi sóng có thể trở nên độc hại, đặc biệt là cải bó xôi vì loại rau này có chứa lượng sắt cao, do đó, việc hâm nóng có thể làm oxy hóa chất sắt có trong rau. Quá trình oxy hóa sắt tạo ra các gốc tự do nguy hiểm, được biết đến là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh bao gồm vô sinh và ung thư.

Trứng

Trứng là nguồn cung cấp protein dồi dào, tuy nhiên, trứng nấu chín hoặc luộc chín có thể gây hại nghiêm trọng khi tiếp xúc nhiều lần với nhiệt. Sau khi trứng chín nên ăn ngay và nếu để lâu hơn cũng không nên hâm nóng lại mà chỉ nên ăn nguội vì thức ăn giàu đạm chứa nhiều nitơ. Nitơ này có thể bị ôxy hóa do hâm nóng trong lò vi sóng và gây ung thư.

Sữa mẹ

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sữa mẹ có thể bị phá hủy trong quá trình làm nóng trong lò vi sóng. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo sữa mẹ và sữa bột nên được hâm nóng trên bếp hoặc bằng nước nóng (thả túi hoặc bình sữa mẹ vào cốc nước nóng) để hâm rồi cho trẻ sử dụng.

Cơm nguội

Cơm nguội còn thừa nếu để ngoài nhiệt độ phòng có thể bị vi khuẩn có hại xâm nhập. Do đó, nếu chỉ hâm nóng trong lò vi sóng, các vi khuẩn sẽ không bị tiêu diệt hết, khi ăn thường xuyên kiểu này sẽ gây hại cho cơ thể.

Vì vậy, cơm không ăn hết, nên cất trong tủ lạnh và chỉ nên nấu lại trong nồi điện hoặc chế biến thành cơm rang, tránh hâm lại bằng lò vi sóng.

Nấm

Nấm nổi tiếng có chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn các loại rau củ khác. Tuy nhiên, chúng nên được ăn ngay sau khi chế biến. Không nên hâm nóng món ăn từ nấm vì khi được làm nóng lại, các protein và hàm lượng dinh dưỡng trong nấm sẽ bị biến chất thành độc hại cho dạ dày.

Lưu ý khi hâm nóng đồ ăn trong lò vi sóng

Các chuyên gia khuyến cáo, không nên cho thức ăn được đóng gói trong bao bì làm bằng nhựa, giấy bóng kính vào lò vi sóng có thể gây ra độc tố có hại cho cơ thể, thậm chí gây ung thư như adipate, phthalate, benzophenone…

Do hầu hết các bao bì này không bị tan chảy hoặc bị nóng lên trong quá trình sử dụng lò nên người tiêu dùng có quan niệm sai lầm rằng chúng không gây độc tố. Tuy nhiên, các độc tố kể trên có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, làm giảm số lượng tinh trùng và các loại ung thư khác nhau.

Bên cạnh đó, thời gian hâm nóng thức ăn không được quá lâu. Vì khi hâm nóng quá lâu có thể khiến cho thức ăn bị phân hủy, cháy và trở nên độc, gây hại cho cơ thể.

Không dùng đồ đựng bằng nhựa khi hâm thức ăn trong lò vi sóng. Nguyên nhân là do đồ nhựa nếu sử dụng trong lò sẽ bị biến dạng, chưa kể trong quá trình đó, chất nhựa nóng chảy ra sẽ bám vào thức ăn gây hại.

Không đưa những vật dụng bằng kim loại vào lò vi sóng vì có thể phát ra tia lửa điện phản xạ qua lại bên trong lò rất dễ gây cháy nổ.

Ngoài ra, không dùng lò vi sóng để nấu các loại thịt hun khói hoặc ướp gia vị vì những thực phẩm này chứa rất nhiều nitrit, khi nấu bằng vi sóng sẽ sản sinh ra các nitrosamine là chất gây ung thư rất mạnh.

Không dùng màng bọc thực phẩm trong lò do một số loại có chứa các chất hoá học nguy hiểm như Phthalates và DEHA. Khi gặp nhiệt độ cao, những chất này tan chảy và gây hại cơ thể.

Lưu ý:

- Cần vệ sinh sạch sẽ lò vi sóng thường xuyên. Khi rã đông, hâm nóng, thức ăn rất dễ văng, bám dầu mỡ trong lò gây mùi hôi. Lò vi sóng bẩn sẽ giảm tuổi thọ, hao tốn điện năng.

- Không để nhiều đồ dùng trên nóc lò, tránh trường hợp các lỗ thoát khí bị bít kín.

- Không để thức ăn thừa quá lâu trong lò.

- Không dùng lò bị hỏng cửa hoặc đóng không khít cửa.

- Không bật lò vi sóng khi lò rỗng.

Theo Anh Khôi (Gia đình & Xã hội)