Cu Bon đã ba tuổi, ngày thường cu cậu đi nhà trẻ. Từ Tết tới giờ, bà nội lên ở với gia đình tôi. Bà rất cưng chiều cháu, ví như chuyện ăn uống, bà chịu khó ngồi bón từng muỗng cho Bon.
Dù tôi đã thưa với bà, ở lớp cháu cũng đã học cách tự xúc cơm, nên bà cứ phần cho cháu một chén, để cháu tự ăn là được. Nhưng bà không đồng ý, lý do sợ đổ tháo dơ người cháu, bà nghĩ cháu sẽ ăn không được gọn gàng, và không thể biết được thức ăn nóng hay nguội đã vừa miệng cháu chưa.
Vậy là bà cứ áp dụng cách múc một muỗng, đưa lên môi mình thổi phù phù rồi mới đút cháu “ùm”. Tôi “đổi chiêu” sang nhỏ to với chồng, nhờ anh xin bà nội đừng đút cháu ăn bằng cách đó vì sẽ khiến con ỷ lại, chưa kể rất mất vệ sinh. Chồng cười khì khì: “Em có giỏi thì đi nói với má đi. Chứ anh bó tay rồi. Không khéo má lại mắng đội vợ lên đầu cho trường sinh bất tử thì chết”.
Những bữa ăn ở nhà, bà nội cứ hay chiều cháu bằng cách bật điện thoại để bên cạnh cho nó hát hò múa may làm trò. Thằng bé con tôi mắt dán vào màn hình điện thoại, miệng há ra cho bà đút đến no cả bụng, dù có thể nó chả biết mình đang ăn món gì, mùi vị ra sao.
Nhưng hôm nay thì khác, tôi bước vào nhà đã thấy cu con ngồi ngoan ngoãn bên bộ bàn ghế nhỏ cùng chén nui. Bà nội trong bếp nói vọng ra: “Cu Bon ăn ngoan đi, rồi tí bà cháu mình chơi ráp siêu nhân nhé”. Con tôi vui vẻ múc từng muỗng thức ăn gọn gàng như trong lớp học, còn khen nui bà nội nấu ngon như cô giáo, hay hồi đó nội cũng là cô giáo?
Bữa cơm tối, tôi sẽ sàng thưa: “Cu Bon lớn rồi phải không má? Từ nay má cứ để cháu tự ăn như lúc chiều, không cần đút nữa má hén?”.
Mẹ chồng tôi cười xòa: “Thằng cha nó còn chưa lớn nữa là cu Bon. Nhưng má nghĩ kỹ rồi, để tốt cho cháu, má đã quyết thay đổi cách chăm sóc, má để cháu tự múc. À mà còn vụ vừa ăn vừa xem điện thoại ấy, tụi con coi đổi cho má cái máy bấm phím đi, chứ cái điện thoại thông minh này, cu Bon khóc đòi mà má không cho mượn thì không được”. “Dạ, con sẽ đổi ngay. Cảm ơn má”. Chồng tôi hào hứng.
“Mà từ nay vợ chồng con cũng bớt ăn uống ngoài đường nha, cần món gì cứ nói má nấu, cực một chút nhưng an toàn cho sức khỏe con ạ”, má nói.
Tôi ôm chầm lấy mẹ chồng, thấy ấm áp lạ thường. Hóa ra ngoài cái vỏ quyết đoán của má, lại là một tấm lòng yêu thương con cái đến vô cùng. Chỉ cần má chịu thấu hiểu, là bao nhiêu gút mắc trong lòng chúng ta sẽ được giải quyết hết.
Theo Trang Phạm/Báo Phụ nữ