Một điều dưỡng khoa Nhiệt đới cho biết, khoảng 3h cùng ngày 13/10, 8 người cùng một gia đình (ở xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói và đi cầu lỏng.
|
Các bệnh nhân đang được điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: PLO. |
Theo người nhà bệnh nhân, chiều 12/10, những người này ăn phải một loại nấm được hái từ trên rừng về, không rõ loại nấm gì. Vài giờ sau khi ăn, các bệnh nhân có triệu chứng nôn ói, đi cầu lỏng nên được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, sau đó chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện sức khoẻ các bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm lạ này đã ổn định, đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện này.
Theo quan niệm của nhiều người, nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon, lạ, hấp dẫn, do vậy nhu cầu sử dụng nấm không ngừng tăng cao. Việt Nam là một nước có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho các loài nấm tự nhiên sinh sôi nảy nở, trong đó có nhiều loài nấm độc. Một số loài nấm độc chỉ mọc ở mùa xuân hoặc xuân - hè, một số loài khác mọc chủ yếu vào mùa hè hoặc hè - thu, một số loài khác mọc quanh năm. Chính sự thay đổi về kích thước, hình dáng, màu sắc trong thời gian ngắn dễ gây ra nhầm lẫn trong việc phân biệt nấm lành dùng làm thực phẩm và nấm độc.
Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách xử trí và dự phòng ngộ độc nấm như sau:
Chẩn đoán xác định ngộ độc nấm
Khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo loài nấm mà xuất hiện triệu chứng/hội chứng ngay sau khi ăn, trước 6 giờ và kéo dài vài giờ hoặc xuất hiện muộn 6 - 40 giờ sau khi ăn (trung bình 12 giờ), ngộ độc càng muộn thì càng khó chữa.
Dấu hiệu nhận biết chủ yếu dựa vào người bệnh có ăn nấm; có triệu chứng ngộ độc: nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các triệu chứng ngộ độc nấm đặc hiệu khác.
Triệu chứng đầu tiên xuất hiện từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn nấm (trừ loài nấm vàng, triệu trứng xuất hiện muộn từ 5 đến 10 giờ) và các triệu chứng rối loạn tiêu hoá thường kéo dài 2 - 3 ngày (tuỳ theo loài nấm và số lượng nấm đã ăn). Những trường hợp bị ngộ độc nặng có thể xuất hiện những dấu hiệu mất nước và chất điện giải dẫn đến tử vong do trụy tim mạch. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Xử trí khi bị ngộ độc nấm
80% bệnh nhân tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Điều đó cho thấy khâu sơ cứu ban đầu các ca ngộ độc nấm rất quan trọng. Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hòa chất độc (than hoạt tính). Cụ thể:
- Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol.
|
Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. |
- Uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước (có thể cho ít đường trắng cho dễ uống).
Than hoạt tính sẽ hấp phụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt tính thì mua viên carbogast hoặc carbophos 400mg/viên để uống. Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Nếu người bệnh hôn mê, co giật phải cho nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
Lưu ý sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Mọi người đừng chủ quan nghĩ sau khi sơ cứu đã hết triệu chứng nôn, đau và tiêu chảy là hết ngộ độc. Cần nằm tại viện để theo dõi thêm vì có thể sau 3-4 ngày, các biểu hiện suy gan thận mới bộc lộ…
Mời độc giả xem video "Những Sai Lầm Trong Cách Bảo Quản Thực Phẩm". Nguồn: Thời Sự VTV24.
Cách phòng tránh ngộ độc nấm
Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.
Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ
Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Thảo Nguyên