Trong một củ khoai lang có chứa 26g tinh bột ( bằng 1/2 lượng tinh bột trong khoai tây và 1/3 tinh bột có trong cơm trắng), 3.9g chất xơ, 18,443 IU vitamin A, 3mg vitamin C, 0.3mg vitamin B6, 438mg kali, 32mg magie, 39mg calcium... và gần như không chứa chất béo.
Có 2 thời điểm tốt nhất trong ngày để ăn khoai lang mà chị em cần ghi nhớ:
- Buổi sáng: Thay vì ăn sáng bằng xôi, bún, phở… Chị em có thể thay thế bằng một củ khoai lang để bổ sung năng lượng cho ngày mới, giúp làm đẹp da và ngăn ngừa ung thư, tim mạch, đột quỵ…
Khoai lang là loại củ được trồng nhiều tại Việt Nam, quá trình chăm bón cũng rất đơn giản nên bạn sẽ bớt đi nỗi lo về thực phẩm bẩn, có thể dùng khoai làm bữa sáng mỗi ngày mà không sợ rước thêm bệnh. Đặc biệt, loại củ "dân dã" này chứa ít tinh bột nên có thể khiến bạn no lâu mà không béo, hỗ trợ giảm cân vô cùng tốt.
- Buổi trưa: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn khoai lang vào buổi trưa là tốt nhất trong ngày. Nguyên nhân là vì sau khi ăn, canxi trong khoai lang cần phải mất 4-5 giờ mới hấp thụ vào trong cơ thể. Trong khi đó, khung giờ 2-5 giờ lại có ánh nắng mặt trời tác động lớn đến quá trình hấp thụ canxi, cho nên việc ăn khoai lang vào tầm giờ trưa 10-12 giờ trưa là hoàn toàn phù hợp.
Những lợi ích nếu bạn đều đặn ăn một củ khoai lang mỗi ngày
- Chống ung thư: Các loại khoai lang khác nhau cung cấp các chất chống ô xy hóa khác nhau như anthocyanin giúp bảo vệ chống lại một số loại ung thư. Theo Medical Daily, anthocyanin có nhiều trong khoai lang tím, có tác dụng làm chậm sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, bao gồm cả những loại ung thư ruột kết và ung thư vú.
- Giúp sống thọ hơn: Theo nghiên cứu, những người dân sống tại thành phố Okinawa của Nhật Bản, nổi tiếng có tuổi thọ cao nhất thế giới là vì thói quen ăn khoai lang mỗi ngày. Ngoài việc chứa hormone chống lão hóa DHEA, khoai lang còn chứa nhiều vitamin A, chất chống oxy hóa, chất xơ, kali, mangan, vitamin C…
- Cải thiện bệnh tiểu đường: Khoai lang là loại củ có chỉ số glycemic thấp hơn so với khoai tây. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và đem lại cảm giác no lâu. Chính vì thế loại củ này hoàn toàn phù hợp khi xuất hiện trong chế độ ăn của người tiểu đường và người muốn giảm cân.
- Bảo vệ mắt: Theo trang Healthline, khoai lang rất giàu beta-carotene, anthocyanin và chất chống oxy hóa. Beta-carotene khi đi vào cơ thể người sẽ chuyển hóa thành vitamin A, giúp hình thành các thụ thể phát hiện ánh sáng bên trong mắt.
Thiếu vitamin A nghiêm trọng có thể dẫn đến một loại mù lòa đặc biệt, được gọi là xerophthalmia. Từ đó, việc chăm chỉ ăn nhiều khoai lang có thể giúp bạn bảo vệ các tế bào mắt khỏi hư hại.
- Giảm cân: Như đã nói ở trên, khoai lang có lượng calo ít hơn cả khoai tây, cơm trắng… Ngoài ra, lượng đường tự nhiên trong khoai lang có thể thẩm thấu từ từ vào máu, tạo ra nguồn năng lượng cho cơ thể. Nghiên cứu cho thấy thay vì hàng ngày ăn từ 1 đến 2 chén cơm, bạn hãy thay bằng 1-2 củ khoai lang có thể giảm 20-25% lượng calo nạp vào cơ thể.
Đối tượng không nên ăn khoai lang
Người bị bệnh thận
Khi thận yếu, chức năng loại bỏ kali dư thừa bị yếu đi. Trong khi đó, khoai lang lại chứa nhiều kali, chất xơ, vitamin A… ăn quá nhiều khoai lang có thể gián tiếp gây ra cho người bệnh thận những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
Người tiêu hóa kém
Nếu có hệ tiêu khóa không tốt, biểu hiện là thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng thì bạn không nên ăn khoai lang vì khi ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, trướng bụng.
Người có bệnh về dạ dày
Người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, viêm loét dạ dày, bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính dù thèm cũng không nên ăn khoai lang vì có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Theo Vũ Ngọc/Khoevadep