Nói về lý do tại sao nhiều người chọn ăn gạo lứt để giảm cân, trước hết chúng ta cần hiểu gạo lứt khác gạo trắng thông thường như thế nào. Theo TS. BS. Hoàng Minh Đức (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), gạo trắng là loại gạo đã xay xát kỹ, còn lại rất ít vitamin nhóm B (B1, B6, B5, B3). Trong khi đó, gạo lứt là loại gạo chỉ xay xát, bỏ đi phần vỏ trấu và vẫn còn giữ lại lớp vỏ lụa bên ngoài hạt gạo - thứ cung cấp nhiều vitamin nhóm B, các nguyên tố vi lượng và chất xơ.
Gaọ lứt tốt cho sức khỏe và cả làm đẹp (Ảnh minh họa)
Ông cho biết, nghiên cứu chỉ ra gạo lứt gồm có tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin nhóm B và axit folic kèm theo các chất cho thần kinh, cùng các yếu tố vi lượng như sắt, canxi, magie, selen, kali và natri.
Tây y cho thấy gạo lứt tốt cho nữ giới, làm giảm nguy cơ ung thư, giảm cholesterol máu, phòng bệnh tiểu đường. Với nguồn chất xơ dồi dào, gạo lứt giúp chống lại bệnh xơ vữa mạch, ung thư vú, giảm các bệnh lý về tim mạch. Đồng thời còn ngăn ngừa sỏi thận, tăng cường tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân và làm đẹp da, làm chậm lão hóa…
Còn theo Đông y, gạo lứt rất bổ và có tính thanh nhiệt, kèm theo khả năng an thần, trấn kinh, ngăn cản sự xuất tiết của dạ dày và đại tràng nên có tác dụng trong điều trị các bệnh lý đường ruột. Đông y dùng gạo lứt để điều trị bệnh thổ tả, kiết lị, cầm mồ hôi…
Tuy nhiên, muốn gạo lứt phát huy tối đa tác dụng thì phải ăn đúng cách. Đặc biệt, có 5 sai lầm khi ăn gạo lứt mà chúng ta cần phải tránh sau đây:
1. Ăn quá nhiều gạo lứt
Đúng là gạo lứt tốt cho sức khỏe nhưng chỉ tốt nếu ăn lượng vừa phải. Đầu tiên, ăn quá nhiều gạo lứt sẽ bị cảm giác khó tiêu do chứa acid Phytic và nhiều chất xơ. Acid phytic còn là một loại hợp chất không hòa tan có thể ngăn cản hấp thu một số vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi khoáng.
Hơn nữa, gạo lứt đã qua sản xuất có chứa một lượng rất nhỏ Asen. Thu nạp quá nhiều Asen trong một thời gian dài có thể dẫn tới rất nhiều hậu quả, bao gồm ung thư thận, ung thư phổi hay sừng hóa và tổn thương da. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần Asen có trong loại thực phẩm này không tốt cho những người mắc bệnh về tim, vì vậy không nên ăn quá nhiều.
2. Nấu và ăn gạo lứt sai cách
Bởi vì bên ngoài hạt gạo lứt có lớp áo hạt dai, không dễ nấu nên tốt nhất là cần ngâm 30 phút đến vài giờ hoặc thậm chí là ngâm qua đêm trước khi nấu. Cũng vì vậy mà nó sẽ lâu chín và hút nhiều nước hơn gạo trắng, nên khi nấu cần thêm nhiều nước và nấu lâu hơn để chín kỹ.
Không nên ăn gạo lứt nấu chưa kỹ, bởi vì không những phần lớn chất dinh dưỡng không thể hòa tan được mà còn dễ gây viêm dạ dày ruột cấp tính sau khi ăn quá nhiều. Đặc biệt là đối với trẻ em chức năng tiêu hóa yếu và người già ốm yếu, người mắc chứng khó tiêu, bệnh dạ dày.
Khi ăn gạo lứt, chúng ta cũng cần nhai chậm và nhai kỹ hơn rất nhiều so với gạo trắng thông thường. Có như vậy mới đạt được tác dụng về cả dinh dưỡng, sức khỏe và giảm cân mà không gây hại cho hệ tiêu hóa, thường gặp nhất là khó tiêu.
3. Gạo lứt không thể thay thế hoàn toàn gạo trắng
Có rất nhiều người cho rằng gạo lứt tốt hơn gạo trắng nên dùng nó để thay thế. Đặc biệt, rất nhiều chị em vì muốn giảm cân mà ngày nào cũng chỉ ăn loại gạo này.
Nhiều người tìm đến gạo lứt để giảm cân sau Tết nhưng lại dễ mắc 5 sai lầm tai hại này - Ảnh 2.
Gạo lứt không thể thay thế hoàn toàn gạo trắng (Ảnh minh họa)
Nhưng như TS. BS. Hoàng Minh Đức đã nói, so với gạo trắng, gạo lứt chỉ có hàm lượng chất xơ và vitamin nhóm B cao hơn. Chưa kể, để đạt được hàm lượng chất xơ mong muốn bạn phải ăn nhiều, điều này có thể gây nên chứng khó tiêu nếu gạo lứt không được nhai hay nấu kỹ.
Gạo lứt rất tốt tuy nhiên theo bác sĩ khuyến cáo mỗi tuần chỉ nên ăn 2 - 3 lần như một loại thực phẩm chức năng. Nếu ăn nhiều quá sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như đã kể trên. Đặc biệt, không được dùng gạo lứt thay thế hoàn toàn gạo trắng nếu không bạn sẽ bị thiếu nhiều chất và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, biến gạo lứt từ thực phẩm tốt cho sức khỏe thành “thuốc độc”.
4. Người không nên ăn và thực phẩm không hợp với gạo lứt
Gạo lứt có nhiều lợi ích nhưng không phải là phù hợp cho tất cả mọi người. Có 7 nhóm người nên hạn chế ăn hoặc tốt nhất là tránh xa nó, bao gồm:
- Người có chức năng tiêu hóa kém.
- Người thiếu hụt canxi hoặc sắt.
- Người mắc bệnh về gan.
- Phụ nữ có thai.
- Người có khả năng miễn dịch kém.
- Người lao động nặng, thanh thiếu niên trong tuổi dậy thì.
- Người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ.
Về sự kết hợp gạo lứt với các thực phẩm khác, gạo lứt lành tính nhưng vẫn có một vài lưu ý nhỏ để đảm bảo dinh dưỡng và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Trong gạo lứt có chứa Axit phytic, chất này khi kết hợp với các chất khoáng tạo thành chất kết tủa, gây cản trở việc hấp thu của cơ thể. Nên nếu ăn gạo lứt, tốt nhất là không nên uống sữa, ăn các trái cây giàu axit như hồng, táo gai, dứa… cùng lúc hoặc ngay trước hoặc sau đó để tránh bị tăng nguy cơ khó tiêu, nhanh tạo sỏi, giảm chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, nếu ăn gạo lứt vì giảm cân hay hỗ trợ điều trị các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao thì cần chú ý về sự kết hợp thực phẩm hơn. Tốt nhất là nên ăn gạo lứt với nhiều rau củ, món ít dầu mỡ thay vì nhiều thịt cá, chất béo.
5. Bảo quản gạo lứt hoặc cơm gạo lứt sai cách
Ngoài ăn đúng cách thì việc bảo quản gạo lứt cũng rất quan trọng. Không nên trữ quá nhiều gạo lứt vì lớp dầu tự nhiên của gạo có thể bị hư khi trữ quá lâu.
Nhiều người tìm đến gạo lứt để giảm cân sau Tết nhưng lại dễ mắc 5 sai lầm tai hại này - Ảnh 3.
Bảo quản và ăn gạo lứt đúng cách mới có thể mang lạo tác dụng cho sức khỏe, giảm cân (Ảnh minh họa)
Tương tự, chúng ta cũng không nên để cơm gạo lứt quá lâu và không nên hâm cơm gạo lứt quá một lần. Như vậy không chỉ giảm dinh dưỡng mà còn gây khó ăn, thậm chí gây hại cho cơ thể nếu để lâu quá 6 tháng trong môi trường không hút chân không.
Theo PhunuVietnam