“Ăn bẩn” đúng cách sống lâu

Google News

(Kiến Thức) - Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia vi trùng học cho rằng, quan niệm "ăn bẩn sống lâu" là đúng khiến nhiều người giật mình. 

Thích ứng với tự nhiên
GS Graham Rook, chuyên gia hàng đầu đến từ Trung tâm Vi trùng học lâm sàng thuộc trường University College London (Anh) cho rằng, việc nhặt thức ăn rơi xuống sàn lên để tiếp tục ăn hoặc nuôi động vật sẽ giúp chúng ta loại bỏ chứng dị ứng, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, tránh cho cơ thể của chúng ta gặp rối loạn dị ứng. 
Xã hội hiện đại đã trở nên ám ảnh với sự sạch sẽ nhiều tới mức, chúng ta không còn tiếp xúc trực tiếp với một số vi trùng thiết yếu, giúp hệ miễn dịch của chúng ta hoạt động tốt. Điều này đồng nghĩa, khi cơ thể gặp một chất lạ, chưa từng biết đến, hệ miễn dịch sẽ phản ứng quá mức, tấn công cả cơ thể trong quá trình đó. Khi không cần thiết, hệ miễn dịch nên được "tắt" hoàn toàn. Không nên để hệ miễn dịch luôn hoạt động ngay cả khi không cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, quan niệm "ăn bẩn sống lâu" là có cơ sở khoa học. Vấn đề là "ăn bẩn" như thế nào. Tất nhiên không phải là bốc bùn đất để ăn, tìm những chỗ hôi thối đầy giun sán để ăn. "Ăn bẩn" hiểu ở góc độ khoa học là không cách ly hoàn toàn với đời sống tự nhiên. 
Việc sống quá sạch sẽ, tiệt trùng mọi thứ đồ ăn thức uống, kể cả môi trường sống, sẽ làm giảm hệ miễn dịch ở con người. "Nhiều người thắc mắc rằng con lợn, gà, chó, mèo, trâu, bò... ăn đủ thứ trên đời mà đâu có sao, khả năng thích ứng với tự nhiên của chúng vẫn cao, thì con người cũng nên như vậy. Nhưng vấn đề sinh mạng con người là thứ quý giá hơn mọi thứ tài sản khác, nên việc ăn uống cũng phải được tính toán kỹ. Việc con người cách ly hoàn toàn với tự nhiên khiến cơ thể trở nên nhạy cảm, rất dễ mắc các bệnh thông thường, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng.
"Ăn bẩn" một cách chừng mực nhất định có thể giúp con người chống được một số bệnh thông thường. 
Thích ứng với vi sinh vật
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, "ăn bẩn" không có nghĩa là bốc thức ăn trong rác rưởi, đất cát nhiễm đầy giun sán để ăn. Về cơ chế sinh học, con người không bao giờ thích ứng với ký sinh trùng nhưng lại có thể thích ứng được với vi sinh vật. Việc tiêm văcxin phòng bệnh cũng chính là tiêm các vi sinh vật vào cơ thể để miễn dịch với loại vi sinh vật đó. Trước đây, người nguyên thủy ăn lông ở lỗ, hệ miễn dịch của cơ thể rất cao. Người nguyên thủy gần như không bị mắc các chứng bệnh cảm cúm hay tiêu chảy, sởi nhưng lại tử vong ngay lập tức nếu nhiễm các bệnh như viêm não, ung thư... Nói vậy để thấy "ăn bẩn" đúng cách giúp cơ thể gần với tự nhiên hơn, sức đề kháng tốt hơn.
"Nhiều người hơi nóng một chút là bật máy lạnh, hơi lạnh một chút là khăn áo quấn khắp người, dẫn đến cơ thể không thích nghi được với tự nhiên. Trường hợp gặp nóng hoặc lạnh đột ngột là ngay lập tức bị ốm, cảm cúm. Điều này cho thấy sạch sẽ quá mức, giữ gìn quá mức là không có lợi cho sức khoẻ. Nhiều người tôi thấy có lối sống quá sạch sẽ, cái gì cũng phải khử độc, khử trùng, chỉ còn thiếu nước nhúng cơ thể vào nồi nước sôi cho chết hết vi sinh vật nữa thôi. Cách sống như vậy cũng là phản khoa học", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, "ăn bẩn" một cách chừng mực nhất định có thể giúp con người chống được một số bệnh thông thường như tiêu chảy, cảm cúm... Tất nhiên, phải hiểu rõ, "ăn bẩn" nghĩa là sống gần với tự nhiên hơn.
"Nhiều bà mẹ cách ly hoàn toàn con cái khỏi tự nhiên như không bao giờ đi chân đất, không cho nghịch đồ chơi, không được chơi ngoài tự nhiên sợ gặp phải các rủi ro... Đây là quan điểm sai lầm. Khi có thời gian, nhất là dịp nghỉ hè, nên để con cái thỏa sức vui chơi, hòa mình vào tự nhiên, trẻ sẽ được tăng cường miễn dịch, sức đề kháng sẽ cao hơn".
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Bảo Khánh