Chúng ta đều biết rằng, lựa chọn thực phẩm đúng cách là việc đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe. Trong đó, đường ruột hay hệ tiêu hóa khỏe mạnh chính là chìa khóa "vàng" để bạn sở hữu một cơ thể khỏe mạnh.
Dựa trên những nghiên cứu về ảnh hưởng tốt/xấu của món ăn đối với hệ tiêu hóa, các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe đưa ra 5 nhóm thực phẩm lợi ruột nhất bạn nên đưa vào thực đơn, đặc biệt với những người có hệ tiêu hoá kém.
Khoai lang
Khoai lang không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà còn có chức năng chữa bệnh. Từ lâu, đông y đã xem khoai lang là một trong những phương pháp nhuận tràng, trị táo bón và tiêu chảy hiệu quả.
Khoai lang có chứa một lượng lớn vitamin A, B, C, E, protein, tinh bột, acid amin và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết như kẽm, sắt, canxi… góp phần quan trọng vào sức khỏe cơ thể. Đặc biệt, thành phần vitamin C và các acid amin rất có lợi cho hệ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh và dễ dàng hơn.
Trong trường hợp bạn bị đầy hơi, táo bón, ăn nhiều dầu mỡ, có hệ tiêu hóa kém, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn khoảng 100 g khoai lang mỗi ngày, tốt nhất là khoai luộc, nhằm giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Các món ăn từ rong biển
Các món ăn từ rong biển chứa lượng chất xơ cao, ít chất béo, giàu khoáng chất và vitamin. Ngoài ra còn có một lượng lớn chất magiê, canxi, iốt và các yếu tố vi lượng khác.
Không những thế, rong biển còn chứa natri alginate và chất xơ hòa tan, là món ăn rất tốt để làm giảm chứng táo bón ở người cao tuổi.
Rong biển có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trộn kèm với tương, tỏi, dầu mè sẽ trở thành một món ăn hoàn hảo cho hệ tiêu hóa.
Gừng tươi
Gừng từ lâu đã được đánh giá cao vì khả năng điều trị các vấn đề khác nhau của đường tiêu hóa. Gừng có thể chữa trị một cách hiệu quả các vấn đề như: đầy hơi và trướng bụng, khó tiêu, co thắt dạ dày và buồn nôn hoặc ốm nghén. Nó cũng có đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn mạnh mẽ có thể hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa.
Mặc dù gừng là một loại gia vị rất tốt được sử dụng trong nấu ăn cũng như là một vị thuốc trong Đông y nhưng cũng như các loại gia vị và thực phẩm khác, không nên ăn gừng trong một thời gian dài. Nhất là với một số bệnh như viêm phổi, phù thũng phổi, hạch phổi, viêm dạ dày, viêm gan, viêm thận, bệnh tiểu đường… ăn gừng nhiều sẽ gây tác dụng không tốt.
Khi sử dụng gừng tươi bạn cũng không nên gọt vỏ bởi nhiều người có thói quen gọt vỏ gừng trước khi chế biến mà không biết rằng như thế vô tình đã làm giảm bớt chức năng của củ gừng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi dùng gừng làm gia vị hoặc các bài thuốc, chỉ cần rửa sạch củ gừng, không cần phải gọt vỏ.
Quả bơ
Quả bơ rất giàu chất xơ và chất béo không bão hòa đơn lành mạnh, rất tốt trong việc duy trì các chức năng tối ưu của đường tiêu hóa cũng như túi mật, tuyến tụy và gan. Nó cũng giúp chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A rất cần thiết cho niêm mạc lót của toàn bộ đường tiêu hóa.
Bơ là một loại quả rất tốt cho sức khỏe. Lượng chất béo cao chứa trong trái bơ là chất béo không bão hòa dạng đơn thể (monounsaturated fat) rất có ích trong việc cải thiện sức khỏe. Cụ thể, khi dùng bơ thường xuyên sẽ mang lại cho bạn những lợi ích như phòng chống nguy thư, giảm cholesterol, tăng cường sức khỏe cho tim, mắt…
Cà rốt
Cà rốt được xem là người bạn thân thiết của hệ tiêu hóa. Thực phẩm này được trồng ở hầu hết các vùng khí hậu khác nhau.
Trong củ cà rốt có chứa một lượng lớn carotene dồi dào. Carotene có thể được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể con người, giúp sáng mắt, đẹp da và phát triển trí não.
Hơn nữa, thành phần chất xơ dồi dào trong cà rốt còn rất tốt cho dạ dày. Theo y học cổ truyền, bạn có thể ăn cà rốt để cải thiện lá lách và gan, tăng cường chức năng đường ruột và dạ dày, bảo vệ mắt và tăng cường miễn dịch đối với các bệnh khác nhau.
Theo Thùy Linh/ Nhân đạo và đời sống