Tinh bột trắng
Cơm trắng, bánh mỳ trắng là thực phẩm bạn nên hạn chế ăn để đạt mục tiêu giảm mỡ bụng. Theo WebMD, tinh bột trắng được xay và tinh chế bằng cách tước bỏ lớp vỏ ngoài giàu chất xơ. Cơ thể hấp thụ tinh bột, ngũ cốc qua tinh chế tương đối nhanh chóng. Khi đó, lượng đường trong máu gia tăng, kích hoạt giải phóng insulin. Trong vòng 1-2 tiếng sau khi ăn, cơn đói sẽ quay trở lại.
Pizza
Đây là món ăn đóng góp chất béo bão hòa lớn thứ 2 vào thực đơn của người Mỹ (sau pho mát). Trang Eat This cho biết khi ăn pizza, phần lớn chất béo bão hòa và đường sẽ hấp thụ vào máu nhanh chóng. Ăn nhiều chất béo bão hòa khiến cơ thể không hoạt động tích cực để chuyển hóa thức ăn. Từ đó dẫn đến việc đốt cháy calories và giảm cân trở nên khó khăn.
Thịt đỏ
Xúc xích lợn, thịt cừu, thịt xông khói, bít tết… chứa hàm lượng lớn chất béo bão hòa. Nếu tiêu thụ quá nhiều bạn rất dễ thừa cân, béo phì. Ngoài ra, ăn thịt đỏ thường xuyên làm tăng mức cholesterol, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Thực phẩm đóng gói
Theo Healthline, chất béo chuyển hóa thường được sử dụng để kéo dài thời hạn sử dụng của đồ ăn đóng gói như bánh nướng xốp, bánh quy giòn… Chất béo chuyển hóa rất có hại vì gia tăng tình trạng viêm, kháng insullin, dẫn đến bệnh tim và tích tụ mỡ bụng.
Khoai tây chiên
Đây là món ăn vặt phổ biến ở các cửa hàng thức ăn nhanh. Khoai tây chiên mang đến nhiều chất béo bão hòa làm tăng mỡ bụng, đồng thời gây nên tình trạng đầy hơi mức độ trung bình.
Đồ ngọt
Thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt có thể dẫn đến tăng cân. Trong nước trái cây, nước ngọt chứa fructose là loại đường đơn. Tiêu thụ nhiều đường fructose làm tăng cảm giác đói và thèm ăn, đồng thời tạo ra hiện tượng kháng leptin. Leptin là hormone điều chỉnh cảm giác đói, yêu cầu cơ thể ngừng ăn.
Nước ép trái cây đóng chai
Nước ép đóng chai được nhiều người ưa chuộng bởi tính tiện lợi, dễ dàng sử dụng bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nước ép trái cây có nhiều đường fructose. Đây là loại đường liên quan đến sự phát triển của mô mỡ nội tạng.
Theo Thạch Thảo/ Khoevadep