Bị ung thư phổi di căn, khi truyền hóa chất lại bị suy thận và được bệnh viện phía Singapore trả về, ông Lê Trí Dũng (số 37, ngõ 36 Đào Tấn, Hà Nội) đã cầm chắc cái chết. Khi áp dụng nhịn ăn chữa bệnh thì ông lại bị biến chứng tụt huyết áp, mê man, mất tiếng, liệt tay, mất trí nhớ... Bằng quyết tâm và nghị lực, đặc biệt là sự chăm sóc tận tình của vợ, đến nay đã hơn 10 năm, ông hoàn toàn khoẻ mạnh.
Bệnh viện nước ngoài trả về để… chết
Nhìn ông Dũng đã 51 tuổi nhưng nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, nước da săn chắc, hồng hào bán thực phẩm chay thì không ai nghĩ đó là người đã nhiều lần chết đi sống lại. Ông kể, cuối 2004, trong lúc đang là Trưởng khoa Quản lý xây lắp (Học viện Cán bộ quản lý đầu tư và xây dựng) thì ông bị viêm họng và ho. Tưởng do cảm, làm việc và hút thuốc nhiều nên ông tự chữa, nhưng uống, tiêm kháng sinh liều cao cũng không khỏi, lưỡi đen kịt.
Tháng 4/2005, ông đi khám và phát hiện u đỉnh phổi trái 3cm, di căn quai động mạch chủ làm đứt mạch máu gây đen lưỡi, di căn cơ hoành và bắt đầu lan sang phổi phải, hạch khắp nơi... Ông phẫu thuật cắt bỏ triệt để tại Bệnh viện K và sang Singapore truyền hóa chất loại tốt nhất, ít tác dụng phụ nhất... nhưng chưa truyền hết chỉ định thì đã bị suy thận, người phù thũng.
Ông Dũng cười rồi tâm sự: “Tôi chưa bao giờ béo, lúc nặng nhất cũng chỉ 52kg, vậy mà khi thận suy, chẳng ăn uống được gì lại nặng trên 60kg. Thấy tôi “béo tốt” mà cả họ đều khóc. Đủ các thứ thuốc thải độc, bồi bổ, chạy thận, lọc máu... bệnh vẫn vô phương cứu chữa, bệnh viện Singapore trả về và dự báo cái chết được tính theo ngày”.
|
Bằng phương pháp thực dưỡng gạo lức, muối mè, ông Dũng đã chiến thắng bệnh tật. |
Giành sự sống qua nhiều lần chết hụt
Ông Dũng trầm tư, có ai bị bệnh như ông thì mới hiểu được “bờ vực” của sự sống và cái chết. Ông không chỉ đau khổ vì bệnh tật mà nỗi đau còn lên đến tận cùng khi 3 con còn nhỏ, đứa bé mới vài tháng tuổi. Gia đình đã chuẩn bị “hậu sự” cho ông. Nhưng số ông chưa chết là nhờ vợ quyết tâm giành lại mạng sống cho ông từ thần chết. Khi đó, cứ nghe ai mách bảo gì là bà đều tìm cách “cứu ông”. Cuối cùng bà gặp được thầy Tuệ Hải – đệ tử của ông G.Ohawa ở Nhật Bản hướng dẫn phương pháp nhịn ăn chữa bệnh.
Ông Dũng kể, đây là giai đoạn vô cùng cam go, “sống không bằng chết”. Thực sự ông cũng không biết mình chết hay sống vì nếu không có bác sĩ hướng dẫn túc trực bên cạnh thì chắc ông đã “đi” lúc nào không biết – vì người chìm đắm vào hư ảo. Ngày thứ 38 khi nhịn ăn, vì nhớ con nên ông cố mò về nhà (ông phải ở phòng của cơ quan để tránh xa môi trường kích thích ăn uống), miệng khô nứt nẻ, thấy hộp ô mai của con liền lấy một quả để ngậm, nào ngờ phạm vào nguyên tắc nhịn ăn nên bị viêm ruột, đi ngoài như tháo cống, huyết áp tụt, nằm tại chỗ không biết gì nữa. Lúc này, nếu đi viện truyền nước, đạm thì ông sẽ chết, nên người vợ đã chọn cách để các chuyên gia thực dưỡng “cứu” ông bằng cách tiếp tục nhịn ăn thêm 8 ngày nữa. Trận “chết” đó đã khiến ông mất tiếng nói, liệt chi và mất trí nhớ.
Bà Nguyễn Minh Hằng (vợ ông Dũng) chia sẻ, ông Dũng sống được là cả một sự đấu tranh quyết liệt với bệnh tật. Thú thực, khi ông Dũng bị bệnh viện trả về, gia đình đã hết hy vọng mới tìm đến phương pháp nhịn ăn, ăn gạo lứt muối mè. Phương pháp này có hiệu quả rất thấp chỉ đạt được 5%, nhưng lại đòi hỏi một ý chí quyết tâm, một nghị lực phi thường của con người. Bởi chiến thắng với cái đói, cái thèm ăn uống là một cuộc chiến “sinh tử”.
Khi thực hiện phương pháp này, nếu chỉ ăn sai một tý là phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, cái chết sẽ đến nhanh hơn cái chết của bệnh ung thư. Ông Dũng đã thấm nhuần từ bài học khi ăn vụng quả mơ, nhưng có lúc vẫn không vượt qua được. Khi động viên, lúc ép buộc và ngay cả bản thân bà khi điều trị cho ông cũng tuân thủ nguyên tắc ăn gạo lứt muối mè, vậy mà có lúc ông vẫn hất đổ bát cơm vì thà chết ăn thịt cá còn hơn ăn gạo lứt...
Quyết tâm 3 năm bà nghỉ việc ở nhà chăm chồng, trải qua bao gian nan cực khổ cuối cùng ông bà cũng chiến thắng. Từ chỗ hết phù, mất vài tháng ông mới nói được, rồi kiên trì luyện tập khí công, yoga... gần 2 năm mới hết liệt và 4 năm trí nhớ mới hồi phục. Nhưng phải qua 5 năm giai đoạn bệnh thường tái phát, bệnh của ông ổn định, cả nhà mới yên tâm.
“Chiến thắng thèm ăn còn khó hơn ra trận mạc. Hiện giờ bệnh đã ổn định, cơ thể khoẻ mạnh, nặng 56kg. Từ 5 năm nay tôi đã được ăn thêm đậu, rau xanh... và thỉnh thoảng có thể làm vài ngụm bia và chút đồ ăn mặn”, ông Dũng bật mí khi chia tay.
“Bệnh nhân Dũng nhập viện điều trị ở giai đoạn 2B, đã được phẫu thuật cắt u, sau đó đi Singapore truyền hóa chất. Ông Dũng không tái khám nên hiện tại không rõ về tình trạng bệnh. Thực tế, có nhiều bệnh nhân ung thư phổi, được phát hiện và điều trị đúng phương pháp ở giai đoạn sớm vẫn sống khoẻ mạnh trên 10 năm”.
ThS Phan Lê Thắng (Trưởng khoa Lồng ngực, Bệnh viện K)
Thúy Nga