Nghe bạn nói ăn gạo lứt giảm cân, chị Hạnh liền ăn thay cơm. Dù không ngon như ăn gạo thường nhưng lại giải quyết được cơn đói và thèm ăn nên chị ăn luôn 3 bữa. Trước đây buổi tối chị hạn chế ăn cơm vì sợ béo thì bây giờ chị có thể thoải mái ăn 2 bát cơm gạo lứt. Được nửa tháng, chị Hạnh bước lên cân và tá hỏa khi thấy mình tăng thêm 2 ký.
Chị băn khoăn không biết gạo lứt thật sự có tác dụng giảm cân hay không, nếu ăn thì phải ăn như thế nào để đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe mà vẫn có thể giảm cân được?
PGS. TS. Hoàng Thị Thanh - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam giải thích về tình trạng tăng cân của chị: Gạo lứt (gạo nâu) bản chất là loại gạo không đánh bóng nên giữ lại được nguyên cám (lớp vỏ lụa màu nâu) chứa rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magiê, mangan, sắt và chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Đặc biệt, hàm lượng chất xơ trong gạo lứt gấp 2 lần so với gạo trắng thông thường nên cơ thể sẽ tiêu hóa chậm hơn, mang lại cảm giác no lâu, khiến bạn giảm cảm giác thèm ăn vặt.
|
Một bát cơm gạo lứt không ít năng lượng hơn quá nhiều so với 1 bát cơm trắng (khoảng 240kcal so với 220kcal) |
Thêm nữa, chất xơ trong gạo lứt rất tốt cho đường tiêu hóa, chống táo bón, giúp nhuận tràng. Đó là lý do tại sao khi ăn cơm gạo lứt, bạn có cảm giác bụng rất nhẹ nhàng, dễ chịu. Sau một thời gian thấy số đo giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, gạo lứt ăn rất cứng, cần phải nấu lâu mới chín và nhai kĩ khi ăn. Bởi vậy, người sử dụng không thể ăn nhanh nên tiêu thụ ít hơn, cảm giác no lâu hơn.
Mặt khác, một nghiên cứu từ trường Đại học Tufts (Massachusetts, Mỹ) còn chỉ ra rằng, ở những người ăn gạo nâu, lượng calo bị tiêu hao tương đương với đi bộ nhanh 30 phút, tỷ lệ trao đổi chất cao hơn và hấp thụ lượng calo ít hơn trong bộ máy tiêu hóa.
Do đó, việc ăn gạo lứt sẽ là một trong những lựa chọn khôn ngoan nếu bạn muốn duy trì lối sống lành mạnh hơn và có một cơ thể thon gọn, khỏe khoắn.
Tuy nhiên, 1 bát cơm gạo lứt không ít năng lượng hơn quá nhiều so với 1 bát cơm trắng (khoảng 240kcal so với 220kcal). Do đó, nếu mỗi bữa ăn 2 bát cơm gạo lứt thì một ngày có thể ăn tới 1300kcal chỉ từ cơm, đó là chưa kể năng lượng từ các thực phẩm và đồ uống khác trong suốt cả ngày. Đây là chính là nguyên nhân gây tăng cân do nạp vào cơ thể một lượng lớn năng lượng.
Theo An Khê/ Phụ nữ Việt Nam